Với mong muốn cung cấp cho độc giả những kiến thức cơ bản và gần gũi nhất về các căn bệnh, nguy cơ nhiễm bệnh thường gặp trong tiết trời mùa hè, Báo điện tử Kiến Thức phối hợp với Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Hè vui không lo bệnh”.
|
Ông Nguyễn Minh Quang - Tổng biên tập Báo điện tử Kiến Thức (giữa) - chào đón Gs. Bs Nguyễn Thị Hoàn và Th.s. Bs Trần Hữu Tuấn
|
Sau đây là nội dung cuộc giao lưu:
|
Các bác sĩ đang trả lời những câu hỏi đầu tiên của độc giả.
|
MC Công Nghiêm:
Trước hết, xin cảm ơn hai bác sĩ đã tham gia giao lưu với chúng tôi hôm nay.
Thưa Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Hoàn, chúng ta đang chào đón một mùa hè náo nhiệt vui vẻ, nhưng cũng ẩn chứa rất nhiều nguy cơ bệnh tật. Rất nhiều độc giả của chúng tôi gửi tâm sự lo lắng về những căn bệnh mà con em mình cứ đến hè là dễ mắc phải. Vậy xin bác sĩ cho biết một cách tổng quát mùa hè dễ gây những bệnh gì nhất và vì sao lại như vậy?
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Hoàn: Thời tiết oi bức rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Do vậy, mùa hè trẻ rất dễ mắc các bệnh như tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm, sốt, chân tay miệng, viêm màng não, sốt xuất huyết... Vậy làm thế nào để phòng tránh bệnh tật cho trẻ trong mùa hè.
Bệnh tiêu chảy
Tiêu chảy là hiện tượng đi ngoài phân lỏng 3 lần trở lên trong ngày. Nguyên nhân chính là do ăn uống thiếu vệ sinh, thức ăn ôi thiu gây nhiễm khuẩn, thiếu vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh. Đặc biệt bệnh tiêu chảy dễ dàng bùng phát do ô nhiễm nguồn nước. Nếu bị mắc tiêu chảy, nên cho con uống nhiều nước, uống thêm dung dịch Oresol cho trẻ em.
Các triệu chứng của bệnh tiêu chảy là nôn mửa, đi phân lỏng nhiều lần, da bị khô do mất nước và đi tiểu ít.
Để phòng bệnh tiêu chảy cho con, cần lưu ý cho uống nước đun sôi, rửa tay và chân trước khi ăn uống, vệ sinh sạch móng tay. Nếu bị mắc tiêu chảy, nên cho con uống nhiều nước, uống thêm dung dịch Oresol.
Lưu ý: Không nên tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ, không nên ăn những thực phẩm ngoài đường phố vì những thực phẩm này gây nguy cơ ngộ độc rất cao nhất là vào mùa hè.
Ngộ độc thực phẩm
Mùa hè là thời điểm dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là với trẻ nhỏ vì sức đề kháng kém.
Khi bị ngộ độc thức ăn trẻ thường có các biểu hiện như nôn, đau bụng và tiêu chảy. Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi ăn thức ăn bị nhiễm độc từ 1 giờ đến 3 ngày. Trẻ có thể nôn liên tục hoặc vài lần trong ngày. Đau bụng dữ dội, quặn từng cơn sau đó đi tiêu chảy, triệu chứng đau quặn bụng thường xảy ra trước lúc đi ngoài. Tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng nôn mửa nổi bật hay tiêu chảy nhiều hơn.
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cho trẻ, các bậc cha mẹ nên bảo đảm thức ăn an toàn và hợp vệ sinh, nấu chín thức ăn. Bảo quản thức ăn đã nấu cẩn thận, tốt nhất là giữ thức ăn lạnh. Hâm nóng kỹ lại thức ăn trước khi ăn để tiêu diệt các vi khuẩn mới nhiễm. Tạo thói quen rửa tay cho trẻ và người chăm sóc trước khi ăn.
Chân tay miệng
Tay chân miệng là một bệnh rất phổ biến, thường là nhẹ, gặp nhiều ở trẻ nhỏ do nhiễm virus, đặc trưng bởi sốt và phát ban thường thấy trên lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng.
Bệnh lây lan trực tiếp từ người sang người, qua dịch tiết mũi họng, nước bọt, các mụn nước, hoặc phân của người bệnh. Nguyên nhân hàng đầu là do coxsackievirus A16, một loại virus thuộc họ enterovirus gây nên. Cũng có thể do các loại enterviruses khác gây ra nhưng ít gặp hơn. Đặc biệt enterovirus 71 ít gặp hơn nhưng có nhiều nguy cơ gây biến chứng nặng hơn, như viêm màng não, viêm cơ tim… dẫn đến tử vong.
Để phòng bệnh, cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ em. Nếu thấy có dấu hiệu ngứa và nổi mụn ở chân, tay, miệng, hãy đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.
Bệnh thuỷ đậu
Thuỷ đậu là bệnh do virus gây ra. Trẻ bị thuỷ đậu trước tiên sẽ có triệu chứng ngây ngấy sốt, sau có thể sốt cao. Bệnh có thể kéo dài 4-5 ngày. Bệnh hay gặp lúc chuyển mùa, giao thời tiết nóng - lạnh.
Đây là bệnh lành tính, đa số trẻ đến khám được cho về điều trị tại nhà. Bệnh hay gặp ở trẻ 1 - 9 tuổi. Trẻ dưới 1 tuổi khả năng bị ít hơn nhưng không phải là không có. Bệnh lây qua đường hô hấp nên khi trẻ ho, virus bắn ra môi trường xung quanh là các bé khác dễ bị lây. Cha mẹ cần tăng cường vấn đề vệ sinh, ăn uống, đường hô hấp, da để phòng bệnh. Quan trọng là cần đưa trẻ đi tiêm phòng khi được 12 tháng tuổi. Trẻ đã bị thủy đậu thì không cần tiêm phòng nữa.
Nếu trẻ có dấu hiệu sốt trong những ngày nốt thuỷ đậu xuất hiện và lan rộng thì phải đưa con đi bác sĩ ngay lập tức, nếu không sẽ rất nguy hiểm.
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm, có thể gây thành dịch. Bệnh thường xảy ra vào đầu mùa hè và gây nguy hiểm ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời.
Biểu hiện bệnh là trẻ sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C kéo dài, không kèm theo ho, sổ mũi. Trên người nổi những nốt xuất huyết ngoài da, thường là ở cánh tay, cẳng chân. Trẻ có thể đau bụng ở hạ sườn phải do gan to lên. Ngoài ra, trẻ có thể bị chảy máu cam, chảy máu chân răng. Nặng hơn trẻ có thể xuất huyết tiêu hóa: nôn hoặc đi ngoài ra máu, tay chân lạnh, đau bụng, trụy tim mạch.
Khi trẻ bị sốt xuất huyết, các bậc cha mẹ cần phải cho trẻ uống nhiều nước. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C thì cho uống thuốc hạ nhiệt như Paracetamol (tuyệt đối không dùng Aspirin vì thuốc này làm tăng nguy cơ chảy máu). Cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu thấy có dấu hiệu nặng như chảy máu cam, đau bụng...
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, cần đổ nước thừa ở chỗ ứ nước, thùng nước, xô, chậu... Thả cá vào các vật chứa nước trong nhà để diệt bọ gậy, cọ rửa và thay nước thường xuyên. Luôn luôn đậy kín tất cả các vật dụng chứa nước. Thu gom, hủy đồ phế thải ở xung quanh nhà, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh. Ngoài ra, cha mẹ nên mắc màn khi trẻ ngủ để tránh muỗi đốt. Sử dụng thuốc diệt muỗi nên thận trọng khi sử dụng thuốc này đối với trẻ nhỏ. Dùng rèm che, màn tẩm hoá chất diệt muỗi để hạn chế và diệt muỗi.
Viêm màng não
Bệnh viêm não, viêm màng não do nhiều loại virus gây ra, như virus Arbovirus, các virus đường ruột, virus thủy đậu, quai bị…
Biểu hiện của bệnh là sốt cao ly bì, ý thức u ám, đau đầu, nôn. Nếu bệnh nhân bị tổn thương não sâu hơn sẽ dẫn đến co giật, hôn mê. Một số trường hợp xuất hiện sốt cao đột ngột, co giật, liệt chân tay. Viêm não cấp tính thường kéo dài 1 - 3 tuần, nhưng sự hồi phục rất chậm. Mặc dù đã có thuốc kháng virus nhưng thuốc chỉ có tác dụng với một số loại virus chứ không phải kháng tất cả các virus. Vì vậy cần tiêm chủng phòng ngừa viêm não hay gặp như viêm não nhật bản B.
Để phòng bệnh, tránh để muỗi đốt bằng cách dùng nhang xua muỗi, phun thuốc muỗi định kỳ, mặc quần áo dài, ngủ màn, nuôi cá diệt loăng quăng ở những nơi chứa nước, phát quang bụi rậm...
MC Công Nghiêm: Thưa Thạc sĩ, bác sĩ Trần Hữu Tuấn, bạn Văn Thành ở Hà Giang hỏi: “Sau khi đi chơi cả ngày về, con trai tôi, đang được 2 tuổi, bị sốt rất cao, đút viên hậu môn hạ sốt thì giảm một chút nhưng chỉ được một lúc lại sốt lại, xin bác sĩ cho biết con tôi có nguy hiểm không và có nên cho cháu xuống Hà Nội khám không?”.
Bác sĩ Trần Hữu Tuấn: Sốt virus thường sốt rất cao 39-40 độ C, sau khi hạ sốt trẻ lại chơi gần như bình thường. Đi kèm với sốt thường có triệu chứng viêm đường hô hấp như ho, hắt hơi, xổ mũi, chảy nước mắt…
|
Th.s - Bs Trần Hữu Tuấn tư vấn cho độc giả. |
Cần lưu ý, tất cả các thuốc hạ sốt đều có hại đến gan nếu uống quá liều, thậm chí gây ngộ độc gan do dùng thuốc hạ sốt giảm đau. Vì thế, cần có khoảng cách giữa 2 lần uống thuốc để đảm bảo thuốc uống hạ sốt lần trước đã giảm nồng độ trong máu không còn nguy hiểm gây ngộ độc cho gan.
Nếu trẻ vẫn sốt cao liên tục 39-40 độ C mặc dù đã được uống thuốc, nước như chỉ dẫn và lau mình bằng nước ấm, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để chăm sóc và điều trị.
MC Công Nghiêm: Vâng, hy vọng câu trả lời của bác sĩ Trần Hữu Tuấn đã giúp cho anh Thành bớt lo lắng để chăm sóc bé tốt hơn. Xin gửi đến bác sĩ Trần Hữu Tuấn một câu hỏi của bạn ở địa chỉ vuthitien@yahoo.com.vn: “Thưa bác sĩ, con tôi sau khi đi bơi về mấy ngày thì hay kêu đau đầu một bên. Tôi lo lắng không biết cháu có phải bị viêm tai do đi bơi không, xin bác sĩ tư vấn giúp! Xin cảm ơn bác sĩ”.
Bác sĩ Trần Hữu Tuấn: Bệnh viêm tai giữa cấp rất thường gặp ở trẻ em. Viêm tai giữa cấp thường gây đau trong tai cho trẻ vì tình trạng viêm và sự hình thành dịch, mủ trong hòm nhĩ. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra rất nhiều biến chứng cho trẻ.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm tai giữa cấp. Thứ nhất là, viêm nhiễm cấp tính ở mũi họng:
- Xuất hiện sau các bệnh như: cúm, sởi hoặc sau các bệnh như viêm mũi, viêm xoang, viêm VA, viêm Amidan, u vòm mũi họng.
- Nhét mèche mũi sau quá lâu.
- Căn nguyên vi khuẩn: thường do S. pneumoniae, H.influenzae, M.catarrhalis, S. aureus.
Thứ hai là, sau chấn thương: gây rách, thủng màng tai như ngoáy tai bằng vật cứng, chấn thương do tiếng nổ, sức ép bom đạn...
Và thứ ba là, sự thay đổi áp lực: của không khí trong tai giữa và áp lực của vòm họng, áp lực tai giữa và áp lực tai ngoài.
Những yếu tố nguy cơ hay dẫn đến viêm tai giữa cấp là:
- Tuổi: Hay gặp nhất trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi vì sự suy giảm miễn dịch của trẻ do lương kháng thể của mẹ truyền cho bắt đầu mất đi trong khi lượng kháng thể do đứa bé tự sản xuất chưa đầy đủ, đông thời do hình dạng và kích thước của vòi nhĩ lứa tuổi này vừa nhỏ vừa nằm ngang vừa ngắn nên vi khuẫn dễ xâm nhập vào tai giữa và vòi nhĩ dễ bị tắc gây mất thăng bằng áp lực trong tai giữa.
- Trẻ được nuôi trong nhà trẻ.
- Trẻ không được nuôi dưỡng qua sữa mẹ.
- Trẻ sống trong môi trường ô nhiễm, nhà có nhiều người hút thuốc lá.
Bệnh viêm tai giữa diễn biến qua ba giai đoạn:
Một là, giai đọan khởi phát (chưa có mủ trong hòm nhĩ):
- Toàn thân: Bệnh nhân trước đó mấy ngày đang bị viêm mũi họng: chảy mũi và ngạt mũi. Đột nhiên bị sốt cao 390- 400 C.
- Cơ năng: Đau tai, lúc đầu ngứa, tức ở tai, sau đau tai dữ dội, nghe kém.
- Thực thể: Khám màng nhĩ bị xung huyết đỏ ở góc sau trên hoặc ở dọc cán xương búa hoặc ở vùng màng trùng.
Hai là, thời kỳ ứ mủ (màng nhĩ chưa vỡ):
Triệu chứng cơ năng:
- Nhiệt độ toàn thân tăng cao, sốt cao 39- 400 C kéo dài, thể trạng mệt mỏi, khó ngủ, sút cân... có thể co giật, mệt lả.
- Rối loạn tiêu hoá là triệu chứng thường gặp, nhất là ở hài nhi: ỉa chảy, sống phân hoặc nôn trớ, đầy bụng, kèm theo có rối loạn tiêu hoá: với tỷ lệ 70-80% trẻ nhỏ đi ngoài sống phân và đi nhiều lần thuốc chống rối loạn tiêu hoá ít có kết quả chỉ khỏi khi giải quyết nguyên nhân viêm tai.
- Đau tai: đau tai dữ dội ngày càng tăng, đau sâu trong tai, đau theo nhịp đập, đau lan ra vùng thái dương và sau tai làm cho bệnh nhân không ngủ được. em bé quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú, trẻ nhỏ vật vã, co giật quấy khóc, tay ngoáy vào tai đau, hoặc lắc đầu ù tai tiếng trầm.
Triệu chứng thực thể:
- Khám màng nhĩ: toàn bộ màng nhĩ nề đỏ, không nhìn thấy cán xương búa, mấu ngắn xương búa và nón sáng. ở mức độ nặng hơn màng nhĩ phồng lên như mặt kính đồng hồ. Điểm phồng nhất thường khu trú ở phía sau.
- Khám mũi họng: bệnh nhân đang có viêm mũi họng cấp tính.
Ba là, thời kỳ vỡ mủ (màng nhĩ bị vỡ): Thường xuất hiện vào ngày thứ 4.
Triệu chứng cơ năng: giảm dần, hết đau tai, nhiệt độ toàn thân giảm, em bé chịu chơi, hết quấy khóc.
Triệu chứng thực thể: ống tai đầy mủ, lau sạch thấy lỗ thủng màng nhĩ, lỗ thủng sẽ khác nhau tuỳ theo tai có được trích rạch hay không?
- Nếu trích: lỗ thủng sẽ rộng và ở góc sau dưới màng nhĩ sẽ hết phồng.
- Nếu không trích để màng nhĩ tự vỡ thì lỗ thủng có thể ở bất cứ chỗ nào, bờ dày nham nhở.
MC Công Nghiêm: Thưa bác sĩ, vậy viêm tai giữa có nguy hiểm không và cách điều trị như thế nào?
Bác sĩ Trần Hữu Tuấn: Viêm tai giữa khi không điều trị triệt để có rất nhiều tai biến, biến chứng nguy hiểm như:
-Viêm tai giữa mạn tính.
-Viêm tai xương chũm.
-Các biến chứng nội sọ như: viêm màng não, áp xe não.
-Các biến chững mạch máu: viêm tắc tĩnh mạch bên.
-Liêt dây VII ngoại vi.
Vì đa số nguyên nhân của viêm tai giữa cấp là từ viêm mũi họng và chủ yếu là do vi rút nên điều trị bước đầu chủ yếu là điều trị viêm mũi họng bao gồm:
+ Chống nghạt tắc mũi: tái lập lại sự thông thoáng của mũi và các lỗ thông xoang để đảm bảo dẫn lưu cho các xoang viêm, giảm sự chênh lệch về áp lực giữa trong xoang và hốc mũi.
- Làm bớt chảy mũi
- Điều trị viêm nhiễm
- Đề phòng tái phát viêm xoang
Cụ thể:
- Nhỏ mũi: bằng các thuốc co mạch làm cho mũi thông thoáng. Trước khi rỏ mũi cần xì mũi để tống các chất xuất tiết ứ đọng trong mũi (Êphêdrin, Naphasolin,) ngày rỏ từ 3-4 lần.
- Xông thuốc: bằng cách hít hơi nước nóng có mang thuốc, hơi nóng có tác dụng giảm xung huyết niêm mạc mũi, tạo điều kiện cho thuốc có thể thấm vào các khe kẽ của mũi và có thể thấm vào xoang qua các lỗ thông mũi xoang. Các thuốc dùng để xông là dầu khuynh diệp, dầu gió thời gian xông từ 5-10 phút.
- Khí dung mũi: phải có máy khí dung. Máy tác động phân tán dung dịch thuốc thành những hạt nhỏ (Micron) hoà tan trong không khí.
+ Chống viêm, giảm đau.
+ Nâng dỡ cơ thể bằng các loại sinh tố
Trường hợp màng nhĩ chưa thủng có thể giảm đau tai chỗi như nhỏ tai bằng các thuốc có lidocain.
Trường hợp ứ mủ trong tai giữa, màng nhĩ căng phồng nhiều, nếu sau 48h điều trị nội khoa không đỡ thì phải chích rạch màng nhĩ để dẫn lưu mủ.
Khi màng nhĩ đã bị vỡ hoặc do chích rạch phải thường xuyên lau rửa tai và làm thuốc tai tại cơ sở y tế.
Nếu tình trạng viêm tai giữa cấp tái đi tái lại nhiều lần cùng với các đợt viêm VA viêm Amidan nên nạo VA cắt Amidan.
MC Công Nghiêm: Bác sĩ có nói là viêm tai giữa cũng liên quan đến viêm Amidan, một bệnh rất hay gặp ở trẻ em trong mùa hè, vậy viêm Amidan thực chất là gì, bác sĩ có thể giải thích?
Bác sĩ Trần Hữu Tuấn: Amidan khẩu cái thường gọi tắt là Amidan có hình hạt hạnh nhân ở 2 bên thành họng, giữa trụ trước và trụ sau. Amiđan lúc sinh ra đã có và là tổ chức bình thường của con người. Nó phát triển ở tuổi thiếu nhi và teo dần ở tuổi dậy thì. Amidan giống như VA có vai trò miễn dịch, nhận biết và bắt giữ yếu tố gây bệnh đồng thời sản xuất ra kháng thể tiêu diệt vi trùng. Sau khoảng 15 tuổi chức năng của Amidan sẽ giảm dần và teo nhỏ lại. Khi Amidan bị vi khuẩn tấn công nhiều lần thì tác dụng chống vi khuẩn sẽ kém đi, đôi khi tạo các ổ nhiễm trùng trong lòng Amidan và chính là nguyên nhân của những đợt bùng phát gây tình trạng viêm mũi họng kéo dài.
Nguyên nhân: Đa số do vi rút, thường lây lan từ người bệnh qua người lành do tiếp xúc qua đường không khí: hắt hơi, ho. Chính vì nguyên nhân đa số là vi rút nên Amidan thường tự khỏi sau 3-5 ngày mà không cần dùng kháng sinh. Amidan có thể bị tấn công bởi liên cầu tan huyết nhóm A là loại vi khuẩn có thể gây những biến chứng xa nguy hiểm như viêm khớp, viêm cầu thận, viêm nội tâm mạc.
Các dấu hiệu của viêm Amidan:
- Sốt, rát cổ, đau họng
- Nuốt đau, nuốt vướng, ăn uống khó.
- Đau đầu, thường đau nhiều bên hai thái dương
- Ho
- Hơi thở hôi
- Chảy mũi
- Khàn tiếng
- Đau lan lên tai
- Đau bụng, buồn nôn và nôn
- Đau vùng cổ do kèm theo viêm hạch.
|
MC Công Nghiêm cùng hai vị khách mời. |
MC Công Nghiêm: Vâng cảm ơn bác sĩ. Thưa bác sĩ, cũng liên quan đến bệnh viêm Amidan, bạn đọc Mai Hà ở Điện Biên Phủ, Hà Nội gửi đến câu hỏi: “Bác sĩ ơi, con tôi cứ đến mùa hè là bị viêm amidan, cứ uống nước lạnh một chút hoặc tắm muộn hoặc đi chơi mà trời nhiều gió là lại bị viêm, thưa bác sĩ trường hợp con tôi có nên cắt Amidan?”
Bác sĩ Trần Hữu Tuấn: Nên cắt Amidan khi: - Amiđan viêm mạn tính nhiều lần (thường 4 lần/năm).
- Amidan viêm mạn tính gây biến chứng viêm tấy, áp xe quanh amiđan.
- Amidan viêm mạn tính gây biến chứng viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tấy hạch dưới hàm hoặc thành bên họng…
- Amidan viêm mạn tính gây biến chứng xa:viêm màng trong tim, viêm cầu thận, viêm khớp, rối loạn tiêu hóa kéo dài, nhiễm khuẩn huyết.
- Amidan viêm mạn tính quá phát gây khó thở, khó nuốt
- Viêm Amidan gây thở hôi do lắng đọng thức ăn, sỏi, cặn mủ trong các hốc của Amidan.
Lứa tuổi có thể cắt Amidan: thường cắt Amidan khi trẻ lớn hơn 5 tuổi. Tuy nhiên khi trẻ viêm Amidan mà gây khó thở, ngưng thở khi ngủ, hoặc gây các biến chứng xa thì có thể phẫu thuật bất cứ lứa tuổi nào. Khi Amidan đã bị viêm nhiều lần thì khả năng miễn dịch rất kém hoặc không còn nên khi cắt sẽ không ảnh hưởng tới khả năng miễn dịch của trẻ.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý những biến chứng của cắt Amidan:
Thực hiện cắt Amidan dưới gây mê toàn thân, đây là một trong những phẫu thuật đơn giản và hầu như rất ít có biến chứng xẩy ra. Một số biến chứng có thể gặp như:
Chảy máu sau mổ, nhiễm trùng vết mổ, thay đổi giọng nói, đau kéo dài.
MC Công Nghiêm: Vậy sau khi cắt Amidan thì chăm sóc như thế nào thưa bác sĩ?
Bác sĩ Trần Hữu Tuấn: Trước đây thường dùng phương pháp bóc tách, cắt rời tổ chức Amidan bằng Anse hoặc bằng Sluder. Những phương pháp này gây đau nhiều hơn và dễ chảy máu. Tại bệnh viện Vinmec sử dụng các phương pháp mới nhất như dùng Colblator sử dụng sóng cao tần, dùng dao siêu âm nên mức độ tổn thương mô xung quanh rất ít, hạn chế chảy máu, nhanh lành vết thương, bệnh nhân có thể nói ngay sau khi phẫu thuật.
Chăm sóc sau mổ cắt Amidan:
Chế độ ăn: Ăn thức ăn mềm dễ nuốt trong 3 ngày đầu, nên uống thuốc giảm đau trước khi ăn 30 phút. Sau đó ăn chế độ ăn bình thường càng sớm càng tốt.
Nên uống nhiều nước, sử dụng những loại nước đông lạnh.
Nghỉ ngơi trong nhà trong 1 tuần đầu, tránh tiếp xúc chỗ đông người và người bị cảm, cúm vì có thể dễ bị nhiễm trùng trong thời gian này.
Nếu có chảy máu số lượng ít trong 10 ngày đầu sau mổ đừng hoảng sợ, có thể do bong giả mạc. nên ngậm với nước đá lạnh.
Tránh dùng những thuốc có hoạt chất Aspirin.
MC Công Nghiêm: Thưa bác sĩ Nguyễn Thị Hoàn, bạn đọc Lê Văn Thìn ở Ninh Bình hỏi: "Con trai tôi năm nay 6 tuổi, hè đến là cháu rất hay bị rôm sẩy, ngứa ngáy khó chịu. Xin bác sĩ hướng dẫn cách để chữa dứt điểm chứng này, cảm ơn bác sĩ!".
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Hoàn: Rôm sẩy là bệnh thường gặp ở trẻ em nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn nếu như sống trong vùng khí hậu nóng và ẩm. Nhiệt độ cao của mùa hè cùng với thói quen hay đùa nghịch nhiều khiến trẻ em thường đổ nhiều mồ hôi và hay mắc các bệnh ngoài da như: rôm sảy, chốc, chàm...
Bệnh phát triển khi các ống dẫn mồ hôi bị tắc nghẽn và mồ hôi bị ứ đọng lại dưới da. Triệu chứng của bệnh là xuất hiện các mụn nước dưới da sau đó thì nổi mẩn đỏ có thể gây ngứa cho trẻ. Thông thường rôm sảy có thể tự khỏi nhưng cũng có một số trường hợp phải được điều trị. Vị trí mọc rôm sẩy chủ yếu ở da đầu, cổ, vai, ngực và lưng nhưng cũng có thể có thêm ở kẽ nách, háng.
- Nguyên nhân: Khi thân nhiệt tăng, hệ thần kinh tự trị sẽ kích thích các tuyến ngoại tiết bài tiết mồ hôi, và di chuyển dọc theo các ống tuyến, thoát ra bề mặt của da để làm lạnh cơ thể và bốc hơi. Thay vì bốc hơi, mồ hôi sẽ bị giữ lại dưới da gây tình trạng viêm và nổi mụn đỏ.
Người ta vẫn chưa rõ vì sao các ống tuyến mồ hôi lại bị nghẽn nhưng có thể do vai trò của một vài yếu tố sau:
+ Các ống tuyến chưa hoàn chỉnh: mồ hôi ở trẻ sơ sinh chưa phát triển. Hoặc khi thời tiết nóng trẻ được mặc quần áo quá nóng. Trẻ bị sốt cao cũng có thể bị nghẽn các ống tuyến mồ hôi.
+ Khí hậu nhiệt đới: Khí hậu nóng, ẩm rất thuận lợi cho sự phát triển của rôm sảy.
+ Hoạt động thể lực: Vận động với cường độ cao, làm việc nặng hay các hoạt động làm tiết nhiều mồ hôi có thể gây rôm sảy.
+ Vài loại vải: Mặc một số loại vải không làm mồ hôi bốc hơi được cũng có thể bị rôm sảy.
+ Vi khuẩn: Vài loại vi khuẩn thường trú ngoài da có thể bài tiết một loại chất nhờn làm bít các ống tuyến mồ hôi.
+ Các yếu tố khác: Sưởi quá nóng, ngủ trong chăn điện, nằm một chỗ lâu ngày… có thể bị rôm sảy.
- Cần đưa trẻ đi khám bệnh khi bị rôm sảy kéo dài trên 3-4 ngày có các dấu hiệu bội nhiễm như:
+ Da sưng phù, nóng, đỏ, đau.
+ Có mủ chảy ra.
+ Sưng hạch vùng cổ, nách, bẹn.
+ Có triệu chứng sốt, ớn lạnh.
- Cách phòng bệnh: Mặc quần áo bằng loại vải mềm, nhẹ, có thể hút ẩm vào mùa hè. Tránh mặc quá nhiều, quá chật vào mùa đông.
+ Tránh nắng khi thời tiết quá nóng, có thể dùng quạt thông khí, máy điều hòa nhiệt độ.
+ Chỗ ngủ phải luôn mát mẻ và thông khí tốt.
+ Tắm nước lạnh và không dùng xà phòng loại làm khô da.
+ Không bôi phấn rôm cho trẻ.
MC Công Nghiêm: Xin cảm ơn bác sĩ, vẫn về chủ đề bệnh mùa hè, một bà mẹ ở Gia Lâm gửi câu hỏi về đường dây nóng của chương trình: "Mùa này, con tôi rất hay ra mồ hôi, có khi cứ nửa tiếng tôi lại phải thay áo cho cháu một lần, đầu tóc thì chạy một chút là ướt như vừa gội. Con tôi năm nay 5 tuổi, ra mồ hôi nhiều như vậy có bất thường không và nên làm gì để đỡ?".
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Hoàn: Mồ hôi ra quá nhiều có thể do bệnh tật hoặc sự thay đổi về hooc môn. Hiện có khá nhiều biện pháp để khắc phục triệu chứng khó chịu này.
Chứng tăng tiết mồ hôi gây rất nhiều phiền toái cho người bệnh, nhất là khi phải bắt tay hoặc cầm bút viết vì tay luôn luôn ướt. Mồ hôi ra nhiều còn làm cơ thể mất nước, mất muối, nhanh mệt mỏi.
Có nhiều nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi như do cảm xúc,vui – buồn đột ngột, do tăng hoạt động thể lực, đùa quá mức, bệnh về thần kinh giao cảm, hạ đường huyết…
Có 2 trường hợp:
Toát mồ hôi ở tay chân: Đây là chứng tăng tiết mồ hôi do cảm xúc, thường thấy trong mùa hè. Bàn tay, bàn chân bệnh nhân rất ướt, chân dễ nặng mùi.
Nếu ra nhiều mồ hôi nhưng chỉ khu trú ở lòng bàn tay thường là do rối loạn thần kinh giao cảm. Nếu mồ hôi ra nhiều ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt cần được điều trị bằng phẫu thuật cắt hạch thần kinh giao cảm ngực. Tại bệnh viện Vinmec, kỹ thuật này được thực hiện bằng nội soi lồng ngực. Đây là phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả. Thời gian nằm viện từ 1-2 ngày.
Triệu chứng của bệnh lý này là: Mồ hôi ra nhiều tại các vùng trán, môi trên, quanh miệng, mũi và vùng giữa ngực.
Tăng tiết mồ hôi toàn thân: Nguyên nhân là khí hậu nóng ẩm, lao động hay tập thể thao nặng, bất thường về hooc môn (như cường giáp, tiểu đường, mãn kinh). Mồ hôi ra quá nhiều, quần áo ướt sũng làm mất điện giải, người bệnh nhanh mệt mỏi, chuột rút, ảnh hưởng rất nhiều tới công việc.
Cách điều trị như sau: Nếu bị tăng tiết mồ hôi toàn thân, nên đi khám để tìm các bệnh nội khoa, nội tiết nhằm điều trị căn nguyên. Cần tắm rửa thường xuyên, ở nơi thoáng mát, uống nhiều nước oresol. Khi tất cả các phương pháp trên thất bại, bác sĩ có thể phẫu thuật cắt bỏ hạch giao cảm ngực. Đối với tăng tiết mồ hôi ở nách kèm hôi nách, phẫu thuật là phương pháp ưu việt.
Con của bạn 5 tuổi, ở lứa tuổi trẻ hiếu động luôn khám phá thế giới xung quanh và chạy nhảy nhiều, ra mồ hôi là bình thường. Nhưng cháu không kèm theo các triệu chứng khác như mỏi mệt, chuột rút hoặc khó thở thì bạn không cần đưa cháu đi khám bệnh. Để hạn chế bạn khuyên cháu giảm tốc độ chạy nhảy tuy nhiên điều này hơi khó, trẻ lớn dần dấu hiệu ra mồ hôi nhiều cũng sẽ giảm dần.
MC Công Nghiêm: Khi thông báo chủ đề của buổi giao lưu này, ngoài những câu hỏi liên quan đến bệnh mùa hè chúng tôi còn nhận được rất nhiều yêu cầu tư vấn liên quan đến các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Rất mong các bác sĩ dành thời gian trả lời giúp độc giả Hoàng Thị Mai (ở Từ Liêm, Hà Nội).
Con trai tôi 2 tuổi thường hay bị đái khó, đái vặt. Xin bác sĩ cho tôi biết cháu có bị nhiễm trùng đường niệu không? Xin mời bác sĩ Nguyễn Thị Hoàn!
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Hoàn: Con của bạn có dấu hiệu đái khó, tiểu nhiều lần, bạn quan sát xem mỗi lần đi đầu chim có phồng lên không? Nếu có, con của bạn có thể bị chít hẹp bao quy đầu, cháu cần được đưa đến bệnh viện để khám xác định và điều trị.
MC Công Nghiêm:
Có một câu hỏi xin gửi tới bác sĩ Hoàn. Con tôi 7 tuổi rồi nhưng cháu đi tiểu khó, đầu chim chít hẹp, liệu có nong bao quy đầu như trẻ nhỏ được không?
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Hoàn: Con của bạn có dấu hiệu đái khó, tiểu nhiều lần, bạn quan sát xem mỗi lần đi đầu chim có phồng lên không? Nếu có, con của bạn có thể bị chít hẹp bao quy đầu, cháu cần được đưa đến bệnh viện để khám xác định và điều trị.
Con của bạn lớn rồi, bao quy đầu dày không nong được mà cần đến bệnh viện khám, có thể phải mổ để giải phóng bao quy đầu, đảm bảo đường niệu thông cũng như sinh hoạt tình dục sau này không bị ảnh hưởng.
MC Công Nghiêm: Một độc giả thắc mắc, tại sao con tôi 3 tuổi vẫn hay bị tiểu dầm về đêm?
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Hoàn: Nguyên nhân của tiểu dầm, ngoài nhiễm trùng đường niệu, dị dạng đường niệu còn gặp nhiều nguyên nhân khác.
Bạn theo dõi cháu trong 3 ngày, nếu thấy cháu vẫn tiểu dầm, bạn cần đưa cháu đến Bệnh viện khám để tìm nguyên nhân gây tiểu dầm.
|
Gs. Bs Nguyễn Thị Hoàn |
MC Công Nghiêm: Con tôi 2 tuổi thường hay bị ho khò khè, vậy cháu có phải bị hen không? - một độc giả nhờ bác sĩ tư vấn.
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Hoàn: Rất khó trả lời ngay con bạn bị hen vì cháu còn nhỏ. Bạn cần theo dõi triệu chứng dưới đây gợi ý nhiều đến hen:
Khò khè thường xuyên nhiều hơn 1 lần/tháng
Ho về đêm không liên quan đến đợt nhiễm virus
Khò khè không biến đổi theo mùa
Ho, khò khè xuất hiện khi tăng hoạt động thể lực
Khò khè tồn tại qua 3 năm tuổi
MC Công Nghiêm: Một độc giả gửi tới bác sĩ Hoàn câu hỏi: "Con tôi mỗi lần bị ho khò khè được BS chẩn đoán viêm tiểu phế quản và cho thuốc kháng sinh như vậy có đúng không?".
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Hoàn: Khò khè là triệu chứng không phải bệnh. Viêm tiểu phế quản là bệnh viêm phù nề các ống dẫn khí nhỏ của phế quản.
Bệnh thường hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, nguyên nhân thường gặp do virus hợp bào hô hấp –RSV
Cách điều trị tùy mức độ nhẹ hay nặng mà chỉ định khí dung, thông thoáng đường thở, thở oxy, truyền dịch và ho long đờm.
Chỉ dùng kháng sinh khi có bội nhiễm: làm xét nghiệm công thức máu thấy bạch cầu trung tính tăng cao, chụp tim phổi có đám mờ và nghe phổi có ran ẩm.
MC Công Nghiêm: Thưa bác sĩ Nguyễn Thị Hoàn, một độc giả hỏi: Tại sao con tôi thường xuyên bị táo bón, trung bình 5-7 ngày đi ngoài 1 lần, bụng phình to, nếu không thụt phân cháu không tự đi được, bác sĩ cho gia đình biết phải làm gì để giúp cháu?
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Hoàn: Không biết gia đình đã cho cháu ăn, uống đủ nước và ăn nhiều rau xơ chưa? Gia đình đã từng nong hậu môn và tập thói quen cho trẻ tự đi ngoài chưa?
Nếu rồi mà con của bạn vẫn táo bón kéo dài, lại thường xuyên, gia đình bạn cần đưa con đi khám tại cơ sở y tế để có điều kiện chụp khung đại tràng, phát hiện các dị tật đường tiêu hóa gây táo bón cho con của bạn.
MC Công Nghiêm: Con tôi mỗi lần đi ngoài đều có dính ít máu tươi ở đầu cục phân, cháu rất sợ đi ngoài và bị đau hậu môn. Nhờ bác sĩ chỉ bảo giúp phải làm gì?
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Hoàn: Khả năng cháu bị viêm nứt kẽ hậu môn. Nguyên nhân đầu tiên do giun kim ra đẻ trứng ngoài hậu môn làm viêm kẽ hậu môn, mỗi lần trẻ đi ngoài phân cọ xát vào vùng viêm gây chảy máu làm trẻ đau. Lâu dần trẻ sợ đi ngoài vì mỗi lần đi lại bị chảy máu, đau hậu môn.
Nếu cháu hơn 2 tuổi cần được tẩy giun 6 tháng/1 lần, đặc biệt khi các cháu đi học nhà trẻ, mẫu giáo cần được tẩy giun vì môi trường công cộng dễ bị lây nhiễm giun. Sau mỗi lần đi ngoài phải rửa sạch hậu môn và bôi thuốc kháng sinh tại chỗ để chống viêm.
MC Công Nghiêm: Nếu tôi muốn sinh con ra được làm xét nghiệm sàng lọc bệnh suy giáp bẩm sinh thì tôi sẽ đến Bệnh viện nào?
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Hoàn: Nếu bạn muốn sinh con được làm sàng lọc sơ sinh bệnh suy giáp bẩm sinh, bạn có thể đến Bệnh viện Vinmec sinh con và làm sàng lọc các bệnh trên.
MC Công Nghiêm:
Nếu tôi ở xa, nơi tôi ở chưa làm sàng lọc sơ sinh tôi làm thế nào để loại trừ con tôi không bị suy giáp bẩm sinh?
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Hoàn: Nếu sau sinh con bạn chưa được làm sàng lọc các bệnh trên, trong vòng 1 tháng tuổi bạn có thể đến Bệnh viện Vinmec để làm sàng lọc các bệnh trên.
MC Công Nghiêm: Bệnh này có di truyền không? Tôi sinh em bé tiếp theo có phải làm xét nghiệm không?
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Hoàn: Đây không phải là bệnh di truyền, nguyên nhân suy giáp bẩm sinh hầu hết là do khiếm khuyết giải phẫu tuyến giáp trong thời kỳ bào thai. Xác xuất ngẫu nhiên là 4.000 trẻ sơ sinh sống sau đẻ có 1 trẻ bị suy giáp bẩm sinh, vì vậy sinh cháu tiếp theo bạn cũng nên làm sàng lọc bệnh suy giáp bẩm sinh.
MC Công Nghiêm: Thưa các bạn, trong 2 giờ qua, chúng ta đã được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec tư vấn, giải đáp những thắc mắc liên quan đến các bệnh mùa hè ở trẻ nhỏ nói riêng và các bệnh thường gặp ở bệnh nhi nói chung. Còn khá nhiều câu hỏi của khán giả và độc giả liên quan đến chủ đề hôm nay nhưng do thời lượng chương trình có hạn, chúng tôi sẽ gửi đến các bác sĩ để trả lời quý vị và các bạn sớm nhất.
Xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia đã nhiệt tình tham gia và trả lời những câu hỏi, thắc mắc của quý độc giả báo điện tử Kiến Thức.
Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm theo dõi!
Xin hẹn gặp lại ở cuộc giao lưu trực tuyến lần sau!
Kienthuc.net.vn