Giao lưu trực tuyến: “Nâng cao chất lượng bệnh viện ở Việt Nam”

Google News

(Kiến Thức) - Các khách mời chuyên gia đã có mặt tại tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức và sẵn sàng trả lời các câu hỏi của độc giả về: “Nâng cao chất lượng bệnh viện ở Việt Nam".

"Nâng cao chất lượng bệnh viện ở Việt Nam" là mối quan tâm không những chỉ của người bệnh, của ngành y tế mà là của toàn xã hội". Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, khi chất lượng cuộc sống của người dân nâng cao thì nhu cầu khám chữa bệnh để đảm bảo sức khỏe ngày càng được chú trọng. Cũng chính vì thế, nhu cầu đến bệnh viện để được thăm khám, chăm sóc của người dân ngày càng nhiều, kéo theo chất lượng bệnh viện trong nhiều trường hợp không kịp cải thiện để phục vụ tốt nhất.
Không ít người dân có tâm lý bức xúc mỗi khi đến bệnh viện khám chữa bệnh do chất lượng bệnh viện ở Việt Nam chưa thực sự tốt, gây nên nhiều phiền toái, thậm chí là khó khăn cho bệnh nhân. Khi niềm tin ở bệnh viện trong nước bị suy giảm, không ít người chấp nhận trả chi phí cao để khám chữa bệnh ở nước ngoài.
Về phía các bác sĩ, thực trạng chất lượng bệnh viện ở Việt Nam chưa cao khiến họ chịu thêm áp lực công việc trong quá trình khám chữa bệnh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các sự cố không mong muốn rất dễ xảy ra. Ngoài ra, chất lượng bệnh viện không cao cũng là yếu tố kìm hãm sự phát triển của nền y tế nước nhà.
Giao luu truc tuyen: “Nang cao chat luong benh vien o Viet Nam” (*)
 PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế (thứ 2 từ trái qua) và PGS.TS Nguyễn Đức Chính – Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm bệnh, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội (thứ 3 từ trái qua) nhận hoa từ Phó Tổng biên tập báo Điện tử Kiến Thức Nguyễn Thị Mai Hương (ngoài cùng bên phải) trong buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Ạnh Sơn.
Vì thế, câu hỏi nhức nhối đang được dư luận đặt ra: Làm thế nào nâng cao chất lượng bệnh viện ở Việt Nam nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân, hạn chế thấp nhất tai biến điều trị xảy ra tại bệnh viện; làm thế nào để người dân tin tưởng phó thác mạng sống của họ ở các bệnh viện, cơ sở y tế? Các cơ quan chức năng đã, đang và sẽ có phương pháp gì để thực hiện trách nhiệm cao cả này?
Tất cả sẽ được giải đáp chi tiết trong chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BỆNH VIỆN Ở VIỆT NAM”, đang được diễn ra hôm nay (20/12) tại tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức – số 465B Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội, với các khách mời:
- PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế
- PGS.TS Nguyễn Đức Chính – Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm bệnh, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội
Sau đây là nội dung buổi giao lưu:
Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhu cầu Khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng đặt ra nhiều thách thức với hệ thống y tế. Nếu để nhận xét khách quan và ngắn gọn nhất về chất lượng bệnh viện ở Việt Nam thì ông có thể nói gì? (độc giả thuhuyen_bc51@yahoo.com)?
- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê: Xin kính chào các quý vị độc giả. Tôi xin trả lời câu hỏi đầu tiên như sau: Các bệnh viện Việt Nam và hệ thống y tế đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội quan tâm, phối hợp với các bộ ngành liên quan, đặc biệt thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ “thầy thuốc như mẹ hiền”. Có thể thấy, các bệnh viện hiện nay đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, để chúng ta hội nhập phát triển, bên cạnh trình độ tay nghề của các giáo sư, bác sĩ, thầy thuốc ở Việt Nam phải có những kỹ thuật ngang tầm thế giới. Có những thầy thuốc giỏi nổi tiếng như Giáo sư, viện sĩ Tôn Thất Tùng có phương pháp mổ gan cả thế giới phải học tập; giáo sư, viện sĩ Tôn Thất Bách, viện sĩ – Nguyên Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, các giáo sư chuyên ngành tai mũi họng...
Bên cạnh đó, ngành y tế đã thực hiện 17.500 kỹ thuật, từ kỹ thuật thường quy, nhỏ như cắt chỉ, thay băng, tiêm bắp, tiêm ven cho đến kỹ thuật phức tạp như mổ rô bốt nội soi cho trẻ em, người lớn ngang tầm với các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người dân trong giai đoạn hiện nay và vẫn cần được quan tâm hơn nữa để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người dân.
- PGS.TS Nguyễn Đức Chính: Xin kính chào các quý vị độc giả. Hôm nay tôi rất vui khi được cùng với GS Lương Ngọc Khuê tham dự buổi Giao lưu trực tuyến của báo điện tử Kiến Thức về chủ đề “Nâng cao chất lượng bệnh viện ở Việt Nam”.Tôi xin trả lời câu hỏi của bạn Thu Huyền như sau: 
Đúng là nhu cầu của người dân ngày càng tăng cùng với sự phát triển của kinh tế và xã hội nhưng nhìn chung hệ thống y tế của chúng ta vẫn còn những bất cập và không đáp ứng được đầy đủ, đặc biệt chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện còn chưa đạt yêu cầu trong tình hình hiện nay. 
- Độc giả Hồ Nhụy ở địa chỉ mail hoynhuy93@gmail.com đặt câu hỏi với Cục trưởng Lương Ngọc Khuê: Là một chuyên gia y tế, đại diện cho cơ quan chức năng của ngành y tế, ông đánh giá chất lượng bệnh viện ở Việt Nam đang ở vị trí nào so với khu vực? Hạn chế lớn nhất của chất lượng bệnh viện ở Việt Nam là gì thưa ông?
- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê: Chất lượng được đánh giá trên nhiều mặt. Qua ba diễn đàn quản lý chất lượng BV khu vực Châu Á Thái Bình Dương, hệ thống bệnh viện ở Việt Nam so với chất lượng mặt bằng chung còn kém về mặt quản trị, cơ sở hạ tầng, các điều kiện phục vụ người bệnh. Đặc biệt, đối với hệ thống chất lượng, nước ta mới có 3 bệnh viện đạt tiêu chuẩn  JCI trong khi các nước cùng khu vực đã có khá nhiều các bệnh viện đạt tiêu chuẩn này. Hạn chế lớn nhất của chúng ta vẫn là cơ sở vật chất, trang thiết bị và quản trị bệnh viện. 
Giao luu truc tuyen: “Nang cao chat luong benh vien o Viet Nam” (*)-Hinh-2
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Anh Sơn.
- Xin được hỏi PGS.TS Nguyễn Đức Chính: Ông có thể lấy ví dụ cụ thể để độc giả thấy được ngoài những thành tựu đạt được trong thời gian qua thì hiện nay, thực sự chất lượng bệnh viện ở Việt Nam vẫn còn hạn chế so với các nước khác trong khu vực và đang rất cần được cải thiện, nâng cao?
- PGS.TS Nguyễn Đức Chính: Trong thời gian qua, theo đánh giá thì Y tế Việt Nam đã có những tiến bộ như: tăng tuổi thọ, tăng chi phí ngân sách cho chăm sóc y tế, giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh… Đầu tư nhiều vào y tế, triển khai nhiều các kỹ thuật mới trong khám và điều trị bệnh. 
Mặt bằng phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam so với các nước trong khu vực là tương đối khá lớn. Chẳng hạn, chỉ số bác sĩ trên/1000 dân của VN năm 2013 là 1,19, trong khi tại Philippines là 1,153 (năm 2014), tại Thái Lan là 0,39 (năm 2010)... Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của VN là 71/81 (nam – nữ), trong khi ở Philippines là 65.72, ở Thái Lan là 72/78...
Tuy nhiên chi phí y tế trên đầu người của Việt Nam lại khá thấp so với các nước trong khu vực, đặc biệt chi phí y tế thấp so với thu nhập của người dân. Năm 2014, chi phí y tế trên đầu người của VN là 390 USD, trong khi ở Thái Lan là 950 USD, ở Singapore là 4.047 USD.
Còn những bất cập hệ thống chăm sóc y tế có thể so sánh với các nước khá tương đồng với chúng ta về địa lý và mặt bằng kinh tế xã hội, tôi nói ví dụ như Thái Lan. Hoặc có thể ở mức cao hơn như Singapore, Nhật Bản người dân được hưởng dịch vụ khám chữa bệnh tốt, bảo hiểm toàn dân. Chúng ta cũng biết là hàng năm thất thoát hàng 1 tỷ do nhiều người dân có điều kiện ra nước ngoài khám chữa bệnh, đặc biệt là sang các nước lân cận như Singapore, Hong Kong... Ngoài việc chất lượng chuyên môn cao ở các nước như đã đề cập, chất lượng dịch vụ chăm sóc tốt và toàn diện hơn nhiều so với dịch vụ chăm sóc y tế tại Việt Nam. Đơn cử người bệnh các nước đi điều trị trông cậy hầu hết vào bệnh viện, không có nhiều người nhà đi theo như ở Việt Nam, trong khi chúng ta thấy đấy ở Việt Nam cứ mỗi người nhà đi BV là cả nhà kéo theo. Không hẳn là do văn hóa lo lắng cho bệnh nhân mà thực sự do chất lượng chăm sóc chưa tốt, dịch vụ không toàn diện kéo theo tình trạng như vậy, các bệnh viện luôn đông không chỉ vì bệnh nhân mà vì cả người nhà kéo đi theo.
Giao luu truc tuyen: “Nang cao chat luong benh vien o Viet Nam” (*)-Hinh-3
  PGS.TS Nguyễn Đức Chính trả lời câu hỏi giao lưu của bạn đọc Báo điện tử Kiến Thức. Ảnh: Anh Sơn.
- Hiện có một bạn đọc chuyển đến Cục trưởng Lương Ngọc Khuê một câu hỏi: Theo tôi, người chịu nhiều ảnh hưởng nhất của tình trạng chất lượng bệnh viện ở Việt Nam còn hạn chế chính là bệnh nhân. Ông có đồng ý với quan điểm này không? Theo ông, nếu không nhanh chóng nâng cao chất lượng bệnh viện thì bệnh nhân sẽ chịu những ảnh hưởng gì?
- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê: Rất cảm ơn câu hỏi của độc giả đã chia sẻ suy nghĩ của mình. Qua đánh giá và xem xét hệ thống, thực sự chất lượng bệnh viện không tốt thì đầu tiên là người bệnh phải chịu. Bên cạnh đó là các yếu tố khách quan như bệnh viện quá tải, thiếu nguồn nhân lực, thiếu trang thiết bị cơ sở vật chất người thầy thuốc, bác sĩ, điều dưỡng, bệnh viện cũng phải chịu chung tình trạng, trong đó khổ nhất là người dân.
Đứng trước thực trạng này, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cùng các bệnh viện trong 3 năm gần đây đã đưa ra bộ tiêu chí đánh giá chất lượng gồm 83 tiêu chí, 1.598 tiểu mục hướng tới sự hài lòng, phục vụ người bệnh là trung tâm và an toàn cho người bệnh là số 1.
Trước đó, Quốc hội đã phê chuẩn luật khám chữa bệnh do Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ 3 lĩnh vực cụ thể cần quan tâm để có chất lượng khám chữa bệnh tốt: quyền lợi trách nhiệm của người bệnh, quyền lợi trách nhiệm của thầy thuốc và bệnh viện, thực hiện tốt 3 cấu thành này sẽ tạo nên sự hài lòng và an toàn cho người bệnh.
- Xin PGS.TS Nguyễn Đức Chính nói thêm về câu hỏi này?
- PGS.TS Nguyễn Đức Chính: Đúng vậy, khách hàng ở bệnh viện không ai khác là người bệnh nhưng họ sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều do thực trạng chất lượng dịch vụ y tế tại Việt nam, 
Thứ nhất : Ảnh hưởng về sức khỏe. Họ đến khám và điều trị nhưng nếu chất lượng kém thì không những tình trạng sức khỏe không  được cải thiện, bệnh tật không khỏi mà còn nhiều khi lại tiền mất tật mang. Nặng hơn có thế dẫn đến những biến chứng hoặc tử vong. 
Thứ hai: Thiệt hại kinh tế. Tiền mất vì chất lượng kém gây biến chứng phải nằm viện kéo dài, chi thêm chi phí điều trị và ngày giường.
Thứ ba: Có thể mất cơ hội công việc, học hành, quan hệ … do kéo dài thời gian nằm viện, nghỉ làm…
Thứ tư: Gia đình  người bệnh cũng mất công sức, thời gian và chi phí chăm sóc thời gian kéo dài thêm người bệnh..
Thứ năm: Mất lòng tin và đương nhiên phải tìm đến những nơi tin tưởng hơn, thậm chí phải ra nước ngoài để khám chữa bệnh.
Việc này do người dân lo lắng cho bệnh nhân nên mới phải đi theo chăm sóc. Một điều quan trọng nữa là người dân đang mất lòng tin vào hệ thống y tế của mình, Nhiều người phải ra nước ngoài để khám chữa bệnh.
- Một bạn đọc tên Thùy Linh thắc mắc rằng: Hiện trạng chung của các bệnh viện hiện nay là quá tải, trang thiết bị tiên tiến chưa đủ và tương xứng với nhu cầu khám, chữa bệnh. Xin hỏi ông, đây có phải là một trong những nguyên nhân khiến người bệnh phải gánh chịu những tai biến y khoa hay không? Xin chuyển câu hỏi này đến Cục trưởng Lương Ngọc Khuê.
- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê: Cám ơn bạn độc giả đã gửi câu hỏi quan tâm đến chuyên môn. Hoàn toàn không phải ý kiến như bạn nhận định, mỗi bệnh viện có một quy định về các tuyến chuyên môn kỹ thuật, chúng ta có kỹ thuật rất cao, tuy nhiên, tai biến y khoa không tránh khỏi trong quá trình hành nghề, nhưng tai biến y khoa đối với nghề y để lại hậu quả nặng nề.
Cho nên, Bộ Y tế đã có các hướng dẫn, các quy trình thực hiện. Từ quy trình nhỏ như thay băng, tiêm. Ví dụ như ở Đaklak là thực hiện  tiêm chưa đúng quy trình, khi chúng ta bó bột cho bệnh nhân phải xem xét đầu chi có tím tái không, bệnh nhân có đau hay bị chèn ép không...Nếu bệnh nhân thoải mái lưu thông được, không bị tê đau thì bó bột đảm bảo chuyên môn, tuy nhiên khi bệnh nhân bị đau tức, tím tái khó chịu thì phải xử lý rạch bột ra ngay...Nếu thực hiện đúng quy trình trên đã không có sự việc cắt chân của cháu ở Đaklak, ngành Y tế đã phải có văn bản xin lỗi người bệnh, đền bù cho người bệnh vì làm sai quy trình. Do đó, để hạn chế tai biến y khoa, điều quan trọng nhất là phải thực hiện đúng quy trình điều trị.
Giao luu truc tuyen: “Nang cao chat luong benh vien o Viet Nam” (*)-Hinh-4
 Cục trưởng Lương Ngọc Khuê. Ảnh: Anh Sơn.
 - Trong khi chất lượng bệnh viện Việt Nam vẫn còn hạn chế thì mức phí dịch vụ khám chữa bệnh luôn tăng trước. Vậy tại sao các cơ quan chức năng không làm ngược lại, tức là bắt buộc các bệnh viện phải nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh thì mới  được tăng phí để tránh thiệt thòi cho bệnh nhân? (độc giả Trần Linh ở địa chỉ linhtran2206@gmail.com). Xin chuyển câu hỏi này đến Cục trưởng Lương Ngọc Khuê.

-  Cục trưởng Lương Ngọc Khuê: Rất mừng bạn đã quan tâm đến vấn đề liên quan tài chính y tế. Hiện nay ở Việt Nam có hai hệ thống bệnh viện: Công lập và ngoài công lập. Giá viện phí hiện nay mà các bệnh viện Công lập đang thực hiện chỉ mới thu 3/7 khấu phần, nghĩa là thu 3 chi 7, theo quy luật kinh tế thị trường là chưa cân bằng. Rõ ràng Nhà nước vẫn đang phải bù thêm phần chênh lệch, chúng ta đang phấn đấu toàn dân có bảo hiểm, mọi người có bảo hiểm, làm sao để cân bằng thu chi cân bằng. Đồng thời phải có một phần dư để trả công sức lao động cho y bác sĩ, tái tạo chất lượng bệnh viện. 
Mệnh giá bảo hiểm hiện nay chỉ 5% lương cơ bản/năm, trong khi đó trang thiết bị phải nhập ngoại rất cao, thuốc đa số 90% nguyên liệu nhập. Giá trang thiết bị, thuốc ngang tầm thế giới, trong khi đó lương, thu nhập của thầy thuốc thấp nhất trên thế giới. 
Qua đây, chúng tôi cũng mong độc giả và người dân thông cảm với ngành Y. Bộ Y tế vẫn đang hết sức tích cực và quyết liệt thực hiện bộ tiêu chí khám chữa bệnh, vì mục tiêu an toàn người bệnh lên hàng đầu. 
- Tiếp tục là những câu hỏi của độc giả liên quan đến chi phí khám chữa bệnh. Thưa PGS.TS Nguyễn Đức Chính, người dân thường có câu so sánh “tiền nào của nấy”. Xin được hỏi ông, từ những khảo sát thực tế, ông có cho rằng chất lượng bệnh viện hiện đã tương xứng với mức phí người dân bỏ ra để khám chữa bệnh?
- PGS.TS Nguyễn Đức Chính: Câu này đúng ngay cả trong dịch vụ khám chữa bệnh nhưng thực tế hiện nay họ không được hưởng như những gì họ bỏ ra. Nhiều người dân than phiền mất tiền nhưng vẫn không được chăm sóc như đồng tiền họ bỏ ra hoặc như họ kỳ vọng. Chính vì điều này  dẫn đến tình trạng người bệnh vượt tuyến và gây quá tải các tuyến trên do họ không tin tưởng tuyến dưới, hoặc họ ra nước ngoài để khám chữa bệnh. 
Thực tế là việc chi phí cho điều trị hiện nay cũng chưa được hoàn thiện. Nếu hoàn chỉnh thì phải tính đủ, khi đó chi phí khám chữa bệnh sẽ cao hơn. Từ năm 2016, Bộ Y tế đã cho tăng giá nhiều dịch vụ khám chữa bệnh. Nhưng cũng chưa nhận được dịch vụ chăm sóc y tế hoàn chỉnh. Ở các bệnh viện công, tuyến trên chuyên môn cao chủ yếu tập trung chuyên môn nên người bệnh được đảm bảo về chất lượng điều trị, nhưng lại không hài lòng về các dịch vụ khác như chăm sóc toàn diện do người bệnh quá đông. Thậm chí nhân viên y tế cũng không hẳn nhiệt tình do bệnh nhân đông, nhiều việc... Đơn cử ví dụ người bệnh khám chữa bệnh tuyến dưới bản thân tôi gặp cũng chi phí khá nhiều để điều trị nhưng vẫn bị biến chứng phải chuyển lên tuyến trên.  Như vậy thì tiền bỏ ra nhưng không đạt được kết quả như mong đợi. 
Tuy nhiên, không phải lúc nào ra nước ngoài khám chữa bệnh cũng là tốt. Tôi lấy một ví dụ: chi phí giường bệnh tại khoa Hồi sức cấp cứu tại một số nước trong khu vực khoảng 3.000 USD. Trong khi tại Việt Nam hiện nay, chi phí giường tại khoa Hồi sức cấp cứu là từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng (dưới 100 USD).
Giao luu truc tuyen: “Nang cao chat luong benh vien o Viet Nam” (*)-Hinh-5
 PGS.TS Nguyễn Đức Chính. Ảnh: Anh Sơn.
- Xin Cục trưởng Lương Ngọc Khuê trả lời bổ sung cho câu hỏi này?
- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê: Hiện nay, theo chính sách, người nghèo được miễn phí, người cận nghèo được hỗ trợ 50%, các đối tượng khác phải mua BHYT. Như tôi đã nói, mệnh giá thẻ bảo hiểm chỉ 30 USD, trong khi máy móc trang thiết bị, thuốc ở Việt Nam đa số được nhập hoàn toàn từ nước ngoài. 
Trong khi đó,  giá dịch vụ ở Việt Nam rẻ hơn các nước nhiều lần. Nhiều bệnh nhân ra nước ngoài được chẩn đoán cũng chỉ nhận được kết quả chẩn đoán giống như ở VN. Sau khi phẫu thuật về lại quay về nước điều trị rẻ hơn rất nhiều. Rất nhiều Việt Kiều đã mua vé để về Việt Nam khám chữa bệnh, làm răng...Điển hình như Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM một ngày đón vài trăm lượt bệnh nhân ở Campuchia, nước ngoài sang khám chữa bệnh. Do vậy, chúng tôi mong nhà nước, Chính phủ, tất cả các cấp các ngành vào cuộc để tất cả người dân được có bảo hiểm.
- Một câu hỏi dành cho Cục trưởng Lương Ngọc Khuê: Theo Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, xuất hiện tình trạng có những bệnh viện được xếp hạng rất cao trong khi một số bệnh viện dù ở tuyến Trung ương nhưng lại sở hữu điểm thấp hơn cả những bệnh viện tuyến tỉnh. Theo kết quả khảo sát năm 2015 theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, trên thang điểm từ 1 đến 5, ngưỡng điểm trung bình của các bệnh viện Trung ương chỉ đạt khoảng 3,5 điểm, bệnh viện tuyến tỉnh đạt trung bình 2,8 điểm, bệnh viện tuyến huyện đạt trung bình 2,6 điểm và bệnh viện ngoài công lập đạt trung bình 2,9 điểm. Xin ông cho biết dựa vào các tiêu chí chủ yếu nào để xếp điểm, nguyên nhân một số các Bệnh viện Trung ương có điểm thấp hơn bệnh viện tuyến tỉnh?
- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê: Cám ơn câu hỏi rất hay của bạn. Bộ tiêu chí được xây dựng từ những kinh nghiệm Bộ tiêu chí của các nước,và đặc biệt là Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng JCI của Mỹ. Theo ý kiến góp ý của WHO cũng như các diễn đàn quản lý chất lượng, chúng tôi đã đổi mới trong hệ thống y tế một cách toàn diện ở lĩnh vực đánh giá chất lượng bệnh viện với quan điểm lấy người bệnh là trung tâm, phục vụ người bệnh, hài lòng và an toàn người bệnh là số 1.
Bộ tiêu chí được đưa ra 5 mức: kém TB, khá, tốt, rất tốt, kể cả những BV chất lượng tốt ở tuyến TƯ vẫn tồn tại một số nhược điểm như quá tải, toilet hôi, nằm ghép, không có bảng chỉ dẫn...cũng ảnh hưởng đến tiêu chí đánh giá. Trách nhiệm này thuộc về từ người bảo vệ đến giám đốc bệnh viện. Ví dụ ở Bệnh viện Nhi, vụ bảo vệ chặn xe khiến bệnh tử vong, trách nhiệm này thuộc về bệnh viện, bệnh viện buộc phải xin lỗi người dân...Ngoài ra còn rất nhiều những vấn đề khác , theo chỉ đạo của Bộ Y tế, các bệnh viện, cơ sở y tế đã và đang đẩy mạnh thay đổi lề lối, tác phong...vì mục tiêu phục vụ người bệnh.
Những tiêu chí này như một kim chỉ nam cho từng bệnh viện, thầy thuốc ngày càng hoàn chỉnh hơn, vì mục tiêu phục vụ người bệnh. Do vậy, dù nhiều bệnh viện ở tuyến Trung ương bác sĩ rất giỏi, nhưng còn nhếch nhác, còn quá tải, còn thái độ với bệnh nhân...thì không thể được xếp hạng cao được.
- Thưa PGS.TS Nguyễn Đức Chính, theo ông, đến bao giờ thì bệnh nhân Việt Nam sẽ được nằm mỗi người một giường bệnh? Gia đình tôi có người nhà mắc bệnh ung thư gan, thường xuyên phải nằm điều trị tại BV K. Tôi thấy, những bệnh nhân ung thư đã rất khốn khổ với việc đấu tranh giành sự sống nhưng còn khốn khổ hơn khi phải nằm 2-3 người/giường, sinh hoạt khó khăn, bất tiện. Mong mỏi lớn nhất của gia đình tôi cũng như nhiều người bệnh ung thư lúc này là một bệnh nhân/giường, nhưng điều đó dường như còn xa vời.
- PGS.TS Nguyễn Đức Chính: Cũng cần chia sẻ với các bạn thế này, đúng là chúng tôi luôn mong muốn được làm tốt nhất để phục vụ cho bệnh nhân
Vừa qua có thông tin có 4 bệnh nhân ở bệnh viện K phải nằm ghép 1 giường. Năm 2015, Bệnh viện Việt Đức là một trong 13 bệnh viện đầu tiên ký cam kết không để bệnh nhân phải nằm ghép. Bệnh viện Việt Đức mà nằm ghép thì cực kỳ khó vì bệnh nhân ở đây chủ yếu mổ, phẫu thuật, đa chấn thương... nên nếu nằm ghép sẽ rất khổ cho họ. Nhưng đến nay thực tế đó vẫn chưa thành hiện thực. Tình trạng này theo chúng tôi vẫn còn phải cố gắng mới làm được. Đặc biệt ở những bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K Trung Ương... Tại Bệnh viện Việt Đức của chúng tôi, tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép hoặc không có giường, phải nằm cáng chờ vẫn diễn ra hàng ngày...
Nguyên nhân của tình trạng trên là do bệnh nhân quá đông, vì cả bệnh nhân ở các tuyến dưới chuyển lên, đặc biệt Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện tuyến cuối về cấp cứu và chấn thương nên phải cấp cứu những bệnh nhân nặng, số lượng bệnh nhân bị chấn thương vẫn gia tăng, ngoài những trường hợp bệnh lý ngoại khoa. Từ tháng 5/2015, số giường tại Bệnh viện Việt Đức đã được tăng thêm 300 giường bệnh, đạt số giường theo kế hoạch của Bộ Y tế giao là 1.500 giường. Nhưng thực tế số bệnh nhân bao giờ cũng cao hơn số giường này. 
Chúng tôi hy vọng thời gian tới người dân sẽ được hưởng chất lượng chăm sóc tốt nhất của bệnh viện, và đặc biệt trong đó bệnh nhân sẽ được nằm mỗi người 1 giường, không phải nằm ghép.
- Một độc giả xin được hỏi Cục trưởng Lương Ngọc Khuê: Để chất lượng khám chữa bệnh tăng không chỉ phụ thuộc vào giá mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, vậy thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có những giải pháp cụ thể gì?
- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê: Bộ Y tế đã triển khai rất nhiều nhóm giải pháp, xây dựng luật khám chữa bệnh, luật bảo hiểm y tế, quy định rõ trách nhiệm của người bệnh được thực thi công khai dân chủ. Quy định quyền và trách nhiệm của thầy thuốc, quyền lợi trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh, xây dựng đủ điều kiện cho thầy thuốc làm việc. 
Thay đổi tư duy đổi mới trong ngành Y, đưa ra Bộ đánh giá tiêu chí, chi tiết, cặn kẽ, lấy đó là thước đo để xây dựng chất lượng BV, cơ sở vật chất, phục vụ người bệnh. Cụ thể từng vấn đề nhỏ như nhà vệ sinh, bảng chỉ dẫn bệnh nhân cho đến phác đồ điều trị tránh nhầm lẫn, xây dựng quy trình kỹ thuật..tất cả đều để phục vụ người bệnh. 
Đặc biệt đi vào tinh thần trách nhiệm, khơi dậy tinh thần đạo đức nghề nghiệp của người thầy thuốc để phục vụ người bệnh, vì người bệnh.
- Một câu hỏi vừa được gửi đến PGS.TS Nguyễn Đức Chính: Các bệnh viện luôn đặt mục tiêu không để người bệnh phải chờ đợi lâu khi khám bệnh. Nhưng liệu điều này có mâu thuẫn với việc y bác sĩ chịu áp lực lớn về thời gian, không có đủ thời gian thăm khám bệnh cẩn thận cho bệnh nhân? Với tư cách là một bác sĩ, theo ông làm thế nào để giải quyết hài hòa để khiến người bệnh không phải chờ lâu mà bác sĩ không quá áp lực?

- PGS.TS Nguyễn Đức Chính: Rất cảm ơn câu hỏi của bạn. Đúng vậy, muốn khám đảm bảo chất lượng cần phải khám kỹ và có thời gian. Khi khám ngoài thăm khám lâm sàng, chúng tôi cần kết hợp với các xét nghiệm và thăm khám cận lâm sàng như chụp x quang, siêu âm, xét nghiệm máu… cần có đủ thời gian để có kết quả và có sự phối hợp với các bác sĩ và chuyên khoa khác nhau và điều này không hoàn toàn chỉ phụ thuộc vào bác sĩ khám bệnh. Do vậy không nên quá áp lực về thời gian khám đối với bác sĩ. Tuy vậy việc đưa ra khung thời gian để người dân biết và cùng giám sát việc làm của bác sĩ tại bệnh viện. 
Nói ví dụ chúng ta xây dựng qui trình khám bệnh cho từng loại bệnh (SOP = Standard Operating Procedure) các bước cần làm, những loại xét nghiệm bệnh nhân cần biết… qua đó người dân hiểu và theo dõi việc bác sĩ làm có đúng hay không chứ không chỉ quan tâm đến thời gian. Bản thân việc khống chế việc khám bệnh theo thời gian cũng không phản ánh được chất lượng chuyên môn /dịch vụ của bệnh viện. 
Quy trình khám bệnh, cũng như việc điều trị cần được công khai để người dân hiểu và chấp hành sẽ không có những thắc mắc. 
- Tại Hội nghị tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện ngày 18-19/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các đại biểu tại Hội thảo thảo luận và đề xuất các mô hình quản lý chất lượng tại bệnh viện và cấp quốc gia phù hợp với đặc thù Việt Nam. Xin Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết cụ thể hơn về các mô hình này?
- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê: Nước ta có nhiều vùng kinh tế xã hội, điều kiện khác nhau, tựu chung chúng ta vẫn phải thực hiện mục tiêu chung an toàn cho người bệnh. Cho nên, dù là mô hình nào cũng phải hướng tới mục tiêu trên, bệnh viện nào thực hiện tốt sẽ đạt điểm tốt. Công khai chất lượng, khen thưởng. Người bệnh có quyền lựa chọn bệnh viện theo tiêu chí, nơi nào tốt người dân có sự lựa chọn. 
Nhiều bệnh viện tư nhân thực hiện rất tốt quy trình chăm sóc bệnh nhân kể cả sau khi đã xuất viện. Việc thay đổi phong cách, thay đổi thái độ chính là thực hiện quan niệm “lương y như từ mẫu”. Do vậy, dù là mô hình quản lý nào, chúng ta luôn phải lấy mục tiêu phục vụ người bệnh lên hàng đầu. 
  Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê chụp ảnh cùng các giám đốc, y bác sĩ  đầu ngành các bệnh viện Quân Y. Ảnh: Ngọc Khánh 
- Xin gửi đến PGS.TS Nguyễn Đức Chính câu hỏi như sau: Tôi đi khám bệnh ở các bệnh viện lớn như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai phải chờ đợi rất lâu. Ông có thể cho biết Bệnh viện của ông đã và sẽ có những biện pháp gì để cải thiện tình trạng này?
- PGS.TS Nguyễn Đức Chính: Từ vài năm nay bệnh viện đã có các biện pháp cải tiến qui trình khám bệnh trong việc xây dựng các tiêu chí nâng cao chất lượng chăm sóc y tế do Bộ Y tế đề ra. Gần đây nữa các phong trào/chương trình cải tiến đổi mới  phong cách phục vụ người bệnh. 
Thứ nhất cải tạo cơ sở vật chất : cải tạo phòng khám, trang bị thêm phương tiện tại chỗ cho người bệnh, chỉ dẫn rõ ràng…
Thứ hai xây dựng qui trình khám bệnh cho một số kỹ thuật và các mặt bệnh 
Tăng cường nhân lực: con người, trang thiết bị...
Mở rộng thêm nhiều các chuyên khoa để người bệnh không phải đi xa nếu có những bệnh cần phải phối hợp các chuyên khoa khác nhau. 
Thực hiện một số các chương trình/phong trào đổi mới phong cách khám chữa bệnh …đã đạt được những kết quả tốt, qua các đợt khảo sát ý kiến bệnh nhân và người nhà thấy hài lòng. 
Tăng cường phòng công tác xã hội ra đời hơn 1 năm…
Gần đây đang thực hiện thí điểm một số dịch vụ: Đặt lịch khám bệnh qua mạng (khoa Phẫu thuật cột sống ), dự kiến làm xét nghiệm theo yêu cầu…
Quan trọng nhất là việc ra đời Phòng quản lý chất lượng bệnh viện để giám sát, lên kế hoạch và đề xuất đến BGD phương hướng phấn đấu hoàn thiện dần theo các tiêu chí đưa ra trong bộ chất lượng. 
Tại Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi đã xây dựng các quy trình khám bệnh và quan trọng nhất là giải tỏa bức xúc cho bệnh nhân. Chúng tôi cũng đang có dự án xây dựng cơ sở 1.000 giường ở Hà Nam. Khi cơ sở này đi vào hoạt động thì sẽ giảm được tình trạng quá tải rất nhiều, và hạn chế được việc bệnh nhân phải chờ đợi lâuững  Bên cạnh đó, trong vòng hai năm qua, Bệnh viện Việt Đức đã cho ra đời phòng công tác xã hội. Hiện những nhân viên phòng công tác xã hội làm công việc này nên cũng giảm được áp lực cho nhân viên y tế và giúp bệnh nhân khi vào khám bệnh được hướng dẫn, tư vấn thấu đáo.
- Thưa Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, trên thực tế, hiện có nhiều bệnh nhân chấp nhận bỏ nhiều tiền để ra nước ngoài khám chữa bệnh, có khi chỉ là đi khám sức khỏe định kỳ. Theo ông, các bệnh viện Việt Nam phải thay đổi như thế nào để giữ chân người bệnh trong nước?
- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê: Cảm ơn bạn đã câu hỏi rất hay. Như tôi đề cập ban đầu, nhiều bệnh nhân nhận định tay nghề thầy thuốc rất giỏi, tuy nhiên một số điều kiện cơ sở vật chất cũng như thái độ khiến người dân chưa hài lòng, do vậy nhiều người bệnh có điều kiện ra nước ngoài khám và điều trị.
Hiện tại, chúng ta đang xây mới nhiều bệnh viện, như bệnh viện Bạch Mai 2, Việt Đức 2...để đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Chúng tôi cũng đang thị sát, xây dựng khu điều trị du lịch chữa bệnh với nhiều dịch vụ cao cấp như tắm nước nóng, châm cứu, tắm bùn...thu hút được khách du lịch nghỉ dưỡng, phục vụ nhu cầu của người bệnh. 
Như vậy, vấn đề quản lý, cơ sở vật chất, thái độ...trong bộ tiêu chí Bộ Y tế đưa ra là cơ sở, là kim chỉ nam để các cơ sở Y tế, bệnh viện áp dụng, hướng tới mục tiêu vì người bệnh, đem lại sự hài lòng cho bệnh nhân. 
Bên cạnh đó, muốn giữ chân được người bệnh, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các thầy thuốc, người bảo vệ, y sĩ, cho đến các Bộ ban ngành. Chúng tôi cũng mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, nhà nước để ngành Y có đủ điều kiện chăm sóc cho người bệnh ngày càng tốt hơn.
- Xin trân trọng cám ơn Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê và PGS.TS Nguyễn Đức Chính đã tham gia buổi giao lưu trực tuyến hôm nay và giải đáp rất nhiều thắc mắc để độc giả báo điện tử Kiến Thức hiểu rõ, hiểu đúng hơn về vấn đề "Nâng cao chất lượng bệnh viện ở Việt Nam" đang được coi là trách nhiệm của toàn xã hội. 
PV