Khó tin: Mũi mọc trên cánh tay người

Google News

(Kiến Thức) - Một doanh nhân người Anh 56 tuổi bị mất mũi do ung thư vừa được tái tạo một chiếc mũi thay thế bằng cách cấy nó trên cánh tay.

Các chuyên gia ở trường Đại học London cho biết, đây là trường hợp tái tạo mũi ở cánh tay đầu tiên trên thế giới. Nếu như chiếc mũi nhân tạo này phát triển tốt, nó sẽ được tách ra khỏi cánh tay và cấy trở lại khuôn mặt. Họ cũng hy vọng rằng chiếc mũi nhân tạo này sẽ có cảm giác về mùi giống như mũi thật.

Giáo sư Alex Seifalian, người đứng đầu ca điều trị đặc biệt này cho hay: “Chiếc mũi của ông ấy bị lệch về bên trái một chút và chúng tôi đã hỏi liệu ông ấy có muốn làm cho nó thẳng hơn không nhưng ông từ chối, ông ấy muốn nó giống hệt với cái cũ”.
 Mô hình tái tạo mũi trên cánh tay doanh nhân 56 tuổi người Anh.

Khuôn của chiếc mũi mới ban đầu được đúc từ thủy tinh, sau đó phun một loại vật liệu tổng hợp như tổ ong để tạo cơ sở cho các tế bào gốc bám vào và phát triển. Sau đó, các nhà khoa học tiến hành gỡ bỏ khuôn thủy tinh này, khuôn tổ ong sẽ được nuôi dưỡng bởi các tế bào gốc và chuyển thành các mô sụn của mũi.

Da trên cánh tay người đàn ông này sẽ được kéo dãn từ từ bởi một quả bóng nhỏ, sau đó bơm phồng lên đủ diện tích để chứa chiếc mũi nhân tạo.

Hiện chiếc mũi mới đang phát triển trên cánh tay, nó cũng chứa mạng lưới các dây thần kinh và mạch máu như lớp da từ cánh tay của ông này. Giải thích về lý do cấy mũi vào cánh tay, giáo sư Alex Seifalian cho hay: “Chúng tôi có thể tạo ra mũi nhưng không thể tự tạo ra da người”.
Giáo sư Alex Seifalian hi vọng có thể tái tạo lại cả khuôn
mặt trong phòng thí nghiệm


Sau khoảng thời gian ít nhất 3 tháng, chiếc mũi nhân tạo sẽ được tách khỏi tay và khâu lên khuôn mặt mà không để lại bất kỳ vết sẹo nào. 

Được biết người đàn ông giấu tên này đã bị cắt mũi do hoại tử vì căn bệnh ung thư tấn công.

Giáo sư Alex Seifalian hi vọng có thể tái tạo lại cả khuôn mặt trong phòng thí nghiệm dựa trên công nghệ này. Ông hy vọng công nghệ này sẽ có ích cho những người bị tai nạn giao thông và những binh sỹ bị thương trong chiến đấu.

Dự án này từng được phát triển tại Mỹ những năm 1990, thực hiện cấy ghép tai trên một con chuột. Tuy nhiên, dự án này đã thất bại nhưng các nhà khoa học đã rút ra được nhiều tiến bộ trong khoa học.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Cẩm Linh (Theo Dailymail)