Hy hữu vết thương chiến tranh sau nửa thế kỷ

Google News

(Kiến Thức) - Khi đến bệnh viện, bác sĩ phát hiện các vết tĩnh mạch của bà đã to như những con lươn lớn, có những tiếng nhịp rung đập trên da vai, tay phải...

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vừa can thiệp nội mạch điều trị thành công cho nữ bệnh nhân N.T.T.M, (sinh năm 1953, ở Đồng Nai) bị dò động mạch – tĩnh mạch thượng đòn phải do vết thương chiến tranh. 
Bệnh nhân N.T.T.M đang giơ cánh tay phải có tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo trên da 
Bà M cho biết, năm 1968 bà bị một trúng đạn xuyên từ vai phải qua ức nhưng chỉ ra nhà thương băng vết thương cầm máu và do hoàn cảnh khó khăn, làm ruộng nên không đi khám bệnh. 
Khi đến bệnh viện, BS phát hiện tay bà M có tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo trên da, có tiếng thổi lớn, tạo nên các nhịp rung đập trên da vùng vai, cánh tay phải, mạch quay phải khó bắt. Siêu âm tim của bệnh nhân cho thấy bóng tim to và giãn buồng tim trái, chụp mạch máu vùng vai, tay phải cho thấy có sự thông nối động tĩnh mạch lưu lượng rất cao từ động mạch dưới đòn, có thể do các mảnh đạn làm tổn thương thành mạch, diễn tiến nhiều năm. 
Cận cảnh cánh tay phải có tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo trên da 
Nhận định đây là trường hợp khó, êkíp điều trị đã tiến hành hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước. BS đã quyết định chọn phương pháp can thiệp nội mạch gây tắc mạch lỗ thông nối. Ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ đồng hồ.
Theo TS.BS Cường, nếu không được điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ bị suy tim nặng có thể dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, nếu có sự va chạm tại chỗ hay với vết thương nhỏ vùng thông nối mạch máu sẽ có nguy cơ chảy máu dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
Thanh Thủy