Chuốc nguy hiểm cho trẻ vì sirô ăn ngon, ngủ khỏe

Google News

Sốt ruột khi thấy con biếng ăn, ngủ ít, nhiều bà mẹ tự tìm mua các loại thuốc, si-rô, cốm kích thích ăn, ngủ ngon mà không cần sự tư vấn của các bác sĩ. Hậu quả, tình trạng của bé ngày càng trầm trọng.

Từ sự lạm dụng của cha mẹ và cơ sở trông nuôi trẻ

Sau khi cai sữa cho cậu con trai 17 tháng tuổi, vợ chồng chị Minh (quận 7, TP HCM) lúc nào cũng trong tình trạng đánh vật với với con khi bé khó ăn, khó ngủ. Nghe lời người bạn cùng cơ quan, chị tìm mua thuốc cam Tùng Lộc cho con dùng và thấy công dụng ngay từ gói đầu tiên khi bé dễ ăn ngủ hẳn. Nhưng khi dừng thuốc thì bé lại quấy khóc hơn trước, người tọp hẳn đi.
 
Tránh sử dụng những biện pháp kích thích ăn ngon, ngủ khoẻ, hết mồ hôi trộm gây ức chế trung khu thần kinh cho trẻ
Nghe nhiều người nói lấy hạt sen xay với bột sẽ giúp cho trẻ ăn ngon, ngủ ngon chị cũng thử song vẫn chẳng thấy ăn thua. Thậm chí, thấy trên tivi quảng cáo một loại cốm ăn ngon, ngủ ngon có thành phần chiết xuất từ tâm sen, lạc tiên chị cũng cho dùng thử nhưng tác dụng chẳng đến đâu.

Chỉ đến khi mang con đến trung tâm tư vấn dinh dưỡng khám, chị mới thực sự hoảng hốt khi các bác sĩ cho hay, bé nhà chị ngoài bị còi cọc còn bị chứng khô miệng, khô mắt và kích thích vật vã dẫn đến khó ăn, khó ngủ một phần là do lạm dụng quá nhiều các loại thuốc, sản phẩm kích thích ăn ngủ ngon.

 Hình minh họa

Theo các bác sĩ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 70% số các bà mẹ mang con đến khám và điều trị bệnh biếng ăn, ít ngủ tại các trung tâm tư vấn dinh dưỡng đều thừa nhận đã từng tự ý các sản phẩm kích thích ăn, ngủ ngon cho con theo quảng cáo, truyền miệng.

Chị Thanh Thảo (ngụ ở phường 2, quận Phú Nhuận, TPHCM) cho biết: “Lên mạng, thấy các bà mẹ hay rỉ tai dùng sirô loại này, cốm kích thích loại kia hiệu quả tức thời nên tôi cũng mua cho con tôi dùng”.
 
Theo các trình dược viên tại khu chợ dược Tô Hiến Thành (quận 10, TPHCM), các loại thuốc sirô như Phénergan, Théralène hoặc các loại thuốc pha với sữa hay nước cho trẻ uống như Promethazin; Alimemazin; Chlopheniramin bán rất chạy. Bởi vị ngọt của các sản phẩm này làm trẻ thích thú, ăn uống một cách dễ dàng và nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ để mẹ an tâm làm việc, do vậy không chỉ có các phụ huynh sử dụng mà nhiều cơ sở nuôi dạy trẻ cũng mua các loại thuốc trên.
 
Đến hiểm họa sức khỏe lâu dài


TS dược học Nguyễn Hữu Đức, giảng viên chính bộ môn Dược Đại học Y Dược TP HCM, cho biết việc dùng các thuốc giúp kích thích trẻ ăn, ngủ ngon khá phổ biến trong quá trình chăm sóc trẻ của nhiều bà mẹ và cơ sở mầm non hiện nay.
Tuy nhiên, việc lạm dụng và tự ý dùng các loại thuốc kích thích sẽ rất nguy hiểm cho trẻ, nhất là các trẻ dưới 2 tuổi. Nếu dùng nhiều lần, kéo dài, trẻ sẽ bị mỏi mệt, não luôn trong trạng thái ức chế, không phát triển tốt cho trí tuệ. Nguy hiểm hơn, nếu trẻ dung nạp thuốc kháng histamin thường xuyên, có thể bị kích thích vật vã.
 
Năm 2010, Tổ chức Y tế thế giới đã có khuyến cáo không nên dùng các loại thuốc gây ngủ, đặc biệt là loại Promethazin cho trẻ dưới hai tuổi. Vì vậy, việc sử dụng sirô hoặc các loại cốm, thuốc viên giúp trẻ ngủ ngon cần có chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. “Không nên tự ý và tùy tiện dùng các loại thuốc gây ngủ, như vậy sẽ rất nguy hiểm cho trẻ”, TS Đức khuyến cáo.

Còn theo TS-BS Đinh Thị Kim Liên- Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, BV Bạch Mai, do một số cơ quan trong cơ thể trẻ nhỏ chưa hoàn chỉnh dẫn đến những rối loạn chức năng thường gặp, hay còn gọi là những rối loạn sinh lý như mồ hôi trộm, ngủ không sâu giấc... Nếu không kèm với những dấu hiệu khác của các biểu hiện do thiếu canxi thì nên để cơ thể trẻ tự thích nghi và điều chỉnh. Tránh sử dụng những biện pháp kích thích ăn ngon, ngủ khoẻ, hết mồ hôi trộm gây ức chế trung khu thần kinh cho trẻ. Vì thông thường tất cả những chất bổ sung khi vào cơ thể đều phải chuyển hóa và đào thải qua gan và thận.

Do đó, nếu cơ thể trẻ không cần thiết phải sử dụng thì không nên “vô tình” làm tăng thêm các gánh nặng cho các cơ quan này của trẻ để tránh gan hư, thận phế.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị