Điểm lại những đại dịch cúm giết hàng triệu người

Google News

(Kiến Thức)- Trong hơn 100 năm qua bệnh cúm đã giết hàng triệu người trên thế giới bằng những đại dịch khủng khiếp.

Đại dịch cúm đầu tiên của nhân loại năm 1580

Đây được coi là trận dịch cúm đầu tiên mà con người biết tới. Với diễn biến và lây lan trên diễn rộng và giết hàng nghìn người ở nhiều châu lục. Đại dịch bắt nguồn từ châu Á sau lan sang châu Phi và tấn công vào châu Âu. Theo một bài viết trên tạp chí Journal of Applied Microbiology vào năm 2001, trận dịch đã khiến các thành phố của Tây Ban Nha trở nên hoang tàn và làm chết 8.000 người tại thành Rome, Italy. 

Đại dịch cúm này đã lây lan mạnh tới mức dẫn đến sự ra đời của từ chỉ dịch cúm “influenza”, bắt nguồn từ cụm từ tiếng Italy “influenza del freddo”, có nghĩa là “ảnh hưởng của cảm lạnh”. 

Đại dịch cúm Tây Ban Nha (năm 1918 - 1919) 

Đây là đại dịch cúm nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhân loại. Theo ước tính, dịch cúm đã làm chết khoảng từ 50 triệu đến 100 triệu người, trong số đó có khoảng 10% là người trẻ tuổi. Đại dịch này được giới y học xếp ngang hàng với trận dịch hạch làm chết gần hai phần ba số dân châu Âu vào giữa thế kỷ 14. 

 Hình ảnh bệnh nhân la liệt khắp nơi khi đại dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát năm 1918

Các nhà khoa học cho rằng, căn bệnh lây lan từ chim chóc sang người ở vùng Trung Tây nước Mỹ trước khi bùng phát dịch. Khi đó, toàn thế giới chưa chuẩn bị gì để đối phó với loại virut mới này.
 
Sở dĩ có nhiều tử vong là vì dịch cúm lần này rất mạnh. Khoảng 50% những người có tiếp xúc với người bị cúm bị lây bệnh và khi bị lây có triệu chứng rất trầm trọng. Vì triệu chứng trầm trọng khác cúm thường nên hầu hết các trường hợp bệnh bị chẩn đoán và chữa trị nhầm. Trong khi những bệnh nhân đang bị cúm, sức đề kháng bị suy giảm gây viêm phổi, một số viêm phổi do chính virut cúm gây tổn thương phổi rất trầm trọng đến cái chết.

Trận cúm Tây Ban Nha quả thực là một bệnh dịch toàn cầu, lan tràn lên tận Bắc Cực và cả những vùng đảo xa xôi ở Thái Bình Dương. Khoảng 2 - 20% người mắc bệnh bị chết. Người ta ước lượng đợt cúm 1918-1919 giết chết khoảng 2,5 - 5% dân số toàn thế giới.

Dịch cúm châu Á vào năm 1956 - 1958 

Từ năm 1956 đến 1958 là năm đánh đánh dấu dịch cúm châu Á. Tuy không gây thiệt hại lớn như dịch cúm Tây Ban Nha kinh hoàng trước đó, nhưng dịch cúm châu Á này cũng làm chết hơn hai triệu người, trong đó có 70.000 người Mỹ. 

Chủng virus gây bệnh là virus cúm loại A, H2N2 có nguồn gốc từ Nga và từng phát dịch vào năm 1889. Gây ra tỉ lệ tử vong thấp và thời gian tồn tại ngắn, cúm châu Á được coi là trận dịch không đe doạ tới nền văn minh nhân loại, nhưng lại làm phát sinh tác nhân của dịch cúm theo mùa. 

Dịch cúm Hong Kong vào năm 1968 

 Những vũ công được chích ngừa tập thể trước khi đại dịch cúm Hồng Kông lan rộng

Dịch cúm này xuất phát từ Hong Kong do virus cúm loại A, H3N2 gây ra. Theo thống kê số liệu từ website Pandemicflu, trận dịch đã cướp đi 33.800 sinh mạng người Mỹ. Con số tử vong này ít hơn so với dịch cúm theo mùa vào năm trước đó. Cúm Hong Kong phát triển từ dịch cúm châu Á trước đó, vì vậy những ai nhiễm virus cúm vào năm 1957 sẽ trở nên miễn dịch với chủng cúm năm 1968. 

Dịch cúm “lạ lùng” vào năm 1976 

Tháng 2/1976, một quân nhân ở Fort Dix, New Jersey đã chết khi bị nhiễm virus cúm H1N1. Với lo ngại virus H1N1 có cùng chủng loại với virus gây ra đại dịch 1918 - 1919 , chính phủ Mỹ kêu gọi công dân tham gia chương trình tiêm chủng phòng dịch, một phần tư dân số nước này đã hưởng ứng lời kêu gọi. Thế nhưng, đáng buồn, cứ một người chết do nhiễm virus cúm thì lại có tới 25 người chết do biến chứng của vắcxin. 

Đại dịch cúm gia cầm H5N1 vào năm 2003 

Năm 2003, Hiệp hội Sức khoẻ thế giới đã công bố bốn trường hợp tử vong do nhiễm virus cúm H5N1. Không giống như chủng H5N1 khác, cúm gia cầm lần này đã làm chết 60% số bệnh nhân. 

 
Hàng triệu con gia cầm bị tiêu hủy do đại dịch cúm H1N1

Tỷ lệ tử vong cao khiến thế giới lo ngại dịch cúm Tây Ban Nha kinh hoàng quay trở lại. Tuy nhiên, thật may mắn khi virus cúm này đã nằm trong tầm kiểm soát. Virus khó lây lan từ người sang người mà chỉ có khả năng lây cho những ai tiếp xúc với gia cầm sống.

Đại dịch cúm lợn (A H1N1) năm 2009

Đại dịch cúm 2009 còn gọi là Dịch cúm A/H1N1 (2009), "cúm lợn" (hay "cúm heo") là dịch cúm do một loại virút thuộc chủng H1N1 lần đầu tiên được các cơ quan y tế phát hiện vào tháng 3 năm 2009 

Đến tháng 4 năm 2009, dòng virút mới đã được xác nhập ở Canada, Tây Ban Nha, Anh quốc và người ta nghi ngờ chúng hiện diện ở nhiều quốc gia khác, bao gồm cả New Zealand với 2.400 ca có thể bị nhiễm loại virút này.

Ngày 11 tháng 6 2009, Tổ chức Y tế Thế giới, WHO, đã chính thức công bố đại dịch cúm toàn cầu và nâng cấp báo động lến cấp 6 

Tính đến ngày 12 tháng 6 năm 2009, cũng theo Tổ chức Y tế Thế giới, đã có 29.669 trường hợp được xác định nhiễm cúm A/H1N1 tại 74 quốc gia, trong đó tử vong là 145 người gồm Mexico:108 người, Mỹ: 27 người, Canada: 4 người , Chile: 02 người, Costa Rica: 01 người và Cộng hòa Dominican: 01 người, Guatemala: 01 người và Colombia: 01 người 

Thu Nguyên (tổng hợp)