Dùng chung kết quả xét nghiệm: yếu tố cấu thành tội phạm

Google News

(Kiến Thức) - "Nếu việc dùng chung kết quả xét nghiệm huyết học gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tử vong đối với người bệnh thì có thể sẽ xem xét yếu tố cấu thành tội phạm".

Hôm nay, 7/8, Sở Y tế Hà Nội đã họp báo cung cấp thông tin vụ việc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức dùng chung phiếu xét nghiệm huyết học cho rất nhiều bệnh nhân. 
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế Hà Nội đã xác minh nội dung đơn tố cáo là có cơ sở và hiện tại vụ việc vẫn đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ. Đồng thời Sở cũng cử cán bộ phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ vụ việc nhằm đảo bảo sự độc lập, khách quan.
“Cụ thể những sai phạm như thế nào, đến đâu phải chờ cơ quan điều tra. Quan điểm của Sở Y tế Hà Nội là xử lý nghiêm minh. Vụ việc xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức xét về nghiệp vụ và y đức đều vi phạm, và tất nhiên là không thể chấp nhận được. Đây là lần đầu tiên ngành y tế Hà Nội xảy ra vụ việc sai phạm như thế này”, ông Cường nói.
Trao đổi với báo điện tử Kiến thức về vụ việc chấn động dư luận này, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Ủy viên Hội đồng Khen thưởng Kỷ luật, Đoàn Luật sư Hà Nội, Trưởng văn phòng Luật sư Đức Thịnh, cảnh báo: "Việc dùng chung kết quả xét nghiệm máu rất nguy hiểm, vì khi chiếu theo kết quả xét nghiệm, người bệnh có thể sẽ bị chuyền sai nhóm máu hoặc người đi cho máu có thể sẽ gây các bệnh truyền nhiễm cho người nhận máu như viêm gan, HIV …”
 Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến
Luật sư Thịnh khẳng định: “Việc làm trên của giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức và cán bộ xét nghiệm huyết học là hoàn toàn trái với quy định của ngành y tế”.
Theo luật sư Tiến, nếu chiếu theo các quy định của ngành y và với tinh thần trách nhiệm của một bác sĩ và giám đốc bệnh viện thì việc làm trên là không thể chấp nhận được. “Tôi làm luật sư bao nhiêu năm, gặp nhiều vụ việc, nhưng đây là lần đầu tiên nghe về việc “nhân bản” kết quả xét nghiệm đối với người bệnh, việc làm này là vô cùng nguy hiểm”, ông Tiến nói.
Khi được hỏi về hướng xử lý vụ việc theo luật định, luật sư Tiến khẳng định: “Sau khi có kết quả chính thức của cơ quan điều tra, Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội cần phải xem xét và ra hình thức kỷ luật hoặc miễn nhiễm đối với những người liên quan đến vụ việc. Đặc biệt, nếu việc dùng chung kết quả xét nghiệm huyết học đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tử vong đối với người bệnh thì có thể sẽ xem xét yếu tố cấu thành tội phạm”.
Vụ việc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức dùng chung phiếu xét nghiệm huyết học cho các bệnh nhân tại bệnh viện này trong những ngày gần đây đã gây hoang mang dư luận. Theo đó, trong khoảng thời gian từ tháng 7/2012 tới tháng 5/2013, đã có trên 1.000 phiếu xét nghiệm tại bệnh viện này được dùng chung cho khoảng 2.000 bệnh nhân.
Sự việc không chỉ dừng lại ở đó, thông tin trên báo Tuổi trẻ cho biết, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức còn chia cán bộ xét nghiệm thành hai bộ phận, một bộ phận phụ trách máy móc tư nhân (dùng cho toàn bộ bệnh nhân ngoại trú), số này đều là những người thiếu chuyên môn, kinh nghiệm.
Bộ phận còn lại phụ trách máy móc Nhà nước đầu tư, chỉ dùng riêng cho bệnh nhân nội trú. Nghịch lý xảy ra khi bộ phận phụ trách máy móc tư nhân trung bình mỗi ngày làm xét nghiệm cho 200-300 bệnh nhân, với 1.000-1.500 tiêu bản xét nghiệm, bao gồm rất nhiều chỉ số xét nghiệm sinh hóa, máu..., chiếm tỉ lệ hơn 97% công việc của khoa thì bộ phận còn lại (đều là người có chuyên môn, kinh nghiệm) không có việc làm mà ngồi chơi vì chỉ phải thực hiện vỏn vẹn 10 bệnh nhân với 30 mẫu xét nghiệm/ngày, chỉ làm việc dưới 3% lượng công việc.
Lê Phương