Dùng điện đông cao tần cắt bỏ u khí phế quản

Google News

U khí phế quản rất hay gặp, tuy nhiên do nó tiến triển lặng lẽ nên người bệnh thường chỉ cảm thấy khó thở như các bệnh về khí quản.

- U khí phế quản rất hay gặp, tuy nhiên do nó tiến triển lặng lẽ nên người bệnh thường chỉ cảm thấy khó thở như các bệnh về khí quản. Khi khối u lớn, nếu không được xử lý sẽ chèn ép vào đường thở, gây khó thở, thậm chí tắc đường thở và tử vong. Với kỹ thuật dùng điện đông cao tần cắt bỏ khối u khí phế quản tại Bệnh viện Phổi T.Ư đã trả lại sức khoẻ, cuộc sống cho nhiều người bệnh.

Thực hiện kỹ thuật cắt bỏ u khí phế quản cứu sống cho anh Toàn.
Thực hiện kỹ thuật cắt bỏ u khí phế quản cứu sống cho anh Toàn.

5 năm qua, Anh Hồ Sĩ Toàn (29 tuổi, đội 7, Tăng Thành, Yên Thành, Nghệ An) luôn cảm thấy khó thở, ho nhiều. Anh đã đi khám, các bác sĩ đều chẩn đoán bị hen phế quản và điều trị không thuyên giảm bệnh. Vừa qua, anh khó thở nhiều tới mức không nói được và đã nhập Bệnh viện Phổi T.Ư. Sau khi được chụp CT, dùng máy nội soi trong lòng phế quản, các bác sĩ đã phát hiện anh có khối u khổng lồ nằm chỗ ngã ba khí quản và phế quản gốc 2 bên... Sau nửa ngày phẫu thuật, về đường thở của anh đã trở lại 80% trước khi bị bệnh.

PGS.TS Nguyễn Chi Lăng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư kiêm Trưởng khoa Nội soi khí phế quản, người thực hiện ca phẫu thuật cho biết, đây là một ca phẫu thuật khó, bởi khối u to khoảng 15 - 16mm, trong khi đường thở chỉ khoảng 16 - 18mm, che gần hết đường thở. Mặt khác, lại nằm giữa ngã ba khí quản và phế quản gốc hai bên, người bệnh suy hô hấp nặng, chỉ cần một chút chảy máu mà không kịp hút là đã có thể tử vong.
 
Kỹ thuật này, chúng tôi dùng một nguồn điện đơn cực, dùng ống nội soi cứng và mềm, kèm theo dụng cụ cắt, đốt của máy nội soi để vừa cắt vừa đốt khối u trong lòng khí phế quản. Trước kia, đối với khối u khí phế quản thường phải mổ lồng ngực, bệnh nhân mất rất nhiều máu và biến chứng. Trường hợp này, trước kia chỉ chờ giờ tử vong, bởi anh không thể mở lồng ngực được khi đang suy hô hấp nặng, không thể đặt nội khí quản để gây mê... Phương pháp này không phải mổ nhưng lại cho kết quả điều trị tốt và bệnh nhân không tái phát bệnh.

ThS Hoàng Thị Bích Việt, người theo dõi điều trị cho bệnh nhân Toàn chia sẻ, những bệnh này thường gây ho, khó thở, khò khè kéo dài, nếu bác sĩ chuyên môn không tốt dễ nhầm lẫn với các bệnh hen, viêm phế quản... Vì vậy, người bệnh không nên để triệu chứng này quá lâu, nó có thể gây nghiêm trọng tới tính mạng bất kỳ lúc nào.

P.Hằng