Hiện trên mạng đang lan truyền một đề thi văn lạ dành cho HS lớp 7, trong đó có một câu hỏi sử dụng toàn tiếng địa phương như "mô", "ri", "nỏ", "chộ"...
Cụ thể, trong đề thi khảo sát môn Ngữ văn dành cho học sinh lớp 7 trên toàn huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, câu số 2 có nội dung: “Hãy viết hai câu thơ sau bằng tiếng phố thông: Mô rú mô ri mô nỏ chộ/ Mô rào mô bể chộ mô mồ”.
Được biết, đề thi văn này do Phòng GD-ĐT huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đưa ra. Câu hỏi này đã làm nhiều học sinh lúng túng.
|
Đề thi khảo sát môn Ngữ văn dành cho học sinh lớp 7 năm học 2014 - 2015 trên toàn huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. |
Bạn Bùi Tú, một thành viên mạng xã hội facebook, sống ở Hà Tĩnh, cho rằng, vốn từ địa phương hiện không phải bạn trẻ nào cũng biết, nhất là những bạn học sinh cấp 1, cấp 2. Có thể các em chỉ biết một vài từ phổ biên như "mô" là đâu, "nỏ" là không, "chộ" là nhìn, thấy, song nếu dịch các câu thơ toàn tiếng địa phương mà chỉ biết nghĩa nấp bõm vài từ, lại không biết về cách kết cấu của các cụm từ địa phương thì sẽ rất khó dịch. "Theo tôi được biết thì hai câu thơ trên có nghĩa là: Đâu núi đâu non đâu chẳng thấy/ Đâu sông đâu biển thấy đâu nào", bạn Tú nói.
Trao đổi với báo chí sáng 13/5, ông Phan Thanh Dân, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lộc Hà, cho biết, đề thi trên do phòng GD-ĐT huyện đưa ra. Hai câu thơ tiếng địa phương trong đề thi là để kiểm tra phần văn hóa địa phương đối với học sinh.
Theo ông Dân, đáp án của câu hỏi trên được dịch là: Đâu núi đâu non đâu chẳng thấy/ Đâu sông đâu biển thấy đâu nào.
Trong ngôn ngữ địa phương Hà Tĩnh, “mô” là đâu, ở đâu, “rú” là núi, “mô ri” là ở đâu đây. “Nỏ” là không, “nỏ chộ” là không thấy, chẳng thấy. "Rào” là sông, “bể” là biển, “mô mồ” là đâu nào.
Minh Hiếu (Tổng hợp)