Hỏi mới trả lời, con tôi ngày càng thờ ơ với bố

Google News

Ở nhà, bố hỏi gì thì con trả lời. Tôi vừa thương và trách con khi thấy các con càng lớn càng thờ ơ với mình.

(Kienthuc.net.vn) - “Cả ngày con tôi “giam” mình trên gác, đến bữa gọi mỏi mồm mới xuống ăn. Ngồi chưa ấm chỗ, chúng buông bát” - bác Đỗ Văn Hiển, Hà Đông, Hà Nội.

[links()]

Tôi làm cai thầu xây dựng, ở đâu có công trình là tôi có mặt ở đó, có thời điểm tôi dẫn dắt gần nghìn quân phân bố khắp các tỉnh từ Bắc đến Trung.

Càng nhiều công trình, tôi càng phải đi, đi liên tục. Ngày vợ đẻ, cũng không về nhà được. Mọi việc nhà phải thuê người giúp việc làm.

Vợ tôi làm việc làm cho một công ty gần nhà. Hai đứa con trai, vợ chồng tôi tạo điều kiện hết mức, ngoài việc học không phải làm bất cứ thêm một việc gì khác.

Bố mẹ nào cũng đều yêu thương, chiều con, nâng niu từng ngày, gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Sau mỗi chuyến công tác xa, tôi luôn dành thời gian tranh thủ đưa vợ con đi vui chơi một số nơi. Nghĩ lại ngày đó thấy thật hạnh phúc.

Các con tôi, vốn được chiều chuộng nên rất hiếu động, tinh nghịch, nhiều khi thấy chúng mải chơi quá khiến tôi phải quát mắng chúng mới chịu nghe. Không biết là có phải vì tôi hay quát mắng chúng không, mà mỗi lần tôi về nhà chúng thường nghe răm rắp, chẳng mấy khi quậy phá nữa.

Tất cả sự quan tâm đều đổ dồn về phía con nhưng con tôi lại “cấm khẩu”. Ảnh minh hoạ

Mỗi khi gia đình sum họp, các con thường quấn quýt bên mẹ nhiều hơn, (có lẽ do mẹ chiều chúng nó quá). Tôi cảm nhận một khoảng cách nào đấy mỗi khi bố con ngồi bên nhau nhưng vì công việc, tôi cứ lao đầu vào những công trình còn dang dở.

 

Những ngày con được nghỉ hè, vợ chồng thường bàn bạc với nhau đưa các con về quê nội chơi. Ông, bà, chú, thím mong ngóng mừng ra mặt, ai cũng muốn lại gần cháu để trò chuyện. Tôi bảo vợ cho con ở lại chơi với ông bà một thời gian, vợ ban đầu lưỡng lự rồi cũng đồng ý.

Hai vợ chồng trở về thành phố, tôi dự định sẽ đi Nghệ An để nhận công trình thì ông bà báo tin, cháu tôi khóc thét cả ngày đòi về, dỗ dành thế nào cũng không chịu nghe. Tôi hiểu, con chỉ thích được ở bên mẹ. Việc công tác phải hoãn lại, tôi về quê đón con mà không khói ái ngại.

Chẳng mấy chốc, hai đứa con tôi đã cao lớn lêu nghêu. Điều dễ nhận thấy là chúng càng lớn, càng trở nên ít nói. Những ngày giỗ, ngày tết, gia đình cùng nhau về quê nội. Cả dòng họ, mỗi khi gặp các con ai cũng ồ lên, khen con lớn nhanh như thổi. Tất cả sự quan tâm đều đổ dồn về phía con nhưng con tôi lại “cấm khẩu”.

Tôi là một người gốc quê, tôi thấu hiểu và trân trọng những tình cảm chân thật của những người ở quê. Tôi đỏ mặt, xấu hổ với họ hàng.

Vừa về đến nhà, tôi mắng vợ, quát con. Cả 3 mẹ con đều im lặng. Con tôi không cãi nửa lời nhưng cái sự im lặng ấy khiến tôi thấy lo sợ.

Và đau khổ đã thực sự đến, khi tôi đang mải mê với mớ công trình thì con gọi điện, mẹ nằm viện, bố về ngay. Mọi thứ trở nên rối bời, tôi lao về.

Khi gặp riêng bác sĩ cũng là lúc tôi giật mình. Vợ bị ung thư đại tràng. Tôi không tin và không bao giờ có thể tin, vợ tôi khỏe mạnh, không ốm đau, đề nghị bác sĩ khám lại và tôi thực sự tuyệt vọng.

Duy trì được hai năm, dùng không biết bao nhiêu những loại thuốc đắt tiền (ngay cả thuốc phiện để giúp vợ giảm cơn đau), những thứ mà nhiều bệnh nhân khác không có, nhưng vợ tôi vẫn không thể khỏe lại. Từ một người to lớn vợ tôi quắt lại còn khoảng hơn 30 kg. Trước khi vợ ra đi có dặn tôi em gửi hai con lại, anh hãy chăm sóc cho con trưởng thành.

Tôi ôm vợ khóc nấc.

Vợ tôi được mai táng tại quê. Mỗi lần về tôi đều đưa các con ra thăm mộ mẹ.

Nhà chỉ còn lại 3 bố con, đến bữa tôi thường nấu cơm cho con ăn, nấu những món mà mẹ chúng thường ngày vẫn nấu. Nhưng tính con tôi vẫn không thay đổi. 

Tôi lại tiếp tục vào công trình chất đống.

Đúng 3 năm sau, xây cất cho vợ được mồ yên mả đẹp, tôi lấy vợ hai.

Về phía con tôi, sau khi thi Đại học không đậu thì tôi xin cho làm việc tại một công ty máy tính. Con trai út đang chuẩn bị thi vào lớp 10.

Thiếu vắng tiếng người. Ở nhà các con không nói chuyện với bố, đến bữa gọi mỏi mồm mới xuống ăn cơm. Ảnh minh hoạ

Chúng tôi luôn cố gắng để gia đình được ấm cúng nhưng tôi thất vọng. Các con tôi không chấp nhận và mãi mãi không bao giờ chấp nhận một người mẹ thứ hai. Gần 5 năm qua, sống chung một mái nhà, chúng chưa một lần gọi mẹ, thay vào đó là cách xưng hô cô, cháu.

Năm nay tính cả tuổi mụ, con lớn đã 24 tuổi, con út 16 tuổi. Đi làm về chúng chạy lên gác. Rất hiếm khi tôi thấy chúng và vợ tôi ngồi với nhau một lúc, dù tôi luôn cố gắng tạo điều kiện.

Ngôi nhà đầy đủ tiện nghi thiếu vắng tiếng người. Đến bữa vợ chồng phải gọi mỏi mồm mới xuống ăn cơm. Ngồi chưa ấm chỗ, chúng buông bát.

Mấy tháng nay, con tôi không làm việc cho công ty đó nữa, cả ngày chỉ có ăn ngủ, và đi chơi. Tôi gặng hỏi thì con bảo đang chờ việc.

Cả buổi ở nhà, con không nói với bố câu nào, bố hỏi gì thì con trả lời. Tôi vừa thương và trách con khi thấy các con càng lớn càng thờ ơ với mình.

Đỗ Việt (ghi theo lời kể của bác Đỗ Văn Hiến, Hà Đông, Hà Nội)

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Trân Tiến -

Trân Tiến
<p>Tôi không có nhiều kinh nghiệm, nhưng tôi nghĩ, đối với con trai, bố phải là người bạn thực sự của con ngay từ lúc con còn nhỏ. Tình bạn tạo nên mối quan hệ gần gủi, công bằng và tin cậy. Nhiều khi tôi phải "cưa sừng làm nghé" mà là "nghé con" nữa. Chơi đùa, cãi nhau, giành giật đồ chơi...và bày trò nghịch ngợm nữa. Tất nhiên khi con sai trái thì nghiêm khắc nói với con là "không được" và giải thích rõ ràng.<br />

Đây có thể là một diễn đàn hay. Các bạn trẻ "teen" hãy vào đây nói cho các bậc phụ huynh biết các ứng xử đi nào.</p>

Trần Tấn Trọng -

Trần Tấn Trọng
<p>Tôi chia sẻ với bác Hiến, con trai tôi lúc nhỏ cũng ríu rít với tôi mà càng lớn nó lại càng xa lánh tôi. Mọi chuyện nó đều nói với bạn thân nó chứ không nói với tôi. Tôi rất buồn.</p>

Nguyễn Loan -

Nguyễn Loan
<p>Tôi cũng có một người chồng bận công việc, bận bạn bè, bia bọt, thể thao. 20 năm chung sống, lời nói với vợ con lúc nào cũng tằn tiện, nụ cười cũng hiếm hoi. Bữa cơm các con phải im lặng cho bố xem thời sự. Ăn xong mỗi người tản 1 nơi, con học, bố hút thuốc, xem TV. Có cho ngồi cùng nhau cũng không biết nói với nhau cái gì, bắt đầu từ câu nào. Vậy nên sau 20 năm các con vẫn kiệm lời với bố. Còn bố thi thoảng có mở lời với con thì chỉ thấy toàn câu hỏi. Lũ trẻ chúng tinh lắm, thấy anh cái gì cũng hỏi nó sẽ nghĩ là anh vô tâm vô tình. Có nói cũng vô ích, nên chúng im lặng. Anh hãy nghĩ xem mình đã cười sảng khoái với các con lần cuối là khi nào? Có bao giờ nó ghen tị vì nụ cười bố cười với bạn bè hào phóng hơn nhiều khi cười với con cái không?</p>

Nam -

Nam
<p>Thật khó có thể làm tốt được cả 2 công việc gia đình và xã hội. Nhưng xét cho cùng gia đình vẫn là tổ ấm, là động lực duy nhất để mỗi người có thể làm tốt được vai trò của xã hội, dù ở bất cứ cương vị, vị trí công việc nào. Theo tôi bác Hiển lúc này, cần có 1 cuộc nói chuyện ân tình, cởi mớ cùng các con, chia sẻ nỗi niềm của mình và mong các con hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của mình!j</p>

Hiển thị thêm bình luận