Một người ngã xuống thì còn cả đội ngũ

Google News

(Kiến Thức) - Với chúng tôi, anh ấy đã ngã xuống, tuy không phải là một sự hi sinh cho chính nghĩa mà là một sự gục ngã của cám dỗ thì vẫn còn đó một đội ngũ. 

Trong thời gian vừa qua, báo chí liên tục có những bài viết thông tin khách quan về vụ việc tử vong tại thẩm mỹ viện Cát Tường do một bác sĩ của BV Bạch Mai gây nên và đã nhận được rất nhiều phản hồi từ phía độc giả. Xin trích đăng một số ý kiến của bạn đọc về vấn đề này.
BS. Thanh Huyền (ĐH Y Hà Nội): Là một bác sĩ, tôi sững sờ và cảm thấy rất đau lòng trước cách hành xử của BS. Tường với xác của bệnh nhân. Tôi còn nhớ mỗi khi đứng trước một thi thể, dù luôn phải kìm chế những cảm xúc nhưng chúng tôi đều tỏ ra hết sức trân trọng thi thể đó.
Họ đã chính thức từ biệt cõi đời này dù rằng bác sĩ đã cố gắng hết sức. Sự thiếu hiểu biết pháp luật trong phút giây nông nổi - đó là điều khó tha thứ, song tất cả hãy để cho pháp luật quyết định, đừng lấy đó để được thể hòng làm tổn hại sự thiêng liêng, danh dự và uy tín của ngành y chúng tôi. 
 
Với chúng tôi, anh ấy đã ngã xuống, tuy không phải là một sự hi sinh cho chính nghĩa mà là một sự gục ngã của cám dỗ thì vẫn còn đó một đội ngũ. Chúng tôi cũng có những giây phút hoang mang tự hỏi: Đâu rồi sự tôn nghiêm của ngành? Đâu rồi những chuẩn mực của ngành? Nhưng khi nhìn vào những đồng nghiệp vẫn tiếp tục miệt mài làm việc, bỏ qua những xì xào bên tai trong những ngày này thì tôi đã hiểu rõ, ngành y của chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn sự tôn nghiêm và chuẩn mực. Dư luận nên chăng hãy khép lại những phán xét để pháp luật thi hành quyền định đoạt.
Độc giả Nguyễn Văn Tuấn (từ Australia): Ngành nghề nào cũng có những con “cừu đen” và “cừu trắng” và những con cừu này không đại diện cho một quần thể. Ở Australia, có một bác sĩ gốc Ấn Độ từng gây ra cái chết cho hàng chục bệnh nhân. 
Ông trốn về Mỹ và sau này bị truy bắt về Australia. Báo chí Australiacũng có dịp gây ồn ào, nhưng không có bác sĩ Australia nào cảm thấy xấu hổ hay thấy ngành y bạc bẽo cả. Ở Argentina có bác sĩ kia nghe nói "giết" cả vài trăm bệnh nhân, nhưng ngành y đâu có ảnh hưởng gì. 
Trong khi ở Việt Nam, vụ bác sĩ thẩm mĩ phi tang thi thể nạn nhân lại dấy lên một làn sóng phê phán ngành y, điều đó là không công bằng. Ai làm sai thì người đó chịu trách nhiệm, chứ không thể vì một cá nhân mà gán ghép cho cả ngành...
anhlept@gmail.com: Càng theo dõi thông tin vụ bác sĩ phi tang xác bệnh nhân trên báo chí, tôi đang cảm thấy hoang mang khi ngành y càng ngày càng bị soi mói, “mổ xẻ” đủ đường chỉ vì những “con sâu làm rầu nồi canh”. 
Tất cả mọi người như trút tất cả sự bực dọc với những bất cập xã hội vào ngành y mà quên hết mọi cố gắng của các bác sĩ. Bác sĩ cũng là con người, cũng có những hỉ - nộ - ái - ố, cũng có gia đình với bộn bề lo toan của cuộc sống. Nghề nào cũng có người tốt, kẻ xấu, nếu cứ chăm chăm soi mói cái xấu thì ai dám chắc là cái tốt không bị triệt tiêu? Xã hội cần có một cái nhìn công bằng hơn.
BS. Minh Anh (dranh@yahoo.com): Y tế từ lâu luôn được coi là lĩnh vực “hot”, thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận bởi lẽ nó là vấn đề an sinh xã hội có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người. Nhưng cũng có một thực tế không kém phần phũ phàng là trong khi đội ngũ các y bác sĩ dồn sức cứu người thì chính họ lại bị hành hung, đập phá ngay tại BV. 
Hẳn dư luận chưa quên quãng thời gian được cho là khá u ám với ngành y khi hàng loạt các vụ côn đồ đại náo, hành hung bác sĩ tại chính nơi họ thực hiện việc cứu chữa người bệnh. Tôi nhớ có thời điểm, mỗi khi nhắc đến cụm từ “bác sĩ cấp cứu”, ai nấy đều lắc đầu ngán ngẩm nói rằng đó là nghề đi vào “cửa tử”. 
Quả thật, nghề y là nghề nguy hiểm, nhưng các y bác sĩ vẫn tự hào khoác trên mình chiếc áo blouse trắng để hồi sinh sự sống cho người bệnh, bất chấp hiểm nguy; vẫn có những con người ngày đêm âm thầm lo lắng cho bệnh nhân, miệt mài nghiên cứu những phương pháp điều trị mới... 
Đã có không ít y bác sĩ nói với tôi rằng, họ không ngần ngại làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, đầy rẫy những rủi ro nhưng cái họ mong muốn là xã hội hãy sẻ chia, là luật pháp hãy bảo vệ bởi họ không chỉ đơn thuần là người thầy thuốc mà họ cũng giống như bao người khác là những công dân hết sức bình thường trong cuộc sống.
sinhlt@fsb.edu.vn: Nghề y là 1 nghề gian nan - chắc phải can đảm và dũng cảm lắm mới theo đuổi nghề này đến cùng... Thực ra, những cái bất cập trong ngành y – nhất là vấn nạn phong bì như người ta vẫn nói - không phải là lỗi của những người bác sĩ. Nếu Nhà nước có chính sách lương và phúc lợi phù hợp với công sức mà bác sĩ đã bỏ ra, đảm bảo cho họ một cuộc sống đầy đủ đúng với tài năng của mình thì còn mấy ai cần phong bì làm gì...
Theo Sức khỏe đời sống