Bác sĩ gia đình: công việc hái ra tiền?

Google News

(Kiến Thức) - Thực tế cho thấy, nhiều trung tâm dịch vụ bác sĩ gia đình "chết yểu" do cung cấp bác sĩ không đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của các "thượng đế" khó tính ở thành phố.

Nếu ở các nước, dịch vụ bác sĩ gia đình rất phổ biến, theo hình thức một bác sĩ sẽ theo khám cho gia đình/ thành viên trong gia đình trong một thời gian dài, thậm chí nhiều năm. Thì ở Việt Nam, đây vẫn là một loại hình dịch vụ mới mẻ và chưa rõ ràng. 

Khám dịch vụ sẽ tốt hơn?

Chị Hoàng Thị Thanh Hồng ở Khu đô thị Mỹ Đình I cho biết: “Từ trước đến giờ tôi chẳng mấy khi đến trạm xá hay vào bệnh viện để thăm khám cho hai nhóc nhà tôi cả, thông thường mỗi khi bọn trẻ ốm do trái nắng trở trời, tôi thường gọi dịch vụ chăm sóc sức khỏe tận nhà khám và kê đơn thuốc cho bọn chúng. Như vậy, vừa không mất công đi lại, vừa không bị kê đơn thuốc vô tội vạ, tôi thấy các bác sĩ ở bệnh viện hay trung tâm y tế thường hay kê thuốc rồi đưa cho địa chỉ đến tận nhà thuốc mua, như thế tôi thấy rất bất cập”.

 Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Cùng quan điểm với chị Hồng, chị Lan Anh ở Trung Kính, Hà Nội, chia sẻ: “Tôi có nghe nói đến dịch vụ phòng khám gia đình gì đó, nhưng tôi không thật sự tin tưởng vì bác sĩ ở đó tôi không thể kiểm chứng được trình độ của họ. Vì thế, tôi thường gọi những bác sĩ có tiếng đến tận nhà khám bệnh cho con tôi. Nếu thấy họ khám chuẩn, bắt đúng bệnh, điều trị nhanh khỏi thì tôi đặt họ chăm sóc chọn gói luôn”.

Cẩn thận hơn chị Hồng và chị Lan Anh, bà Bùi Thị Uyên, cán bộ hưu trí, nhận xét: “Giờ chọn bác sĩ khó như mò kim đáy bể vậy, khám mấy “anh chàng” mới ra trường thì lóng nga, lóng ngóng, còn khám mấy bác sĩ được cho là có kinh nghiệm nhưng đang công tác thì vội vội, vàng vàng, tôi nghĩ nên chọn những bác sĩ lớn tuổi đã về hưu, họ vừa có kinh nghiệm lại khá thoải mái thời gian. Như vậy mới yên tâm”.

Tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, các gia đình thường có nhu cầu cao bác sĩ gia đình ở các chuyên khoa: sơ sinh, nhi, lão khoa và một số bệnh phải nằm liệt tại nhà.

Một số độc giả thường xuyên phải gọi bác sĩ đến nhà khám, cho biết, nếu so về giá thì đương nhiên đắt hơn bệnh viện, nhưng chi phí thì tương đương. Vì, vào viện còn phải tiền xe cộ, tiền cò mồi, công chờ đợi, đồ đạc lỉnh kỉnh ... rất bất tiện. Chính vì thế nên ngày càng nhiều người chọn dịch vụ này.

Dịch vụ bác sĩ khám tận nhà đắt khách

 “Bác sĩ gia đình là mô hình y tế rất hiệu quả ở các nước tiên tiến vì trên 70% bệnh nhân không cần đến bệnh viện, như thế họ sẽ được chăm sóc sức khoẻ tại nhà. Khi cần thiết, họ sẽ được bác sĩ gia đình hướng dẫn thu xếp vào bệnh viện. Khi ra viện, họ lại được bác sĩ gia đình chăm sóc, điều trị tiếp mà không cần quay lại bệnh viện. Điều này giúp giảmtải bệnh viện và chi phí điều trị cho bệnh nhân”.

BS. Nguyễn Thế Dũng (nguyên giám đốc sở Y tế TP.HCM)
Do nhu cầu tăng cao, dịch vụ bác sĩ khám bệnh tận nhà hiện nay lại đang "hái ra tiền". Tại các nước phát triển như Mỹ, bác sĩ gia đình có thu nhập tối thiểu mỗi năm khoảng gần 200.000 USD (khoảng 4 tỉ đồng). Còn ở Việt Nam, tuy chưa đúng khái niệm chuẩn của bác sĩ gia đình, nhưng các bác sĩ khám tại nhà (phần lớn là ngoài giờ) cũng có thu nhập không nhỏ.

Theo khảo sát của Kiến Thức, giá khám bệnh tại nhà trung bình của bác sĩ là 250.000 - 350.000 VNĐ/ ca (đối với các quận nội thành), tùy theo khám tư (liên hệ thẳng với bác sĩ) hay qua trung tâm (dịch vụ khám bệnh tại nhà). Cá biệt một số bác sĩ uy tín, giá khám có thể lên tới 400.000 - 500.000 VNĐ/ ca. Đó là chưa kể giá các dịch vụ khác như tiêm, truyền dịch tại nhà, thông thường giá cũng kỏoảng 150.000 - 300.000VNĐ/ca.

Như vậy, nếu chỉ tính mỗi ngày một ca khám tại nhà, một bác sĩ gia đình tối thiểu cũng có thêm thu nhập mỗi tháng trên dưới 10 triệu VNĐ. 

Tuy nhiên, để khám bệnh tại nhà không phải bác sĩ nào cũng đủ "tiêu chuẩn". Theo "tiết lộ" của một số gia đình thường xuyên thuê bác sĩ gia đình, họ tìm bác sĩ theo hai cách. Cách thứ nhất là qua giới thiệu hoặc tự tìm hiểu. Cách thứ hai là trực tiếp khám bệnh tại bệnh viện rồi xin số điện thoại bác sĩ mời về nhà. 

Hiện nay, có nhiều dịch vụ khám bệnh tại nhà, nhưng để "làm ăn" được, bản thân các trung tâm này phải có một danh sách bác sĩ uy tín. Thực tế cho thấy, nhiều trung tâm dịch vụ bác sĩ gia đình "chết yểu" do cung cấp bác sĩ không đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của các "thượng đế" khó tính ở thành phố.

Tuy nhiên, chính các bác sĩ tham gia dịch vụ này cũng cho biết, dịch vụ này có thể là rất tiện nhưng nó chỉ phù hợp với những bệnh nhẹ mỗi khi trái nắng trở giời, chứ bệnh nặng phải xét nghiệm chiếu chụp thì tốt nhất nên vào những bệnh viện uy tín.

Hiện nay, Bộ Y tế đang tiến hành triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình xuống các cơ sở nhằm giảm tải tình trạng quá tải bệnh viện và chăm sóc trực tiếp sức khỏe cho người dân ở địa phương. 

Theo
Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ giai đoạn 2013-2020 (phê duyệt tháng 3/2013), 3 mô hình BSGĐ gồm phòng khám BSGĐ tư nhân; phòng khám BSGĐ phối hợp, lồng ghép chức năng trạm y tế xã, phường, thị trấn và phòng khám BSGĐ tại khoa khám bệnh của các BV, do các BV quản lý. Các phòng khám này có chức năng cơ bản là khám chữa bệnh; phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu; phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe; tư vấn sức khỏe.

Còn nữa...


Lê Phương