Hội thảo “Bổ sung vitamin - Sống khỏe mỗi ngày“

Google News

(Kiến Thức) -  Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng và Bác sĩ dinh dưỡng Lê Thị Hải đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích về vai trò của vitamin đối với sức khỏe và tư vấn cách bổ sung vitamin tiện lợi, hiệu quả nhất.

Trong hoạt động sống của cơ thể con người, vai trò của các loại vitamin là vô cùng quan trọng. Vitamin đóng vai trò chuyển hóa chất dinh dưỡng thành năng lượng thiết yếu để con người hoạt động.
Cơ thể con người chúng ta không thể tự tổng hợp vitamin mà phải bổ sung từ thực phẩm hàng ngày. Nhưng nguồn vitamin từ các thức ăn hàng ngày như động vật: gan, cá, trứng, sữa... và từ nguồn thực vật như ngũ cốc, rau, trái... không bao giờ đủ bởi thói quen ăn uống và một số nguyên nhân khách quan khác như tác động của môi trường, quy trình chế biến… đã làm mất hết hàm lượng vitamin có trong thực phẩm.
Cùng với những hạn chế đó, cuộc sống hiện đại bận rộn khiến nhiều người không có đủ thời gian để bổ sung vitamin đầy đủ qua việc ăn uống thông thường. Nhu cầu về một cách thức bổ sung vitamin tiện lợi hơn, hiệu quả hơn thực sự là một thử thách đối với các nhà chế biến thực phẩm, dinh dưỡng.
Trước thực tế đó, Báo Điện tử Kiến Thức tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Bổ sung vitamin - Sống khỏe mỗi ngày” nhằm cùng các chuyên gia, bác sĩ dinh dưỡng cung cấp đến độc giả những thông tin, kiến thức chính xác về vitamin và vai trò của vitamin đối với sức khỏe con người, đặc biệt là tư vấn cho độc giả các cách nhận biết, lựa chọn và bổ sung vitamin tiện lợi mà hiệu quả nhất.
Tham gia hội thảo có:
- Giáo sư Nguyễn Lân Dũng – Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam
- Ts.Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế
- Bác sĩ Lê Thị Hải - Trưởng phòng khám Dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Dưới đây là nội dung cuộc hội thảo: 
 Tổng biên tập Báo Điện tử Kiến Thức chào đón 3 vị khách mời.
MC Biên Thùy: Thưa các vị khách mời, xin được bắt đầu giao lưu với GS. Nguyễn Lân Dũng!
Thưa GS. Nguyễn Lân Dũng, bạn Hoàng Thảo ở địa chỉ Thanh Xuân, Hà Nội vừa gửi tới đường dây nóng Báo điện tử Kiến Thức một câu hỏi:
Xin chào chương trình, tôi thường xuyên nghe nói về vitamin và sự quan trọng của vitamin đối với sức khỏe con người. Xin GS cho biết có tất cả bao nhiêu loại vitamin? Những loại nào quan trọng nhất đối với con người? Tác dụng chính của vitamin là gì?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Trước hết phải định nghĩa vitamin là gì? Theo thế giới, vitamin là hợp chất hữu cơ rất cần thiết, cần cho hoạt động bình thường của con người. Có nhiều loại vitamin, chúng khác nhau về bản chất hóa học và tác dụng. Hiện nay có 18 loại vitamin: B1, B2, B12, D4, D5, E... Chia thành 2 nhóm: nhóm 1 là những vitamin tan trong nước và nhóm 2 là vitamin tan trong dầu. 
Vitamin rất cần thiết nếu không có nó thì không đảm bảo cho cơ thể sống.
MC Biên Thùy: Bác Lan ở Thụy Khuê, quận Tây Hồ, đặt câu hỏi với BS Lê Thị Hải: Xin bác sĩ cho biết nếu thiếu vitamin, con người có thể mắc bệnh hay không, là những bệnh gì và biểu hiện cụ thể ra sao?
BS Lê Thị Hải: Vitamin là hợp chất hữu cơ, cơ thể chúng ta chỉ cần một lượng nhỏ nhưng nếu thiếu vitamin chắc chắn sẽ gây bệnh. Và, tùy từng mức độ thiếu nặng hay nhẹ mà gây ra nhiều bệnh.
Các bệnh hay gặp do thiếu vitamin gồm:
Thiếu vitamin B1: Dấu hiệu ăn không ngon, người mệt mỏi. Có thể gây phù, suy tim, nặng có thể gây tử vong trẻ em.
Thiếu vitamin C: Dấu hiệu nhận biết là chảy máu xuất huyết, gây tình trạng mệt mỏi, suy giảm miễn dịch.
Thiếu vitamin B3: có những biểu hiện trên da như bong da, nặng có thể gây rối loạn tâm thần.
Thiếu vitamin A: Với người lớn thì mắt mờ, quáng gà, nặng hơn là khô giác mạc, mù lòa. Với trẻ em thì chậm lớn, còi cọc.
Thiếu vitamin D: các cháu nhỏ mắc bệnh còi xương, người lớn thì mắc bệnh loãng xương.
Như thế có thể thấy vai trò của các loại vitamin là rất quan trọng.
MC Biên Thùy: Thưa tiến sỹ Lâm Quốc Hùng, bác Bích Hằng ở Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, xin gửi đến chương trình một ý kiến để trao đổi: Với điều kiện kinh tế như hiện nay, chúng ta đều ăn uống rất đầy đủ, nhưng tại sao vẫn thiếu vitamin?
TS. Lâm Quốc Hùng: 
Vitamin có tác dụng với quá trình tiêu hóa, giúp quá trình chuyển hóa, đồng hóa, dị hóa, một quá trình cần nhiều men (enzyme). Vitamin là thành phần quan trọng tạo nên các men đó. Nó tạo ra những “con dao” sinh học. Bản thân chúng ta không thể tự hấp thụ các thực phẩm này được (lipit, protit…) thông qua men để hấp thu chất dinh dưỡng. Nó cũng tham gia vào quá trình cấu trúc cơ thể.
Trước kia khi chúng ta còn thiếu thốn, thức ăn không đủ, chúng ta thiếu chất sinh năng lượng, và đặc biệt là thiếu vitamin và khoáng chất. Điều này chúng ta có thể nhìn hoặc không nhìn thấy
Đời sống hiện đại không thiếu đồ ăn nhưng vẫn thiếu vitamin. Điều này phải xét đến quy luật cung cầu. Cung tuy đủ (vitamin trong thực phẩm, thực phẩm bổ sung , vitamin uống trực tiếp có thể có đủ) nhưng chưa chắc cơ thể chúng ta đã hấp thu được. Ngoài ra, phải tính đến lượng vitamin thực sự đi vào trong đường tiêu hóa của chúng ta.
Trong đời sống hàng ngày hiện nay, nhu cầu được gia tăng trong các quá trình hoạt động của cơ thể.
Trong khi đó, thức ăn tuy nhiều nhưng vitamin bị mất trong quá trình bảo quản, chế biến món ăn. Chẳng hạn nấu thức ăn hầm kỹ, mở vung thì vitamin cũng giảm ít nhất từ 40-60% trong thực phẩm. Quá trình rán, nướng cũng khiến vitamin bị mất. Hay khi bảo quản không đúng cách vitamin trong nguyên liệu cũng bị mất bớt.
Các khách mời đang giao lưu 
MC Biên ThùyThưa quý vị khách mời, qua đường dây nóng của Báo điện tử Kiến Thức độc gia Nguyễn Văn Tân 69 tuổi và Trần Ngọc Thúy 75 tuổi có hỏi: Nhu cầu Vitamin của cơ thể là thế nào, tác hại của việc thiếu và thừa vitamin? Loại vitamin nào giúp chống lại mỡ máu, huyết áp và nhồi máu cơ tim.
TS. Lâm Quốc Hùng: Vai trò của vitamin rất quan trọng. Với mỗi người có khả năng tích lũy, bảo tồn và dự trữ vitamin trong cơ thể rất khác nhau. Hầu hết các loại vitamin đều yêu cầu phải bổ sung hàng ngày. Nếu ta cung cấp nhiều hơn thì cơ thể sẽ không hấp thu, sử dụng hết và phải đào thải. Nếu cung cấp ít hơn thì cơ thể buộc phải sử dụng nguồn vitamin được dự trữ trong cơ thể và dẫn tới tình trạng thiếu vitamin. Vì thế ta vẫn cần bổ sung hàng ngày.
Kho lưu trữ vitamin trong cơ thể tập trung trong gan, tôi đơn cử nếu tính toán theo lý thuyết Vitamin B12 cơ thể một ngày chỉ cần 1mcr gam. Nếu cơ thể ta dữ trự được thì trong 30 năm không cần cung cấp thêm vitamin B12. Nhưng cơ thể người cần rất nhiều loại vitamin và vi chất khác nhau.
Liên quan đến nhu cầu vitamin của cơ thể. Hiện tại bộ Ytế đã đưa ra một bảng thống kê về các loại vitamin lượng vitamin đó cần cho cơ thể là bao nhiêu và được cung cấp nhiều trong loại thực phẩm nào các bác có thể tìm và tra tỉ mỉ từng loại vitamin.
Nhu cầu vitamin của cơ thể phụ thuộc theo lứa tuổi, theo thời gian, theo giới tính, nhu cầu hoạt động của con người và môi trường.
Vitamin có chức năng rất quan trọng, tham gia vào quá trình cấu trúc men để tạo ra năng lượng cho cơ thể, tham gia vào quá trình sinh hóa, liên quan tới cấu trúc của cơ thể chính vì thế vitamin sẽ thay đổi theo từng lứa tuổi.
Đối với người cao tuổi thì Vitamin đặc biệt cần thiết và quan trọng với cơ thể. chính vì thế việc bổ sung vitamin hàng ngày cho người trên 50 tuổi là việc làm thiết yếu để nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng chống lại sự lão hóa của cơ thể, giúp cơ thể phòng ngừa, chống lại các dấu hiệu bệnh tật.
Theo xu hướng phát triển của cơ thể thì càng nhiều tuổi tốc độ dị họa sẽ diễn ra nhanh, khi đó da, tóc, cơ, xương sẽ bị dị hóa rất nhanh. C chính vì thế cần cung cấp vitamin để ức chế quá trình dị hóa.
Các vitamin nhóm C, D, E, K đều rất cần thiết và có tỉ lệ khác nhau. Sự thiếu hụt vitamin liên quan đến sự cung cấp vitamin đó cho cơ thể của người đó như thế nào. Nếu chúng ta bổ sung nhiều vitamin trong thức ăn thì lượng vitamin của chúng ta thiếu ít thì lượng vitamin chúng ta cần bổ sung ít. Còn nếu chung ta cung cấp ít thì cần sử dụng những loại vitamin bổ sung nhiều và thường xuyên hơn.
Mỗi người để biết phải bổ sung gì với lượng bao nhiêu thì cần có một tính toán cụ thể chứ không có một công thức chung cho tất cả mọi người.
Bác sĩ Lê Thị Hải: Nói về nhu cầu vitamin với người gia thì nhu cầu của họ cần cao hơn so với người trẻ. Vì ở lứa tuổi cao khả năng tiêu hóa hấp thụ thức ăn kém hơn nhiều nên cần bổ sung vitamin nhiều hơn.
Nhưng vitamin thiết thực, rất cần thiết và có những ảnh hưởng trực tiếp tới sức của người gia là Vitamin A, D và C, E.
Vitamin A: Rất cần thiết cho các hoạt động của mắt, nó được dùng trong việc phòng và điều trị các bệnh quáng gà, giảm thị lực ở người cao tuổi.
Các vitamin nhóm B: Giúp cơ thể tăng sức đề kháng trong các bệnh viêm nhiễm, bệnh gan, loét dạ dày tá tràng, đái tháo đường.
Vitamin C: Có tác dụng tăng cường sức đề kháng, chống lão hóa, chống đục thủy tinh thể ở người cao tuổi, ngăn ngừa bệnh tim mạch, tăng sức bền mạch máu.
Vitamin D: Có vai trò quan trọng trong việc phòng và điều trị bệnh nhuyễn xương, loãng xương ở người già.
Vitamin E: Có tác dụng chống lão hóa rất tốt, chống lại nguy cơ gây bệnh thần kinh ngoại biên, viêm võng mạc...
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. 
Khán giả Nguyễn Ngọc Khoa (thày thuốc đông y ở Bắc Ninh): Thưa GS Nguyễn Lân Dũng, xin cho biết bảo quản vitamin thế nào thì thích hợp? (để trong tủ lạnh? Hay để tủ kính?) Ở tuổi già, uống vitamin thế nào cho hợp lý? Có nên uống nhiều vitamin không? Vitamin tốt thế thì những người mới ốm dậy uống nhiều có được không? Bệnh nhân tiêu chảy uống thêm vitamin có được không?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Trong chế biến, vitamin C bị hao hụt rất nhiều. Trong khi chế biến rau, nên sử dụng cách rửa xong mới cắt chứ không làm ngược lại sẽ mất vitamin. Lưu ý, ngâm rau lâu quá cũng hao hụt vitamin. Chúng ta không nên ngồi lâu quá với máy tính cũng làm mất vitamin. Uống rượu cũng ảnh hưởng rất nhiều tới việc thiếu vitamin B, gây ảnh hưởng gan. Hút thuốc lá cũng làm hao hụt vitamin C. Tập luyện quá mức cũng khiến thiếu vitamin.
Chúng ta nên ăn đủ các loại để cung cấp đầy đủ vitamin cho cơ thể. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng phụ nữ bổ sung quá nhiều vitamin C. Điều này không tốt, có thể ảnh hưởng sức khỏe. Nếu người dùng vitamin B hơn 1 gam sẽ buồn nôn, rối loạn tim mạch.
BS. Lê Thị Hải: Vitamin rất quan trọng nhưng chúng ta nên dùng đủ chứ không nên dùng thừa. Đối với những vitamin tan trong nước, nếu dùng nhiều quá thì sẽ bị loại thải ra ngoài, không gây ngộ độc. Nhưng với những vitamin tan trong dầu, nếu sử dụng nhiều quá sẽ gây ngộ độc. Nếu ngộ độc vitamin A sẽ gây đau đầu, khó chịu. Tình trạng ngộ độc vitamin A không chỉ ở người lớn mà còn ở trẻ em (gây vàng da ở gan bàn chân, bàn tay, quanh mũi). Tình trạng ngộ độc vitamin A cấp tính gặp ở người uống vitamin A liều cao. Nếu người già dùng vitamin B quá liều sẽ tăng canxi máu, đi tiểu nhiều, buồn nôn hoặc tiêu chảy.
Vitamin bảo quản ở ngăn mát của tủ lạnh sẽ tốt hơn nhiều so với bảo quản ở nhiệt độ thường.
MC Biên Thùy: Bác Hảo ở Tây Hồ chuyển tới TS Hùng câu hỏi:
Tôi muốn hỏi trong các loại thịt phổ biến như lợn, gà, bò... có chứa nhiều vitamin hay không? Vì những thực phẩm này đa phần phải đun kỹ nấu chín, liệu có ảnh hưởng đến hàm lượng vitamin hay không?
TS Lâm Quốc HùngBổ sung vitamin phải đảm bảo cân bằng giữa cung cầu của con người. Người ta phải tính toán theo khẩu phần ăn: người già, người trẻ, người bệnh. Khẩu phần ăn ngoài phần năng lượng còn có khẩu phần ăn về vitamin. Đích cuối cùng là phải tìm được lượng vitamin thực sự còn lại đi vào đường tiêu hóa. Chẳng hạn với thịt lợn, thịt bò, thịt gà… chúng ta phải biết thực phẩm ta dùng ở tình trạng nào: mới hay đã giết mổ, bảo quân lâu rồi hay chưa được bảo quản. Lượng vitamin trong thịt bò, thịt gà, thịt lợn…khi đến tay người tiêu dùng phụ thuộc vào việc thực phẩm này được chế biến thế nào: ngâm rửa, hầm, ninh, chiên…Sự thay đổi lượng vitamin trong thực phẩm phụ thuộc nhiều vào cách thức chế biến. Các vitamin tan trong dầu trong các loại thịt này ít bị ảnh hưởng khi chế biến thông thường (trừ nướng, chiên…).
 
Khán giả Nguyễn Tài Hồng: Tôi có 3 câu hỏi cho bác sĩ Lê Thị Hải:
Một là, có người nóng trong, phát nhiệt ở miệng, lưỡi, ngoài uống vitamin C có thể uống gì khác để chữa bệnh này?
Hai là, chế độ ăn uống của các cụ thường không đầy đủ chất, có thể uống vitamin tổng hợp, thường xuyên được không?
Và, thứ ba, trẻ em muốn tăng chiều cao thì có thể uống loại vitamin nào?
BS Lê Thị Hải: Nhiệt, nóng trong người, trẻ em mọc mụn nhọt... ngoài vitamin C, còn có thể do thiếu vitamin B12. Loại vi tamin này có trong thức uống như rau má, bông mã đề, atiso... Nhưng quan trọng hơn cả là phải uống đủ nước hàng ngày, ăn nhiều rau xanh, hoa quả tránh gây táo bón.
Về việc bổ sung vitamin trên thế giới chia ra hai trường phái. Ở Mỹ, thường bổ sung hàng ngày. Nhưng riêng ở Nhật Bản lại không cho việc này quan trọng, họ cho rằng chỉ nên bổ sung vitamin bằng việc ăn uống đầy đủ.
Theo tôi thì nếu chúng ta ăn đa dạng các loại thức ăn, quả tươi thì không nên dùng vitamin tổng hợp nữa. Chỉ nên dùng vitamin sau chấn thương, ốm, mệt mỏi không ăn uống hấp thu được và việc bổ sung vitamin với liều lượng như thế nào cần theo sự tư vấn của bác sĩ, dùng quá nhiều không tốt cho sức khỏe.
Thứ ba, liên quan tới vấn đề phát triển chiều cao trẻ em thì chúng ta cần hiểu được những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển chiều cao bao gồm: dinh dưỡng (30%), di truyền (30%), luyện tập thể dục thể thao (30%). Cũng có một số loại vitamin góp phần làm tăng phát triển chiều cao: vitamin D, vitamin A, kẽm, sắt, canxi... Các bậc phụ huynh cần có chế độ ăn cân đối, chú ý giấc ngủ...
Khán giả chăm chú nghe các chuyên gia tư vấn, trao đổi. 
Khán giả Nguyễn Thị Bảo (Chủ tịch Hội Phụ nữ Thụy Khê, Tây Hồ đặt câu hỏi): Gia đình tôi thường mua nhiều trái cây hàng ngày. Chúng tôi cũng thường xay, ép hoa quả tươi để lấy nước uống. Nhưng nếu ép hoa quả tươi có bị mất nhiều vitamin hay không ?Chúng ta có nên ăn cả xác của hoa quả tươi hay không?
Đối với phụ nữ tuổi trung niên hay bị viêm khớp, thấp khớp cần bổ sung loại vitamin nào?
BS Lê Thị Hải: Hoa quả tươi là nguồn cung cấp vitamin chính hàng ngày vì rau xanh qua chế biến thường bị hao hụt phần lớn vitamin. Do đó, ăn nhiều hoa quả là rất cần thiết, đặc biệt đối với người trung tuổi và cao tuổi. Việc xay, ép hoa quả tươi để lấy nước uống không làm hao hụt đi nhiều vitamin. Vitamin trong hoa quả tươi sau khi ép gần như còn nguyên nếu khi vừa xay, ép xong chúng ta uống luôn. Nếu bảo quan trong vài tiếng hoặc để sang ngày hôm sau mới uống, vitamin trong nước ép hoa quả sẽ bị hao hụt.
Nếu ăn được cả bã của hoa quả tươi còn lại sau khi ép lấy nước càng tốt vì sẽ cung cấp thêm chất xơ.
Người mắc bệnh thoái hóa khớp nên bổ sung vitamin nhóm B như B1, B12.
MC Biên Thùy: Chị Diệu Thúy ở TP.HCM có hỏi: Các loại hải sản tôm, cua, cá, rau xanh có những loại vitamin gì? Cần chế biến các loại thực phẩm đó như thế nào để giữ được vitamin?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Các loại hải sản tôm cua cá nghêu sò ốc hến có nhiều vitamin B12. Những người ăn chay thường xuyên không sử dụng các loại thịt cá thì thường xuyên bị thiếu B12. Trong tôm, cua, cá có rất nhiều Vitamin A và D.
Còn với các loại rau hoa quả thì: Hoa quả có màu vàng chuối, cam, xoài, quýt, đu đủ... thì chứa rất nhiều Vitamin D.
Hoa quả có màu đỏ hồng, dưa hấu, cà rốt, cà chua, lựu, bưởi đào... thì chứa rất nhiều Vitamin A
Để giữ được các loại vitamin trong thực phẩm cần chú ý một số điều sau khi chế biến:
Với rau khi nấu nên bỏ rau khi nước đã sôi vì bỏ ngay từ lúc nước lạnh sẽ mất đi phần lớn lượng vitamin. Cụ thể, khoai tây bỏ vào nước lạnh mất tới 40% vitamin C, trái lại khi bỏ vào nước đã sôi chỉ mất 10%.
Thời gian nấu không nên quá dài và nhiệt độ quá cào làm thực phẩm mất đi nhiều vitamin quan trọng. Tốt hơn, chỉ nên hấp chín thực phẩm để giữ được nhiều vitamin. Đun nấu càng nhanh với nhiệt độ càng thấp thì càng tốt, đậy nắp để tránh ôxy hóa và bay hơi.
Khán giả Nguyễn Thanh Minh: Hiện giờ chúng ta đang sống trong thời buổi chất bảo quản quá nhiều, chúng ta nên lựa chọn thức ăn thế nào để hạn chế chất bảo quản? Khi mua hoa quả về, chúng tôi rất sợ có chất bảo quản, tôi để lâu có hả bớt chất bảo quản đi không?
GS Nguyễn Lân Dũng: Thứ nhất, chúng ta nên dùng hoa quả Việt Nam bởi Việt Nam có rất nhiều loại hoa quả nhiệt đới. Những thứ hoa quả nước ta đã có như cam, quýt... thì không nên nhập khẩu nữa.
Còn một số loại hoa quả ôn đới thì tôi nghĩ các cơ quan quản lý việc nhập các loại quả này từ những nước đang phát triển, đưa vào những cửa hàng hoa quả nhập khẩu cần kiểm tra kỹ.
Khi mua các loại quả về, bỏ gói hoa quả ra xong, mọi người phải rửa đi mới được ăn chứ không được ăn luôn.
BS Lê Thị Hải: Về mâu thuẫn ngâm để bỏ hóa chất với việc bảo tồn vitamin thì chúng ta không nên ngâm lâu các loại hoa quả để tránh bị mất vitamin, nên rửa nhiều lần dưới vòi nước.
Các loại quả mua về mà để rất lâu không hỏng, thì không nên ăn nữa.
 Bác sĩ Lê Thị Hải và Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng.
MC Biên Thùy: Bác Nguyễn Đức Thành, thành viên hội xe Đông Đô, Hà Nội muốn hỏi TS Lâm Quốc Hùng: Vitamin dạng thuốc khác với vitamin thực vật như thế nào? Người cao tuổi nên mua và bổ sung loại vitamin nào?
TS Lâm Quốc Hùng: Vitamin là hợp chất hữu cơ, những thành phần vitamin có trong vitamin dạng thuốc và vitamin trong thực vật không có gì khác nhau. Các khác đó là tỉ lệ vitamin có trong thực vật và vitamin dạng thuốc.
Trong các loại vitamin dưới dạng thuốc, thực phẩm chức năng: Thì vitamin đã được tổng hợp chiết xuất từ tự nhiên, cô đọng lại nên có những loại vitamin có hàm lượng rất cao. Nếu chọn bổ sung vitamin bằng vitamin dạng thuốc cần thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sĩ, cũng như quy định về liều lượng cho từng lứa tuổi cho phù hợp.
Với người già lượng vitamin đưa vào cần tính toán theo sự đòi hỏi của cơ thể về từng loại vitamin đang thiếu.
Các cụ nên ăn các loại thức ăn mềm, thực ăn dễ tiêu hóa, dễ hấp thụ vitamin hơn. Nên bổ sung đạm trong cá hơn là thịt vì đạm trong cá dễ tiêu hóa hơn rất nhiều. Còn cụ thể nên bổ sung vitamin nào, với liều lượng bao nhiều thì chưa thể trả lời cụ thể được. Vì nhu cầu của mỗi người khác nhau, rồi với những người bị tiểu đường, dạ dày, mỡ máu cũng cần một chế độ khác. Vì thế tôi chưa thể trả lời cụ thể cho bác được.
Khán giả: Làm thế nào để bổ sung vitamin đầy đủ cho trẻ nhỏ? Lượng vitamin trẻ em có cần nhiều hơn người lớn không? Chế độ ăn uống như thế nào tốt nhất cho trẻ em đủ vitamin khoáng chất?
BS. Lê Thị Hải: Không những trẻ em mà ngay cả người lớn, chúng ta càng ăn được nhiều loại bao nhiêu thì càng cung cấp đầy đủ các loại vitamin bấy nhiêu. Ăn đa dạng thực phẩm là cách bổ sung vitamin tốt nhất. Đối với trẻ nhỏ, ăn sữa mẹ là cách cung cấp đầy đủ vitamin đầy đủ nhất. Khi trẻ bước vào thời kỳ ăn dặm, cần cho trẻ ăn đầy đủ các loại thức ăn như đối với người lớn, cần cho trẻ ăn bột gạo, ăn nhiều đạm, rau và các loại hoa quả...
Với trẻ nhỏ, nhu cầu vitimin theo cân nặng thì cần nhiều hơn người lớn, tính theo giá trị vitamin đưa vào thì thấp hơn. Riêng vitamin D nhu cầu ngang bằng với người lớn
Cách ăn uống khôn ngoan nhất là ăn đa dạng các loại thực phẩm. Bữa ăn tốt là cân bằng, nhiều loại chất dinh dưỡng bổ sung vitamin tốt nhất. Các cháu bé cần ăn đủ các nhóm chất dinh dưỡng: đạm, chất béo, chất xơ... và chúng ta không cần phải bổ sung thêm. Chỉ khi ốm, sốt có những biểu hiện thiếu mới cần bổ sung vitamin.
MC Biên ThùyNhân bàn đến các cách bổ sung vitamin trong thời buổi hiện đại và bận rộn, có khá nhiều người tiêu dùng gửi đến cho ban tổ chức chúng tôi những câu hỏi thú vị. Xin hỏi:
Tôi thấy có một số hãng sản xuất nước giải khát đã nổi tiếng với các dòng nước giải khát từ thảo mộc hoặc nguyên liệu tự nhiên của riêng mình rồi, vậy tại sao các công ty lại chuyển hướng cho ra đời dòng sản phẩm bổ sung vitamin? Phải chăng vấn đề ăn uống thiếu hụt vitamin hiện nay đã là mối lo ngại đối với chất lượng cuộc sống của đa số người dân?
TS Lâm Quốc Hùng: Điều quan trọng là tính khẩu phần ăn cho từng nhóm đối tượng, bao gồm khẩu phần ăn về năng lượng (đạm, đường, chất béo), về vi chất, (vitamin, chất khoáng…)
Thói quen ăn uống của người dân từng nước khác nhau nên việc dùng vitamin cũng khác nhau. Chẳng hạn người Mỹ, họ ăn chủ yếu là đồ ăn nhanh, ít rau xanh, họ cần ăn vitamin để bổ sung chất xơ, vi chất và cả vitamin…Người Nhật ăn nhiều rau, củ quả, rong biển… nên không cần bổ sung nhiều như người Mỹ. Khi trong ăn uống đã có đầy đủ vitamin thì không cần phải bổ sung thêm vitamin.
Có nhiều cách bổ sung vitamin vào cơ thể: đưa trực tiếp vào cơ thể, vào thực phẩm, vào nước uống…(bổ sung sắt trong nước mắm, muối I-ốt trong gia vị…).
Vitamin bổ sung có dạng rắn. nước hay bổ sung theo dạng viên vitamin tổng hợp. Các nhà khoa học và nhà sản xuất phải tính toán đến liều lượng, cách thức bảo quản, hướng dẫn sử dụng. Người tiêu dùng có trách nhiệm phải tuân thủ những điều đó để đảm bảo được hàm lượng vitamin trong sản phẩm.
MC Biên Thùy: Thưa TS Hùng, thời gian gần đây, tôi nghe nói nhiều đến sản phẩm nước giải khát Number 1 vitamin, xin chuyên gia cho biết hàm lượng vitamin có trong sản phẩm này thế nào? Mỗi ngày nên uống bao nhiêu chai thì đủ cho nhu cầu vitamin của cơ thể? 
TS Lâm Quốc Hùng: Loại nước bác vừa hỏi đã được nhà sản xuất bổ sung một số vitamin thiết yếu, cần được bổ sung hàng ngày như C, B1, B3, B9,B12 và một số chất như Taurine, Inositol, có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Vì chứa vitamin nên những loại nước như vậy cần được bảo quản đúng cách để duy trì hàm lượng vitamin. Uống nước giải khát chứa vitamin như Number 1 Vitamin là cách bổ sung vitamin tiện lợi trong cuộc sống hiện đại và bận rộn hiện nay. Tuy tốt nhưng các bác cũng nên uống vừa, uống đủ theo nhu cầu cơ thể.
MC Biên Thùy: Thưa quý vị khách mời, chúng ta vừa được các chuyên gia, bác sĩ dinh dưỡng giải đáp những thắc mắc liên quan đến vai trò, giá trị của vitamin và tư vấn các cách bổ sung vitamin phù hợp với cuộc sống năng động, bận rộn. Hy vọng các thông tin này sẽ giúp các bạn có một sức khỏe tốt hơn và một cuộc sống chất lượng hơn.
Còn khá nhiều câu hỏi của khán giả và độc giả liên quan đến chủ đề hôm nay nhưng do thời lượng chương trình có hạn, chúng tôi sẽ gửi đến các bác sĩ và chuyên gia để trả lời quý vị và các bạn sớm nhất.
Xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia đã nhiệt tình tham gia và trả lời những câu hỏi, thắc mắc của quý độc giả báo điện tử Kiến Thức.
Xin trân trọng cảm ơn Nhà tài trợ - Tập đoàn Tân Hiệp Phát và nhãn hàng Nước giải khát Number 1 Vintamin đã cùng chúng tôi thực hiện chương trình này.
Xin cảm ơn quý vị khán giả. Xin hẹn gặp lại ở cuộc trò chuyện lần sau!
Kienthuc.net.vn