Hoang mang đàn chó “lạ” tấn công người điên dại

Google News

(Kiến Thức) - Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được nguồn gốc của chó lạ tấn công người. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, có thể những con chó lạ này có nguồn gốc từ Trung Quốc?

Thời gian gây đây, người dân tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội hết sức hoang mang và lo lắng về một “hiện tượng lạ”, chưa từng xảy ra tại địa phương, đó là sự xuất hiện hàng loạt con chó lạ, liên tục tấn công người vào bất cứ lúc nào. 
Nguy hiểm là, những con chó này sau khi tấn công người thì có biểu hiện bị dại như: lông dựng ngược, mồm xùi bọt mép… không chỉ có vậy, có những con chết ngay sau khi tấn công người dân.
Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được nguồn gốc của đàn chó lạ. Nhiều người đồn đoán, nhiều khả năng nguồn gốc chó là từ Thái Nguyên tràn sang, do lạc đường về nên ở luôn tại địa bàn và tấn công người. Ngoài ra không ít người cho rằng, chó tấn công người hàng loạt là do ăn phải rác thải ở bãi rác Nam Sơn, trên địa bàn xã, sau đó khiến chó bị dại. Thậm chí người dân địa phương còn cho rằng, đó là chó có nguồn gốc từ Trung Quốc… Tuy nhiên, để có kết luận chính xác thì phải đợi kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.
Người bị chó cắn chưa bị nguy hiểm
Theo nhận định của Sở Y tế Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại đã có 97 người dân ở xã Bắc Sơn bị cả chó nhà và chó lạ tấn công. Tuy nhiên, ngay sau khi bị chó lạ tấn công người dân đã chủ động tiêm phòng dại, nên chưa có sự cố đáng tiếc nào về người xảy ra.
 Hiện đã có gần 100 người trên địa bàn xã Bắc Sơn bị chó lạ tấn công
Theo thống kê của chính quyền địa phương, số lượng chó trên địa bàn xã có khoảng 8.000 con, và đã tiến hành tiêm phòng dại cho khoảng 90%. Không chỉ đẩy mạnh công tác tiêm phòng nhằm khống chế dịch dại bùng phát, ngày 23/8, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức buổi tập huấn về công tác phòng chống bệnh dại cho 150 người dân ở xã Bắc Sơn nhằm phổ biến kiến thức về cách phòng bệnh và biện pháp xử lý khi bị chó nghi dại cắn.
Trước đó, sau khi nghe báo cáo từ phía lãnh đạo y tế huyện Sóc Sơn về tình hình chó lạ tấn công người, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu làm rõ nguồn gốc chó lạ, thành lập tổ công tác kiểm tra, tiêu diệt số chó lạ, chó thả rông.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hồ Việt Hùng - Chánh văn phòng UBND huyện Sóc Sơn - cho biết, hiện các xã trên địa bàn huyện đều thành lập tổ công tác nhằm phát hiện, bắt giữ chó thả rông, chó lạ xuất hiện lạ. Nếu phát hiện con nào có dấu hiệu bệnh tật thì cương quyết phải tiêu hủy.
Nguy cơ tử vong cao nếu lên cơn dại
Theo PGS. TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bệnh dại được xếp vào nhóm các bệnh truyền nhiễm tái nổi và đứng thứ 2 trong số các bệnh truyền nhiễm gây tử vong ở nước ta. Đáng chú ý, 96% nguồn lây bệnh dại là do đàn chó nuôi trong nhà dân, trong khi nhiều địa phương vẫn chủ quan, chưa quan tâm đến công tác tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo, vật nuôi. Hiện bệnh dại cũng là loại bệnh gây tử vong cho người đứng đầu thế giới. Khi virút dại nhiễm vào người sẽ không có thuốc đặc trị và tử vong là điều khó tránh khỏi.
Trả lời trên báo chí, PGS.TS. Đinh Kim Xuyến, Phó Chủ nhiệm thường trực dự án Phòng chống bệnh dại (Bộ Y tế) cho biết, bệnh dại ở chó thường có hai thể điển hình đó là thể điên cuồng và thể bại liệt. Nếu như thể điên cuồng của chó dại dễ nhận biết thì thể bại liệt có thể nhầm lẫn với bệnh khác ở chó, vì thế những dấu hiệu như: con vật buồn rầu, ủ rũ, liệt ở một bộ phận hay nửa người, thông thường là liệt cơ hàm làm cho mõm luôn hé mở. Hàm dưới trễ xuống, lưỡi thè ra, nước dãi chảy tự do. Con vật không cắn được cũng không thể sủa được gọi là thể câm. Bệnh tiến triển từ 2 – 7 ngày, thường là 2 – 3 ngày, sau đó con vật chết.
 Bệnh dại gây tử vong với tỷ lệ cao trên thế giới
Theo TS. Xuyến, khi bị chó nghi dại cắn trước hết phải xử lý tại chỗ vết thương như: rửa vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối hoà đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn, cồn iốt đậm đặc…, sau đó phải đến các điểm tiêm phòng dại để được các thầy thuốc chuyên khoa khám và có biện pháp xử lý cụ thể cho từng trường hợp.
Đối với những người khi đã bị bệnh dại lên cơn đều dẫn đến tử vong 100%, biện pháp duy nhất để giảm thiểu cái chết oan uổng là khi nghi bị nhiễm virut dại cần phải rửa thật kỹ vết thương, điều trị dự phòng bằng vaccin dại và huyết thanh kháng dại càng sớm càng có hiệu quả. Tuy nhiên đối với phụ nữ có thai, trẻ em nhỏ, những người có cơ địa dị ứng và mắc bệnh mạn tính… cần phải khám và theo dõi thận trọng hơn trong quá trình tiêm để xử lý kịp thời nếu có phản ứng xảy ra.
Anh Đào