U khí quản là một khối u ít gặp trong hệ thống đường thở. Tuy nhiên, khi bệnh nhân đã mắc, khối u có thể chèn vào đường thở khiến bệnh nhân tử vong bất cứ lúc nào. Hơn 30 năm trong ngành phẫu thuật nội soi, PGS.TS Nguyễn Chi Lăng, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư đã cứu nhiều ca có khối u khí quản, nhưng ca bệnh được gọi với cái tên "chết đuối trên cạn" luôn làm ông nhớ mãi mỗi khi nhắc đến.
Khối u bít tắc khí quản
Từ năm 1980 đến nay, PGS.TS Nguyễn Chi Lăng công tác trong ngành nội soi, hiện là cố vấn Bệnh viện Phổi T.Ư. Trong suốt thời gian này, Bệnh viện Phổi T.Ư đã triển khai kỹ thuật nội soi can thiệp trong đó có kỹ thuật điện đông cao tần đã phá hủy hơn 100 ca có khối u trong lòng khí, phế quản và hơn chục ca mắc u khí quản. Trực tiếp PGS.TS Nguyễn Chi Lăng đã cứu thành công cho nhiều bệnh nhân, nhưng bệnh nhân Nguyễn Văn Thiện (37 tuổi, Hà Tĩnh) làm ông ấn tượng nhất.
|
PGS.TS Nguyễn Chi Lăng chỉ cho nhân viên hình ảnh X-quang của bệnh nhân Thiện. |
PGS.TS Nguyễn Chi Lăng kể lại, anh Thiện được chẩn đoán ở tuyến dưới là hen phế quản, với triệu chứng ho kéo dài, khó thở, điều trị 6 tháng nhưng không thuyên giảm. Anh được chuyển đến Bệnh viện Phổi T.Ư làm xét nghiệm cơ bản và chụp CT phần ngực. Trên phim, các bác sĩ đã phát hiện anh Thiện có khối u 1/3 dưới khí quản, trong khi đường kính khí quản một người chỉ khoảng 1,2 - 1,8cm, thì khối u của anh có kích thước khoảng 1,5 x 2,5cm, bít tắc gần như hầu hết khẩu kính (đường kính) của khí quản.
Ngay sau khi có kết quả, bệnh nhân được thở oxy liên tục. Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định chiều hôm sau làm phẫu thuật. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau, khi PGS.TS Nguyễn Chi Lăng đang giao ban ở phòng bên thì thấy cả khoa bệnh, nơi anh Thiện nằm chạy rầm rập, bác sĩ, y tá hốt hoảng chạy đến cấp cứu, còn bệnh nhân thì sợ chạy hết ra ngoài. "Tôi qua phòng thì thấy anh Thiện người tím tái, không nói được, giãy giụa. Các bác sĩ đã đặt nội khí quản nhưng không được vì không cố định được bệnh nhân, anh không không thở được. Thấy vậy, tôi quyết định dùng thuốc an thần cho bệnh nhân ngủ rồi tiến hành thở máy cho bệnh nhân và phẫu thuật luôn, không thể chờ được đến chiều", PGS.TS Nguyễn Chi Lăng nhớ lại.
Sau mổ được 2 - 3 tiếng, bệnh nhân đã có thể ra vườn hoa của bệnh viện dạo và thoát chết trong gang tấc. Đây là trường hợp bệnh nhân bị khối u chít gần hết đường khẩu kính khí quản, chỉ một chút đờm chảy, bệnh nhân có thể "chết đuối trên cạn".
Bệnh nhân có thể tử vong trong 3 phút
Theo PGS.TS Nguyễn Chi Lăng, kỹ thuật nội soi cắt khối u khí, phế quản là một kỹ thuật đặc biệt khó khăn cho bác sĩ, bởi phải cắt khối u trong phẫu trường chật hẹp là phế quản hoặc khí quản. Đường kính phế quản chỉ bằng 0,6 - 1cm, đường kính khí quản 1,2 - 1,8cm, trong khi phải đưa một dụng cụ nội soi vào. Hơn nữa, bản thân khối u trong lòng khí phế quản đã làm tắc nghẽn khí, phế quản khiến bệnh nhân rất khó thở, dễ chảy máu đường thở, gây tắc nghẽn đường thở và có thể tử vong bất kỳ nếu sơ xuất. Mặt khác, phẫu thuật u khí quản khó khăn hơn vì nó có 1 đường thở duy nhất, không đặt nội khí quản trong vòng 3 phút bệnh nhân sẽ thiếu thở, thiếu oxy đưa lên não sẽ tử vong.
Chia sẻ kinh nghiệm xử lý u khí quản, PGS.TS Nguyễn Chi Lăng cho hay, bệnh nhân có u khí phế quản khó thở thì luôn luôn phải được nằm ở các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực đề phòng bệnh nhân có đợt cấp. Khi có chứng suy hô hấp cấp tính phải đặt nội khí quản ngay. Khi đặt ống nội khí quản cần chú ý, ống nội khí quản không được chặn khối u, phải ở trên khối u. Vì nếu ống nội khí quản chặn vào u sẽ chảy máu, tắc nghẽn đường thở, bệnh nhân tử vong nhanh. Trong khi đặt nội khí quản phải hút dịch trong khí quản, ống hút này cũng cần cố gắng không chạm được khối u. Đây là một trường hợp điển hình về mức độ nặng cũng như sự may mắn thoát chết trong gang tấc của bệnh nhân.
Phạm Hằng