- Mẹ tôi rất hay dỗi, hờn mát mỗi khi chúng tôi phát hiện ra bà làm sai điều gì đó. Một lần, mẹ tôi để cháu ngồi một mình trên giường khiến cháu ngã. Thấy tôi xuýt xoa, lo lắng về vết bầm tím trên trán con trai, mẹ tôi lại nói "mát": "Bây giờ chị chỉ biết con chị, chả coi mẹ ra gì".
|
Ảnh minh họa: IE. |
Mỗi lần thấy trong người không khoẻ, đau nhức, mẹ tôi thường tự động đi thẳng vào bệnh viện nằm chả nói với ai. Đến tối con cháu về nhà không thấy lại chia nhau đi tìm khắp nơi. Có lần, trước khi đi làm tôi đã hỏi cả nhà xem có thích ăn gì để mua. Mẹ tôi bảo đang mệt nên không ăn được. Tôi mua gà về cho cả nhà đồng thời mua cho mẹ đồ ăn khác nhưng mẹ tôi lại dỗi khiến tôi không biết xử trí thế nào. Mỗi khi giận, bà còn gọi điện về quê kể tội con cái làm tôi rất ngại. Tôi phải làm sao để thay đổi được tính hay dỗi của bà? Thanh Mai (Bắc Ninh).
Chị Thanh Mai thân mến. Khi người ta về già, đồng thời với việc xuất hiện sự nặng nề của cơ thể, tinh thần tâm lý cũng sẽ già nua, sa sút theo. Khi không còn được đi làm, giao tiếp xã hội hạn chế trong khi con cái vẫn luôn bận rộn với công việc, khiến cho các cụ có tâm lý cô đơn, trống trải, thậm chí cảm thấy bị bỏ rơi. Những dỗi hờn của mẹ chị là biểu hiện lòng khát khao được con cái quan tâm, chú ý...
Bà muốn con cái phải "tự hiểu" điều đó qua những hờn mát của bà. Chính vì vậy, việc cần làm lúc này của chị và gia đình là thể hiện nhiều hơn nữa sự quan tâm, chia sẻ, lắng nghe đối với bà. Chẳng hạn, mọi người nên dành nhiều thời gian chuyện trò cùng bà; Kéo bà vào những hoạt động chung của gia đình như cùng làm bữa tối; Cùng bà đi tập thể dục buổi sáng... (để cho cơ thể khoẻ mạnh và tăng cường tinh thần lạc quan).
Ngoài ra, chị nên động viên và tạo điều kiện cho mẹ tham gia vào những hội, những nhóm bạn người cao tuổi để mẹ chị có nhiều cơ hội giao tiếp xã hội. Khi mẹ chị cảm thấy lạc quan, vui vẻ, được quan tâm, mẹ chị sẽ dần bớt đi những hờn giận vô cớ.
Giảng viên Tâm lý Thiện Vũ (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định)