Đừng nghĩ đi ủng là thoát bệnh
PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, ở những vùng lũ, nước thường bị ô nhiễm. Ngoài ra, việc thường xuyên phải dầm nước, nhất là nước bẩn khiến nhiều người dân sống ở các vùng ngập lụt thường có biểu hiện viêm da kẽ chân, mụn nước.
ThS.BS Nguyễn Thị Thảo, Trung tâm Da liễu Hà Đông, Hà Nội cho biết, hiện tượng này dân gian vẫn gọi là nước ăn chân, nhưng theo y học hiện đại gọi là bệnh nấm kẽ. Bệnh thường gặp ở những người có công việc liên quan, tiếp xúc thường xuyên với nước, hoặc ở vùng lũ lụt.
Ở các kẽ hẹp giữa các ngón chân thường có biểu hiện lớp da bên trên do bị ngâm nước nhiều nên bợt đi, mủn trắng và có kẽ nứt, còn bên dưới là một nền da đỏ ướt. Nhiều người bệnh lan ra cả bàn chân, nhất là gót chân, má ngoài của bàn chân, lòng bàn chân, khiến người bệnh ngứa ngáy, khó chịu.
Bệnh chủ yếu do các vi khuẩn Trichophyton Mentagrophytes và Trichophyton Rubrum hoặc Epidermophyton Floccosum gây ra.
Lương y Nguyễn Văn Sử, Hội Y học Cổ truyền Việt Nam cho biết thêm, ở các vùng lũ lụt, nhiều người chọn đi ủng nhựa cho sạch và tránh nước bẩn. Tuy nhiên, thực tế nếu vài ngày liền đi ủng chân đã ẩm ướt lại cứ bó chặt trong ủng nhựa bí rì thì cũng không tránh khỏi bị nấm da.
|
Thường xuyên dầm nước khiến người dân sống ở vùng ngập lụt hay bị viêm da kẽ chân, mụn nước. |
Cách ly và giữ khô thoáng
Lương y Nguyễn Văn Sử cho biết, khi mới phát hiện bệnh, có thể điều trị theo các bài thuốc dân gian cũng rất hiệu quả. Ví dụ, lá trầu không đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là có thành phần chất kháng sinh, có tác dụng sát khuẩn rửa vết thương. Lấy lá trầu không, vò nát, xát vào các kẽ ngón chân, hoặc vắt lấy nước cốt bôi vào các kẽ ngón chân. Phèn chua đun chảy đến trắng khô rồi tán thành bột, kết hợp với bột hoàng đằng rắc vào các kẽ chân lở loét cũng giúp vết thương nhanh khô.
Đơn giản hơn, người bệnh cũng có thể nấu nước lá lốt hoặc lá kim ngân ngâm rửa chân, lấy búp ổi giã với muối, xát nhẹ vào chỗ ngứa. Tuy nhiên, lương y Nguyễn Văn Sử cũng cho hay, những bài thuốc này chỉ thích hợp khi bệnh mới phát triển, còn khi vết lở loét nặng thì nên đi khám để có hướng điều trị thích hợp.
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Thảo, bệnh nấm kẽ hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách chú ý giữ chân sạch sẽ, khô thoáng. Sau khi lội nước bẩn phải rửa chân tay kỹ bằng nước sạch, rồi dùng khăn sạch lau khô, đặc biệt chú ý các kẽ ngón chân là nơi thường ẩm và dính bẩn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển bệnh. Tốt nhất nên rửa bằng nước chanh, quất, hoặc khế chua hoặc xà phòng SAStid (nếu có). Khi phát hiện các kẽ ngón chân chớm bị ngứa đỏ, tuyệt đối không gãi làm sây sát chỗ ngữa gây nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, khi bị bệnh nấm kẽ chân, người bệnh nên tùy vào giai đoạn bệnh khác nhau để dùng thuốc chứ không nên dùng bừa bãi. Khi các kẽ chân, tay trợt, ướt rỉ dịch, da mủn trắng thì có thể dùng dung dịch BSI (cồn iod salibenzo), castellani chấm hằng ngày sáng và tối; khi các kẽ chân, kẽ tay đã se khô thì có thể dùng thuốc mỡ để bôi như clotrimazol 1% (calcrem, canesten, mudis...) hoặc bôi thuốc khác, chẳng hạn như ketoconazol, nystatin, lamisin.... Trong quá trình điều trị cố gắng giữ cho chân luôn khô thoáng, cách ly môi trường nước bẩn, tránh lội nước, ngâm chân lâu dưới nước.
Nếu gia đình có người bị nấm chân cần phải cách ly không để lây nấm sang người khác. Tuyệt đối không đi chung tất, giầy, dép, ủng... chung với người bệnh. Nếu đi tất, nên chọn loại có chất liệu khô thoáng, thấm hút tốt, thay tất hằng ngày và tốt nhất nên giặt bằng nước nóng với xà phòng sát khuẩn để diệt vi khuẩn gây bệnh. Chú ý không giặt chung với tất của người khác, không giặt chung với quần áo để phòng tránh bệnh lây lan.
Không chỉ đối với người dân vùng lũ mà ngay cả với người hay ra mồ hôi cũng có nguy cơ bị nhiễm nấm cao. Đối với những người này không nên đi giầy tất suốt cả ngày. Thường xuyên thay tất hằng ngày, sấy khô và phơi nắng giầy, ủng cũng là cách hữu hiệu để loại trừ vi khuẩn gây bệnh và lây lan bệnh tật.
Đức Anh