Theo Cục An toàn thực phẩm, các mẫu thịt gà kiểm tra trên thị trường đều tiến hành trên gà nhập lậu.
Vẫn còn gà không rõ nguồn gốc
Đánh giá kết quả thực hiện ngăn chặn vận chuyển và tiêu thụ gia cầm nhập lậu trái phép 6 tháng đầu năm của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 768 vụ, thu giữ hơn 32 tấn gà lông 97 tấn gà thịt, gần 450.000 quả trứng, 96 tấn phụ phẩm gia cầm nhập lậu... Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đánh giá: “Đến nay về cơ bản đã ngăn chặn được tình trạng công khai buôn bán gia cầm nhập lậu”.
Tuy nhiên, ở nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận hiện nay, theo ghi nhận của phóng viên, vẫn còn nhiều sạp hàng bày bán gà thịt không rõ nguồn gốc, khó có thể phân biệt được đâu là gà nhập lậu và đâu là gà ta. Nhiều tiểu thương trong nghề còn khẳng định: “Mua gà lông (gà còn sống) thì may ra có gà ta, chứ gà đã làm sẵn thì phần lớn là gà nhập lậu”.
Tại chợ tạm của chợ Nghệ (Sơn Tây, Hà Nội) có khá nhiều hàng bán gà. Chị Bùi Thị Hiền- tiểu thương ở đây cho biết: “Người dân giờ muốn mua gà ta thường tới tận nhà các hộ nuôi để mua, chứ ít người ra chợ...”. Gà bán ở chợ thường là gà đã làm sẵn mà tiểu thương gọi là gà rốt ri. “Thực tế, gà rốt ri là gà đã đẻ nhiều lứa buôn từ chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội), chúng tôi thường phải thịt mới bán được vì để cả lông trông gà xơ xác, chẳng ai mua”- chị Hiền tiết lộ.
Loại gà này vẫn còn nhiều người mua bởi giá rẻ (khoảng 60.000 đồng/kg thịt), so với gà ta giá 110.000 đồng/kg (cả lông). Ngay cả các tiểu thương ở đây cũng không ai biết con gà rốt ri xuất xứ từ đâu, có những tồn dư chất cấm nào, nên sức khỏe người tiêu dùng vẫn bị đe dọa nếu gà có tồn dư kháng sinh cấm.
Có thể gây tử vong
Ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, gà nhập lậu thường là gà thải loại, nuôi từ 1-1,5 năm, vì vậy người nuôi thường tiêm vaccin, trộn kháng sinh vào thức ăn để ngừa bệnh cho gà. Sau thời gian dài, tồn dư kháng sinh trong thịt gà thải loại rất cao. Với chất cloramphenicol vừa phát hiện trong 5 mẫu là kháng sinh độc hại, từ lâu đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Khi vào cơ thể, cloramphenicol gây ức chế hệ thống tủy xương, gây suy giảm bạch cầu, tiểu cầu và hồng cầu, gây thiếu máu, kích thích hệ thống tiêu hóa, suy giảm hệ miễn dịch và gây còi xương, chậm lớn ở trẻ. Điều đáng ngại là nếu ăn phải thức ăn có dư lượng kháng sinh nói chung và cloramphenicol nói riêng thì sẽ gây kháng kháng sinh ở người. Tình trạng kháng kháng sinh sẽ làm giới hạn khả năng điều trị nhiễm trùng, một số trường hợp còn dẫn đến tử vong vì không có thuốc nào cứu được.
Ngoài ra, trước đó, xét nghiệm của Cục đối với gà nhập lậu còn tìm ra các kháng sinh cycline, kháng sinh sulfadiazine... Đây là những chất kháng sinh bị cấm sử dụng trong chăn nuôi, nếu tồn dư cao, sử dụng nhiều trong thời gian dài thì người tiêu dùng có thể bị suy gan, suy thận...
Giáo sư Hoàng Tích Huyền - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dược lý - Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, kháng sinh chloramphenicol có độc tính cao, sử dụng hạn chế trong điều trị một số bệnh điều trị những nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn nhạy cảm như thương hàn, nhiễm khuẩn mắt, viêm nhiễm đường sinh dục... Nhưng chỉ khi các thuốc kháng sinh ít độc hơn không thể chữa trị được mới dùng đến chloramphenicol.
Tác dụng phụ không mong muốn của chloramphenicol rất nghiêm trọng như thiếu máu không tái tạo, không phục hồi do suy tủy xương, thậm chí có thể gây tử vong cho người bệnh. Ngoài ra, người sử dụng chloramphenicol còn bị buồn nôn, tiêu chảy, giảm bạch cầu và tiểu cầu, mề đay, đau đầu, viêm dây thần kinh thị giác, viêm đa thần kinh ngoại biên, liệt cơ mắt và lú lẫn. Sử dụng kháng sinh chloramphenicol cần có sự chỉ định và theo dõi sát sao của bác sĩ. Cũng không nên điều trị dài ngày và nhắc lại kháng sinh chloramphenicol.
“Kháng sinh chloramphenicol có độc tính rất mạnh. Nên việc ăn phải gà nhập lậu có dư lượng kháng sinh chloramphenicol là vô cùng tổn hại đến sức khỏe” - Giáo sư Huyền cho biết.
Theo Dân Việt