Cứu bệnh nhân lỵ tóe máu ồ ạt

Google News

(Kiến Thức) - Không chỉ gây tác hại ở đại tràng, xuất huyết tiêu hóa, ung thư hóa các tổn thương ở ruột... amip ở ruột còn có thể gây biến chứng áp xe gan, áp xe phổi, màng phổi, viêm màng ngoài tim, viêm màng bụng, viêm thận và chảy máu ồ ạt, hoại thư gây tử vong. 



Thăm khám cho bệnh nhân T. tại Bệnh viện 354. 

Chị Nguyễn Thị T. (57 tuổi, Phúc Lợi, Long Biên, Hà Nội) cho biết, trước khi vào viện khoảng 15 phút chị thấy đau râm ran ổ bụng, nhưng đi siêu âm kết quả không vấn đề gì. 4 giờ sáng ngày 9/6, bụng chị đau quặn, buồn đi ngoài và nôn nhưng không được. Gia đình đưa chị đi cấp cứu tại Bệnh viện 354, soi đại tràng phát hiện chảy máu tươi, tổn thương nhiều ổ ở đại tràng. Ngay sau đó, chị đi ngoài liên tục như đi tiểu toàn ra máu tươi, 2 ngày mới cầm. Hiện nay, sau 1 tuần điều trị, đau bụng đã giảm nhiều.

BSCK II Vũ Đức Chung, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 354 cho biết, chị T. nhập viện trong tình trạng sốt, bạch cầu tăng cao, nội soi phát hiện tổn thương đại tràng do lỵ amip. Bệnh nhân bị biến chứng chảy nhiều máu tươi, phải dùng thuốc cầm máu và điều trị tích cực, hiện bệnh đã ổn định nhưng khoảng 1 tuần nữa mới được xuất viện.

BSCK II Vũ Đức Chung nhấn mạnh, bệnh amip do amip lỵ gây ra với nhiều biểu hiện lâm sàng như lỵ ở đại tràng, áp xe gan, phổi, não... thường gặp vào mùa hè. Lỵ amip (Amoebic dysentery) do ký sinh trùng loại đơn bào Entamoeba histolytica gây ra khác với bệnh lỵ trực khuẩn (Bacillary dysentery) do trực khuẩn Shigella thuộc vi khuẩn gram (-) gây ra. Hai bệnh này có tên chung thường gọi là kiết lỵ nhưng nguyên nhân gây bệnh khác nhau, vì vậy cần phân biệt để gọi tên cho chính xác: Bệnh lỵ trực khuẩn hoặc bệnh lỵ amip. 

Bệnh lỵ amip thường khởi phát từ từ và bệnh tăng dần. Hội chứng nhiễm khuẩn không rõ hoặc nhẹ. Tình trạng toàn thân tương đối tốt, ít bị ảnh hưởng. Hội chứng lỵ xảy ra tương đối điển hình. Bệnh nhân bị quặn bụng theo đại tràng xuống và đại tràng xích ma, mót rặn và rát hậu môn. Người bệnh muốn đi đại tiện luôn nhưng chỉ đi 5 - 10 lần trong ngày. Phân được thải ra hết sau một số lần đại tiện, các lần sau đó chỉ còn ít chất nhầy như nhựa chuối với máu đỏ thành tia, khối lượng nhỏ như đồng tiền và có độ bám dính. Soi trực tràng thấy nền niêm mạc màu hồng gần như bình thường, chỉ thấy một số thương tổn thưa, rải rác như vết xước, to bằng đầu kim, hạt đậu, bờ nham nhở. Soi phân tươi nhầy máu phát hiện amíp hút hồng cầu gây bệnh. 

Theo BSCK II Vũ Đức Chung, bệnh lỵ amip thường gây nên tác hại chức năng đại tràng, viêm đại tràng, trĩ, sa hậu môn, polyp đại tràng, rối loạn thần kinh thực vật, đôi khi có biến chứng xuất huyết tiêu hóa, hẹp trực tràng, tắc ruột, lồng ruột, ung thư hóa các tổn thương ở ruột. Khi phát hiện được các triệu chứng nghi ngờ bị mắc bệnh lỵ amip, bệnh nhân phải vào bệnh viện ngay để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, không để bệnh chuyển thành nặng và triệt ngay nguy cơ lây lan bệnh cho cộng đồng ở xung quanh. Để điều trị bệnh lỵ amip thường sử dụng loại thuốc như metronidazole (flagyl, klion...). Việc điều trị thường kéo dài 15 - 20 ngày phải có sự theo dõi, giám sát chặt chẽ của bác sĩ. 

TIN LIÊN QUAN

Nhật Hà