Hại gan, sinh mỡ nếu uống rượu bỏ cơm

Google News

(Kiến Thức) - Nếu chỉ uống không ăn thì giá trị năng lượng đó không thể sinh ra năng lượng cho cơ thể hoạt động mà nó sẽ chuyển thành chất gây hại cho gan. 

Để đảm bảo sức khoẻ, uống rượu phải ăn cơm hoặc các thực phẩm tinh bột khác. 
Rượu mà người ta vẫn dùng để uống có tên gọi là rượu etylic. Rượu etylic là một hợp chất hữu cơ, có chứa nguyên tử các bon và hydro nên đương nhiên nó mang năng lượng. Khi đốt cháy 1ml rượu có thể thu được 7kcal. Nếu uống 100ml rượu (độ 2 chén) thì sẽ tạo ra khoảng 700kcal (tương đương với 4 hộp sữa hút). Tức là nếu uống rượu, rượu chuyển hóa thì cũng sẽ sinh ra năng lượng.
Năng lượng của rượu muốn giải phóng được thì cần tới năng lượng của đường, tức là cơm. Vì bản chất chuyển hóa rượu chỉ có thể được chuyển hóa khi chúng được hoạt hóa bởi hệ thống tế bào gan. Hệ thống tế bào này sẽ lấy năng lượng từ chuyển hóa đường là ngòi mồi cho chuyển hóa rượu. Không ăn cơm, chỉ dựa vào năng lượng đường dự trữ, sẽ không thể chuyển hóa rượu hoàn toàn.
Kết cục, năng lượng thì không thu được, cơ thể bị bỏ đói và điều này dẫn tới 2 hệ lụy. Một là chất trung gian từ chuyển hóa rượu bao gồm acetaldehyt, các gốc tự do ào ạt tạo ra. Các sản phẩm này ra sức phá hủy cơ thể. Nặng nhất là phá hủy gan vì rượu được tụ tập ở gan để xử lý. Hai là thay vì chuyển hóa tinh bột, cơ thể chuyển sang chuyển hóa mỡ. Chuyển hóa mỡ sinh ra nhiều axit béo tự do, sinh ra nhiều thể ceton dẫn đến toan chuyển hóa rất có hại cho hệ thống cơ quan. Do vậy, lý thuyết rượu làm từ gạo, uống rượu nghĩa là đã ăn cơm hoàn toàn không chính xác.
Vì vậy, để đảm bảo sức khoẻ, uống rượu thì phải ăn cơm hoặc các thực phẩm tinh bột khác như bún, miến, mỳ, phở, bánh mỳ... Hơn nữa, rượu rất hại cơ thể nên đừng lạm dụng. Đã gọi là rượu thì bản chất đều có chứa etylic nhưng chỉ khác nhau ở một số hoạt chất sinh học đi kèm, nồng độ etylic và các tạp chất. Do đó, không thể uống rượu vô tội vạ. Một ngày, với nam giới chỉ nên uống 1 - 2 ly rượu vang, nữ giới chỉ dùng 1 ly/ngày. Đừng uống quá liều mà dễ bị ngộ độc. Nên nhớ, uống ngay trước hoặc ngay sau bữa ăn cơm. 
BS Yên Lâm Phúc (Học viện Quân y 103)