Nguyên nhân nào gây ra trầm cảm ở người già, điều trị như thế nào, điều trị trong bao lâu? Có người sau một thời gian điều trị thấy khỏi thì ngừng, tuy nhiên sau đó một thời gian trầm cảm lại tái phát.
Chịu đựng nhiều sự thay đổi
BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm ở người già có thể là do những thay đổi về mặt sinh lý (bệnh tật) hoặc là những "sang chấn" về mặt tâm lý. Việc nghỉ hưu, mất mát người thân, con cái thờ ơ, ghẻ lạnh... đều có thể tác động đến người cao tuổi gây ra trầm cảm. Sự thay đổi về mặt sinh học, sự già yếu và bệnh tật cũng khiến cho người già dễ mắc trầm cảm hơn những người trẻ. Đặc biệt, việc sử dụng thuốc để chữa các bệnh của người có tuổi như thuốc chữa cao huyết áp, thuốc an thần, thuốc giảm đau có thể gây ra tác dụng phụ là trầm cảm.
TS Y khoa Ken Duckworth, Hiệp hội Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ cho biết thêm: Mặc dù không có câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi về nguyên nhân, nhưng yếu tố tâm lý, sinh học, môi trường và di truyền có khả năng đóng góp vào sự phát triển của bệnh trầm cảm. Các nhà khoa học cho rằng, một số người thừa hưởng yếu tố sinh học, ví dụ như sự mất cân bằng các hóa chất nhất định trong não như norepinephrine, serotonin và dopamine được cho là có liên quan đến trầm cảm nặng.
Tương tự, bệnh trầm cảm cũng có xu hướng di truyền trong gia đình từ cha mẹ đến con cái. Với một người có yếu tố di truyền, các yếu tố như căng thẳng kéo dài, mất mát hay một sự thay đổi lớn trong cuộc sống có thể gây ra trầm cảm. Đối với một số người lớn tuổi, đặc biệt là những người có lịch sử lâu dài của bệnh trầm cảm, sự phát triển của một căn bệnh kinh niên khó điều trị dứt điểm, sự ra đi của người bạn đời hoặc một số sự kiện căng thẳng khác có thể mang lại sự khởi đầu của một giai đoạn trầm cảm.
Cũng cần phải lưu ý rằng, trầm cảm ở những người cao tuổi có thể phức tạp hơn bởi sự phụ thuộc vào các chất kích thích như rượu có tác dụng gây trầm cảm.
|
Khi thấy có dấu hiệu bị trầm cảm, người cao tuổi nên nói cho bác sĩ hoặc người thân của mình. |
Điều trị kéo dài
Theo TS Y khoa Ken Duckworth tiên lượng điều trị cho bệnh trầm cảm ở người cao tuổi là tốt. Sau khi chẩn đoán, 80% bệnh nhân trầm cảm là người cao tuổi có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc, liệu pháp tâm lý, liệu pháp điện (ECT ) hoặc có thể là kết hợp của ba phương pháp. Điều trị bằng thuốc có hiệu quả đối với đa số những người bị trầm cảm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ cũng như các lợi ích và việc lựa chọn điều trị tốt nhất thường được thực hiện dựa trên sự dung nạp các tác dụng phụ.
BS Hoàng Xuân Đại cho rằng, ngoài điều trị bằng thuốc, các liệu pháp tâm lý cũng rất hữu ích cho người bị trầm cảm. Tuỳ theo tình trạng bệnh mà bác sĩ đưa ra các liệu pháp thích hợp, có khi đơn giản chỉ là một buổi trò chuyện cùng bác sĩ chẳng hạn cũng đã giúp ích cho người bị bệnh rất nhiều. Con cái, người thân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh trầm cảm ở người già.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, giống như tiểu đường hay viêm khớp, trầm cảm là một căn bệnh mạn tính, đối với những người đã trải qua điều trị trầm cảm nên tiếp tục điều trị sáu tháng đến một năm sau đợt điều trị cấp để được thuyên giảm bệnh. Đối với những người đã có hai hoặc ba lần điều trị trầm cảm trong suốt cuộc đời của mình, điều trị nên kéo dài đến hai năm sau khi thuyên giảm. Đối với những người hơn ba lần tái phát trầm cảm, việc điều trị có thể kéo dài suốt đời.
Cũng theo BS Hoàng Xuân Đại, để phòng tránh trầm cảm, người cao tuổi nên sống lạc quan, yêu đời bất chấp những thay đổi về sinh học - tâm lý - xã hội trong con người mình. Khi thấy có dấu hiệu bị trầm cảm, người cao tuổi nên nói cho bác sĩ hoặc một người thân của mình. Đừng âm thầm chịu đựng một mình vì điều đó sẽ làm cho bệnh nặng thêm.
Một bài test vật lý có thể xác định nếu các triệu chứng trầm cảm đang được gây ra bởi một bệnh lý khác. Một cuộc phỏng vấn lâm sàng và tâm thần là một khía cạnh quan trọng của việc đánh giá. Những chia sẻ với các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết có thể hữu ích trong việc đưa ra một chẩn đoán chính xác. Xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh (ví dụ như CT scan) cũng hữu ích.
TS Y khoa Ken Duckworth
Đức Anh