- Ở tuổi 90, cụ Phạm Đăng Lộ (thôn Kiều, xã Hiên Vân, Tiên Du, Bắc Ninh) vẫn còn nhanh nhẹn, tinh tường lắm. Cụ chia sẻ, có được như thế là nhờ con cháu đều phương trưởng và "mỗi ngày dành ra ba mươi phút đi bộ".
|
Cụ Phạm Đăng Lộ. |
Ở thôn này, tôi là người cao tuổi nhất. Trong xã cũng hiếm có cặp vợ chồng nào "song trùng" được như vợ chồng tôi. Bà nhà tôi kém tôi 4 tuổi song cả hai chúng tôi đều khoẻ mạnh, vui vẻ sống bên nhau. Trong khi nhiều gia đình ở tầm tuổi này thì hoặc chỉ còn vợ hoặc chỉ còn chồng hoặc còn cả vợ chồng thì ốm đau bệnh tật. Người ta bảo, nhà tôi có phúc nên mới được như thế.
Nói ra thì không mấy ai tin, nhưng ở tuổi này, ngày ngày tôi vẫn dành ra chừng ba mươi phút để đi bộ. Vậy nên da dẻ mới được hồng hào, cũng chẳng mấy khi tôi bị ốm đau. Cách đây hai năm về trước, tôi vẫn còn đạp xe đến chơi nhà các con nhưng bây giờ thì không đạp xe nữa vì cũng đã yếu hơn. Các con cũng khuyên can khi đường sá ngày càng đông đúc, chật chội, xe cộ nhộn nhịp, sợ nhất là cánh thanh niên choai choai phóng xe lạng lách, vượt ẩu, nhỡ đâu chẳng phải đầu cũng phải tai nên tôi cũng không dám đạp xe đi xa nữa.
Vợ chồng tôi có 11 người con. Trước đây, hai vợ chồng tôi làm nghề buôn bán thịt lợn. Công việc này đem lại thu nhập cũng khá, đủ lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện, chúng đều có công ăn việc làm ổn định, đứa làm nghệ thuật, đứa làm giáo viên, cán bộ xã. Các cháu tôi cũng học hành thành đạt, nhiều đứa lập nghiệp ở Hà Nội, có nhà cửa đàng hoàng rồi.
Cũng có thể, được như thế là do phúc phần tổ tiên mang lại. Song tôi cho rằng cũng phải có sự cố gắng của tự bản thân chúng tôi. Vợ chồng tôi cố gắng làm lụng nuôi các con khôn lớn; Các con, cháu cố gắng sống tốt để báo đáp công ơn của cha mẹ, ông bà. Con cháu có cuộc sống yên ấm, hạnh phúc, vợ chồng tôi cũng thấy vui vẻ. Vậy nên, tôi luôn tin rằng mình khoẻ vì sướng khi chẳng phải lo nghĩ đến bệnh tật hay lo con cháu hư hỏng. Tôi nghĩ, đó cũng chính là một nguồn nội lực để giúp tôi sống thọ. Tuy nhiên, để đạt được điều đó thì vợ chồng tôi đã phải đánh đổi bằng hơn nửa đời người để lo giáo dục con cháu.
An Nhiên