Nghề "bốc thuốc cứu người" cũng nguy hiểm như bao nghề khác nhưng người bác sĩ lại không thông cảm và mỗi một sự cố của y khoa thì cả dư luận đều quan tâm và lên án người bác sĩ.
Tai biến sau sự cố hi hữu
Hơn 20 năm làm một bác sĩ giỏi, chỉ một lần mổ cho bệnh nhân, tâm lý anh căng thẳng nên anh để quên miếng gạc trong bụng bệnh nhân. Người bệnh nhân được mổ lấy gạc ra còn người bác sĩ thì nằm liệt giường cả đời.
Câu chuyện trên được anh Nguyễn Xuân Vinh - một điều dưỡng trưởng của Bệnh viện Việt Đức kể cho chúng tôi nghe. Cách đây vài năm, một bác sĩ của bệnh viện Việt Đức rất tài giỏi. Anh bác sĩ này từng được mệnh danh như đôi tay vàng của ngoại khoa Việt Nam. Bao nhiêu năm trong nghề anh nỗ lực vì người bệnh, chưa bao giờ xảy ra sự cố nào.
Đến một ngày, anh mổ cho bệnh nhân, do tâm lý căng thẳng hay vì sao thì không ai biết. Người ta chỉ biết rằng anh đã để quên bông gạc trong bụng bệnh nhân sau khi mổ. Từ sau sự cố đó, người bác sĩ ấy rơi vào trạng thái sốc vì báo chí, dư luận cả nước cho rằng "bác sĩ vô trách nhiệm, bác sĩ làm ăn tắc trách".
Trước sức ép của dư luận, của người nhà bệnh nhân, người bác sĩ ấy đã bị sang chấn tâm lý nặng nề. Ông suy nghĩ nhiều, mất ngủ liên miên. Có những lúc ông nhìn đồng nghiệp mắt đỏ hoe như muốn giải thích với mọi người. Đồng nghiệp hiểu, cơ quan hiểu chỉ duy nhất bệnh nhân và dư luận không hiểu.
Thế rồi, vết đen cứ theo người bác sĩ ngoại khoa này để đến khi anh gục ngã vì không chịu nổi áp lực sau tai biến rủi ro nghề nghiệp. Đang là bác sĩ chữa bệnh cứu người, anh trở thành bệnh nhân nằm liệt giường, vĩnh viễn không thể cầm dao mổ lần nào nữa.
|
Đối với bác sĩ cũng gắn với câu "Sinh nghề, tử nghiệp" |
Kể với chúng tôi, điều dưỡng Vinh ám ảnh: "Người ta thường nói sinh nghề, tử nghiệp. Chúng tôi thường động viên nhau đó là tai nạn không đáng có, là vận hạn đen của đời người. Bao năm nay, anh ấy nằm ở nhà để người thân chăm sóc, còn đồng nghiệp mãi tiếc thương người bác sĩ giỏi".
Bác sĩ treo cổ vì nghi nhỏ nhầm thuốc cho bệnh nhân
Khi vừa nói chuyện về những tai nạn nghề nghiệp của y khoa cũng như áp lực sau tai nạn khiến người bác sĩ rơi vào hoảng loạn, PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng - Bệnh viện Bạch Mai kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện của hơn chục năm về trước.
Ở thời điểm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, truyền thông, báo chí không mạnh mẽ, không lên án ngành y nhiều như hiện nay, vậy mà một vị bác sĩ của Bệnh viện Mắt Trung ương đã phải treo cổ tự tử ở nhà riêng vì không chịu nổi cú sốc sau khi điều trị cho bệnh nhân.
Theo như câu chuyện lúc đó, vị bác sĩ mắt này rất giỏi, học hàm thạc sĩ. Ông điều trị cho một bệnh nhân nhưng bệnh nhân đó bị bỏng giác mạc nặng. Nghi ngờ bệnh nhân bị nhỏ nhầm thuốc, không có hội đồng khoa học nào đứng ra bảo vệ bác sĩ. Người nhà bệnh nhân thì đòi gặp bác sĩ bắt đền, báo chí cũng đưa tin, bệnh viện kỷ luật, đình chỉ tạm công việc.
Không chịu nổi cú sốc, không được ai tin mình, vị bác sĩ đã tìm đến cái chết để bảo vệ thanh danh nghề nghiệp. Anh chết đi để lại tiếc thương cho gia đình, bạn bè và bao người ám ảnh hơn với nghề y. Chuyện của vị bác sĩ bệnh viện mắt mãi đi vào dĩ vãng, nguyên nhân cũng không được tìm ra vì người đã mất và bệnh nhân thì đã không kiện.
Vài năm qua, mỗi khi có tai biến trong y khoa, ít khi bác sĩ được thông cảm. Có những trường hợp như Bệnh viện Kinh Bắc Bắc Ninh, Bệnh viện Sản Thanh Hóa, Bình Dương sản phụ tử vong người nhà đã đưa quan tài đến bệnh viện bắt đền. Kèm theo đó là bao lời chê bai của báo chí, truyền thông.
Câu chuyện chìm lại dần theo thời gian nhưng đằng sau đó có những người bác sĩ cả đời cống hiến cho ngành y phải chịu tai tiếng của dư luận. Khi sự việc như thế xảy ra, hầu như chúng ta không thấy có ai đứng ra bảo vệ bác sĩ phân xử đúng sai.
Theo Infonet