Bệnh nhân là Nguyễn Đăng Đan (Bắc Ninh), theo lời kể của gia đình, chiều 4/9, Đan tắm cùng các bạn học, nhưng do không biết bơi, lại bị các bạn dìm xuống nước nên bị đuối nước. May mắn là có một người đàn ông đang câu cá ở gần đó, được các cháu hô hoán nên ông đã chạy đến kéo cháu Đan lên kịp thời. Đồng thời, Đan được sơ cứu bước đầu như được móc họng, ép ngực để cho hết nước trong người ra. Một lúc sau Đan tỉnh, tự đi xe đạp về nhà, ăn tối xong vẫn bình thường. Tuy nhiên, đến đêm Đan bắt đầu lịm đi, suy thở, thở khó. Gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Kinh Bắc cấp cứu.
Sau khi có kết quả chụp phổi, bệnh nhi được chuyển cấp cứu tới Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng khó thở rất nặng, người tím đen vì thiếu oxy. Tại đây, kết quả chụp phim cho thấy, tổn thương phổi tiếp tục tăng lên, cháu bé được chẩn đoán phù phổi cấp tổn thương gây suy hô hấp tiến triển nhanh.
|
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi và bệnh nhi Nguyễn Đăng Đan (Bắc Ninh) |
Các bác sỹ chẩn đoán, Đan bị phù phổi cấp tổn thương sau đuối nước. Dù tự thở được nhưng lượng ôxi trong phổi vẫn rất thấp, vì phế nang phổi bị tổn thương, không thực hiện được chức năng trao đổi oxi. Ngay lập tức, Đan được thở máy ngay trong đêm, các bác sỹ đã xử lý để lượng oxi trong phổi bệnh nhân luôn đủ. Sau liên tục thở máy trong 3 ngày, tình trạng viêm phổi của cháu bé cơ bản được đẩy lùi.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, bệnh nhi Đan bị phù phổi cấp tổn thương sau đuối nước, hội chứng suy hô hấp phổi tiến triển rất nhanh (hay còn gọi là "chết đuối trên cạn"). Nếu không được thở máy kịp thời, trẻ có thể tử vong rất nhanh.
Nguyên nhân là do trẻ tắm ở song hồ, nguồn nước ở đây rất dễ bị nhiễm khuẩn nên dẫn đến viêm phổi, phù phổi. Vì vậy, khi bệnh nhân bị đuối nước, dù đã sơ cứu kịp thời nhưng vẫn phải đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Hiện sức khỏe bệnh nhi Đan đã hồi phục và đang được điều trị viêm phổi, trong vòng 1 tới 2 ngày nữa sẽ được xuất viện.
Lê Phương