Theo ghi nhận của Kiến Thức, liên tục trong ngày 13,14 và 15/2 (tức các ngày 25, 26 và 27 âm lịch), lượng bệnh nhân vẫn lũ lượt đổ về một số bệnh viện lớn ở Hà Nội như: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Viện huyết học – Truyền máu Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Bạch Mai...
Lượng bệnh nhân không có dấu hiệu giảm
Trong ngày 14/2, tại Viện huyết học – Truyền máu Trung ương (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho thấy, nhiều người nhà đưa người bệnh đến tập trung làm thủ tục vào khám chữa bệnh khá đông.
|
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương vẫn đông kín người bệnh, người nhà người bệnh đến thăm khám những ngày giáp Tết. |
Tới đầu giờ chiều, lượng người ra vào làm các thủ tục thăm khám, nhập viện không có dấu hiệu giảm, thậm chí nhiều người phải đứng xếp thành hàng dài, chờ đợi lâu mà vẫn chưa đến lượt làm các thủ tục cần thiết.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Trung Ương (đường La Thành, Đống Đa, Hà Nội), nhiều ông bố, bà mẹ bồng bế con chờ khám bệnh... hết đứng chờ lại ngồi vật vã đợi đến lượt. Số lượng bệnh nhi không giảm mấy so với những ngày bình thường, chủ yếu mắc các bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi, một số bệnh về đường ruột… Đây là những bệnh rất dễ mắc ở trẻ khi thời tiết trở nên lạnh.
|
Do không đủ ghế nên nhiều bà bầu phải đứng đợi người thân làm các thủ tục ở BV Phụ Sản Trung ương (Hà Nội). |
Cùng ngày, tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương (43 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội), cảnh tượng người nhà, người bệnh có vẻ còn "căng" hơn. Từ đầu giờ chiều cho đến gần hết giờ hành chính, lượt xe cấp cứu ra vào bệnh viện liên tục, lượng người vào làm thủ tục thăm khám vẫn đông.
Bác sĩ, y tá “căng như dây đàn” trực, khám...
Bệnh nhân vẫn không hề giảm dù Tết đến gần - vậy công tác chuẩn bị đề phòng để xảy ra tình trạng quá tải trong ngày Tết tại các bệnh viện như thế nào? Trao đổi với Kiến Thức, T.S Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung Ương cho biết: “Từ đầu tháng 12 Âm lịch, bệnh viện đã rà soát lại toàn bộ nguồn nhân lực dựa trên mô hình bệnh có thể ở lại Tết. Thông qua những nhân lực, phân công vị trí cụ thể, ca trực 24/24h. Đặc biệt, các khối điều trị nội trú cho các em bé luôn sẵn sàng. Chúng tôi cũng đã cho rà soát lại toàn bộ danh mục thuốc men, trang thiết bị y tế, hàng tiêu hao, thuốc thiết yếu cho các em bé trong những ngày trực. Ở các khu vực phòng khám, khi có các tình huống bệnh nhân nặng, bệnh nhân cấp cứu, chúng tôi đều có kế hoạch cấp cứu kịp thời và nhanh nhất”.
Theo T.S. Trần Minh Điển, từ thời điểm này, các bác sĩ, điều dưỡng có ca trực tại những khu vực nội trú nặng vẫn làm việc theo ca bình thường (theo 3 ca, 4 kíp) để người bệnh được chăm sóc toàn diện và liên tục.
|
Mặc dù giáp Tết lượng bệnh nhân đông, nhưng đội ngũ y, bác sĩ của BV Phụ Sản Trung ương vẫn nhiệt tình trong quá trình thăm bệnh. |
T.S Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng cho hay, trong những ngày cận Tết này, số lượng bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện Phụ sản Trung ương cấp cứu liên tục tăng lên, rất nhiều ca nặng, sản phụ nặng cũng có. Phần lớn do bệnh nhân chạy thẳng lên đây điều trị luôn.
“Chúng tôi đã có kế hoạch và bố trí các bác sĩ trực 4 cấp 24h/ngày trong Tết. Niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện và của Bộ Y tế. Đồng thời, các đồng chí trong Ban giám đốc phải có mặt 24/24h. Dù có căng thẳng, vất vả nhưng chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo nhu cầu khám chữa kịp thời cho các bệnh nhân”, T.S. Vũ Bá Quyết cho biết thêm.
"Tất bật khám, cấp cứu nhưng họ nhiệt tình lắm!"
Là một trong những bệnh nhân đang điều trị tại Khoa sản I, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, chị La Thị Đoàn (45 tuổi, Bắc Kạn, giữ thai khoảng tuần 29) chia sẻ: “Tôi được chuyển từ bệnh viện tỉnh Bắc Kạn xuống hôm thứ 2. Năm nay, tôi đón Tết ở viện, chứ không được về nhà. Mấy hôm nay, tôi thấy bác sĩ, y tá tất bật khám, cấp cứu nhưng họ vẫn nhiệt tình lắm".
Cũng theo chị Đoàn, có những lúc vì lo cho thai nhi, chị thường làm phiền bác sĩ và y tá bằng những câu hỏi rất ngớ ngẩn, nhưng không hề bị cáu gắt mà còn luôn được động viên an ủi, tin tưởng em bé luôn mạnh khỏe.
|
Chị Phùng Thúy Hằng ngồi buồn bã nhìn cậu con trai truyền từng giọt hóa chất vào người ở BV Nhi Trung ương. |
“Nhiều khi nhìn con nằm vật vờ trên giường bệnh cùng chiếc kim cắm lên cổ tay mà lòng tôi quặn thắt, nước mắt cứ ứa ra khi cháu kêu đau…Tết này hai mẹ con không thể về nhà đón giao thừa, vì nếu không may xảy ra tình huống xấu, tôi chẳng xoay sở kịp thì ân hận lắm!", chị Phùng Thúy Hằng - mẹ cháú Đoàn Ngọc K. (10 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) mắc bệnh ung thư máu điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung Ương, chia sẻ.
Chị Hằng cho biết, dù Tết bận rộn nhưng các bác sĩ tận tình thăm khám và niềm nở với bệnh nhân, thậm chí bác sĩ y tá còn "pha trò" để mọi người giảm bớt phần nào nỗi buồn bệnh tật và Tết bệnh viện. "Có con nằm viện những ngày Tết nhất này mới thấy được tấm lòng bác sĩ, y tá!”, chị Hằng nói.
Chị Đinh Thị Tuyên (30 tuổi, Tân Lạc, Hòa Bình) cũng không có ý định đưa con (bé Đ., gần 6 tuổi, bị bệnh bạch cầu cấp) về quê ăn Tết cùng người thân, bởi bệnh tình của cháu diễn biến khó lường. "Em cứ nghĩ cho con nằm viện ngày Tết thì bác sĩ, y tá sẽ không làm việc đông đủ như ngày thường; nhưng hóa ra không phải thế. Mấy hôm nay, bác sĩ và y tá thăm khám cho con em chả khác gì ngày thường. Nghĩ thương con không có Tết gia đình, nhưng cũng thương họ (bác sĩ, y tá - PV) thiệt thòi, làm cả năm không ngày nghỉ vì bệnh nhân của mình...”, chị Tuyên bộc bạch.
Mạnh Hưng