Điều trị thành công cho bệnh nhân đau xơ cơ

Google News

Đau xơ cơ là một hội chứng với biểu hiện đau cơ, dây chằng, gân, tổ chức liên kết lan tỏa, mạn tính và rất nhạy cảm với áp lực...

- Đau xơ cơ là một hội chứng với biểu hiện đau cơ, dây chằng, gân, tổ chức liên kết lan tỏa, mạn tính và rất nhạy cảm với áp lực nhưng không có tổn thương thực thể tại cơ, xương, khớp. Hiện nay, bệnh chưa có cách chữa hiệu quả, tuy nhiên vừa qua tại Bệnh viện 103 đã cứu chữa thành công cho bệnh nhân đau xơ cơ.
 
Bệnh nhân được cứu chữa đầu tiên là anh Nguyễn Mạnh L. (21 tuổi, quê Hải Dương), từ năm 14 tuổi anh có dấu hiệu mệt mỏi thường xuyên, giấc ngủ chập chờn và không sâu. Đặc biệt là cảm giác đau toàn bộ cơ thể. Đau lan tỏa không có giới hạn, không khu trú rõ ràng.
 
Lúc nào người cũng uể oải, không muốn học tập, làm việc. Anh L. đi khám đều không ra bệnh và các bác sĩ thường dùng thuốc giảm đau, vitamin. Bệnh của anh L. ngày càng tăng lên khi anh đang là sinh viên năm thứ 3 thì thấy đau toàn thân, đau dữ dội và đau sâu trong cơ bắp, đau nhức rát bỏng ở đầu, vai, lưng, tay, chân...
 
GS Nguyễn Văn Chương thăm khám cho bệnh nhân tại khoa.
GS Nguyễn Văn Chương thăm khám cho bệnh nhân tại khoa.
 
Đau thường vào buổi sáng và tối, nhất là khi thời tiết thay đổi, khiến anh phải bảo lưu kết quả học tập. Tại Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện 103, anh L. được chẩn đoán là đau xơ cơ.

Đau xơ cơ thường xuyên xuất hiện ở lứa tuổi 30 - 60 và có tới 80% là nữ giới. Những năm qua, tại Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu và cách chữa hiệu quả cho bệnh. Hiện nay, tại Bệnh viện 103, các bác sĩ đã chữa trị thành công cho bệnh nhân L. qua điều trị 3 đợt, mỗi đợt 15 ngày.
 
Có thể tóm tắt 4 dấu hiệu chính  của đau xơ cơ gồm: Đau cơ và khớp lan tỏa; mệt mỏi thường xuyên đặc biệt vào sáng; có rối loạn giấc ngủ; có khoảng 11/18 điểm đau ở đầu, cổ, mông, vai, lưng...; chất lượng sống, làm việc, học tập bị ảnh hưởng.

Khi chẩn đoán, các bác sĩ có thể dùng lực 4kg ấn vào điểm đau để xác định. Về phương pháp điều trị, bệnh viện áp dụng thuốc giảm đau thần kinh sử dụng trong 45 ngày; thuốc giãn cơ sử dụng 15 ngày; thuốc chống trầm cảm 15 ngày; thuốc an tĩnh... Với phương pháp này, các bệnh nhân gần như khỏi tới 90% và có thể lao động, học tập bình thường.
 
GS Nguyễn Văn Chương (Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện 103)