Cắt cụt ngón tay không ảnh hưởng chức năng bàn tay

Google News

Tổn thương ngón tay do tai nạn giao thông, tai nạn lao động ngày càng gặp nhiều trong các bệnh viện tuyến trung ương.

(Kienthuc.net.vn) - Tổn thương ngón tay do tai nạn giao thông, tai nạn lao động ngày càng gặp nhiều trong các bệnh viện tuyến trung ương. Nếu không được xử lý kịp thời người bệnh có thể bị ảnh hưởng đến chức năng của mỏm cụt và cả bàn tay. Tại Bệnh viện 103, kỹ thuật cắt cụt ngón tay đã được thực hiện thành công cho nhiều bệnh nhân.

Một ca phẫu thuật cắt cụt ngón tay.
Một ca phẫu thuật cắt cụt ngón tay.

Kỹ thuật cắt ngón tay cần chú ý, dùng lưỡi dao sắc để cắt, để đầu mút thần kinh co lên nằm giữa các tổ chức lành, tránh hình thành u thần kinh gây đau, phải bộc lộ mạch máu để thắt buộc.
 
Đối với gân, kéo dài ra và cắt bỏ, ở đầu mỏm cụt không được khâu đầu gân gấp với đầu gân duỗi, vì như vậy không trượt được, gây cản trở cử động ngón tay. Khi cắt cần cân nhắc chủ yếu tình trạng xương để đảm bảo giữ được chiều dài tối đa của ngón.

Đối với đốt 3 của các ngón tay, nếu mất da ở đầu ngón, thương tổn phần mềm nhiều, lộ xương thì có thể chuyển vạt da tại chỗ, ghép da có cuống ở mu ngón lân cận. Khi bị cụt đến nửa đốt 3 thì không giữ được móng nữa, cần cắt bỏ mầm móng.
 
Tuy nhiên không còn phần mút ngón tay (rất quý giá) song vẫn phải che phủ phần đầu ngón tay còn lại. Phải giữ cho được nền xương của đốt thì sẽ giữ được chức năng của ngón. Nếu nền xương của đốt 3 chỉ còn vài mm mà các gân bám vào đấy bị đứt thì nên cắt phần cuối của đốt 2 chứ không nên tháo khớp.
 
Nếu bị đứt đốt 2, thì cố gắng giữ nền đốt 2 là nơi bám của gân gấp chung nông để các khớp còn lại của ngón tay vẫn cử động được. Nếu ngón trỏ cụt chỉ còn đốt 1 thì quá ngắn, hoạt động kém nhưng cũng không nên tháo khớp mà phải giữ để bảo đảm chiều rộng tối đa của bàn tay, cần thiết cho việc cầm nắm dụng cụ vững hơn. Đối với ngón nhẫn và ngón giữa, khi bị cụt ở nền đốt 2 và đốt 1 thì mỏm cụt ít tác dụng.

Nếu cản trở cơ năng của bàn tay và các ngón còn lại thì cắt thêm tới nền của đốt 1, vì còn nền đốt 1 thì các ngón kia không co rúm lại ở giữa và giữ được độ rộng của bàn tay, giúp cho cầm nắm được tốt. Khi nhiều ngón bị cụt một phần thì những phần còn lại của các ngón cần được bảo tồn triệt để chứ không theo nguyên tắc của cụt một ngón.
 
Nếu cắt cụt ở ngón cái,  mất ngón cái sẽ mất khả năng đối chiếu vì bàn tay không dùng được, nhưng cắt cụt ở đốt 2 hay đốt 1 ngón cái phải cân nhắc từng mm. Phải giữ tất cả các tổ chức sống, nhất là da có cảm giác ở vùng gan tay, nếu da thiếu ghép bằng da rời hoặc vạt da ở mu ngón 2.

PGS.TS Trần Đình Chiến (Bệnh viện 103)