Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 21/4, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, tuyệt đối cấm thi tuyển vào lớp 6 năm học 2015-2016, còn tuyển sinh cách nào cho phù hợp là... trách nhiệm của hiệu trưởng các trường.
Đá “quả bóng trách nhiệm”
Tại buổi họp báo, ông Phạm Văn Đại, PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện có một số trường ở Hà Nội được đánh giá có chất lượng GD&ĐT cao, số lượng hồ sơ xin xét tuyển đông, nhưng chỉ tiêu có hạn. Do đó, từ tháng 3/2015, khi Bộ GD&ĐT ban hành chỉ thị về chấn chỉnh học thêm, dạy thêm trên toàn quốc, trong đó có cấm các trường khảo sát học sinh đầu cấp và tuyển sinh vào lớp 6, Sở GD&ĐT Hà Nội nhận thấy đây là vấn đề mới, cần tính đến đặc thù Thủ đô đang xây dựng trường chất lượng cao, nên đã có văn bản xin ý kiến. Nhưng Bộ đã có văn bản yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc quy định không tuyển sinh đầu cấp, đặc biệt là lớp 6.
|
Chen nhau nộp hồ sơ vào một trường THCS tại Hà Nội năm 2014. |
Sau đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các trường có lượng học sinh đăng ký vượt chỉ tiêu phải xây dựng đề án khả thi về tuyển sinh cho phù hợp. Khi các trường trình đề án lên, Hà Nội đã mời các chuyên gia, giới báo chí, các bậc phụ huynh, cũng như tranh thủ ý kiến dư luận góp ý rồi họp với các nhà giáo, nhà khoa học, các nhà trường. Cuối cùng, Sở GD&ĐT nhận thấy có ba trường có khả năng thí điểm là THCS Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh và Marie Curie có đánh giá năng lực qua các trò chơi trí tuệ, EQ, IQ để đột phá tuyển sinh cho ngành. Tuy nhiên, sau đó UBND TP Hà Nội có văn bản yêu cầu tuyệt đối không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức.
Trước hàng loạt câu hỏi của các PV về việc cấm thi tuyển dưới mọi hình thức, thì các trường THCS có số hồ sơ đăng ký đầu vào cao sẽ làm thế nào để tuyển sinh, ông Đại cho rằng: “Những trường như Marie Curie, Nguyễn Tất Thành hay Hà Nội Amsterdam, trước hết hiệu trưởng chịu trách nhiệm tuyển sinh, quản lý vận hành nhà trường. Không ai am hiểu quản lý bằng các hiệu trưởng. Các hiệu trưởng lên phương án tuyển sinh vào lớp 6 rồi báo cáo với phòng, sở để chúng tôi xem xét và có ý kiến đồng ý phương án đó”.
Mỗi trường xét tuyển một kiểu
Trước yêu cầu không được thi tuyển dưới mọi hình thức, bà Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy cho biết, trường dự kiến xét tuyển dựa trên thành tích các em đạt được ở các cuộc thi như: Toán, Tiếng Anh, Tin học trẻ trên mạng, văn nghệ... Các thành tích này sẽ được đổi ra điểm và lấy từ trên cao xuống thấp. “Phương án cụ thể chúng tôi chưa hoàn tất, khi được chấp thuận chúng tôi sẽ công khai trên web của trường”, bà Kim Anh nói.
Bà Vũ Thị Nhung, Hiệu phó trường THCS Marie Curie cho hay, trường dự kiến trước hết sẽ ưu tiên học sinh giỏi các kỳ thi các cấp của thành phố, quận, huyện..., tiếp đến tuyển sinh học sinh có mối quan hệ với học sinh đang học tại trường (anh, chị, em, họ hàng), nếu còn chỉ tiêu mới tuyển tiếp theo học bạ.
Theo ông Quốc Anh, Hiệu trưởng trường THCS Lê Lợi (Hà Đông), trường dự kiến xét tuyển dựa trên kết quả học tập 5 năm của các em, cộng thêm điểm từ các cuộc thi của sở, văn nghệ thể dục thể thao. “Chúng tôi sẽ tính điểm, xếp từ cao đến thấp và sẽ công khai cho phụ huynh”, ông Quốc Anh nói.
Cho rằng phương án xét tuyển học bạ rồi cộng điểm từ thành tích các cuộc thi là tối ưu trong thời điểm này, nhưng PGS.TS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường Lương Thế Vinh vẫn băn khoăn. Theo ông Cương, nhà trường cũng đang cân nhắc việc xét học bạ kết hợp với thành tích nổi trội như đã từng làm cán bộ lớp, làm lớp trưởng, tuy nhiên, như vậy cũng thật bất công với các em học sinh. Bởi với kết quả học tập theo chương trình đổi mới giáo dục ở bậc tiểu học hiện nay, thì lấy học bạ là tiêu chí xét tuyển không chính xác. “Cộng điểm cho học sinh đạt giải thưởng cũng tốt, nhưng lấy đâu ra nhiều giải thưởng thế?”, ông Cương nêu vấn đề.
Theo báo Giao Thông