Nếu Hà Nội cách ly F1 tại nhà, người thân tự bảo vệ thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - CDC Hà Nội vừa có tờ trình gửi Sở Y tế Hà Nội về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tại nhà cho người tiếp xúc gần (F1) trên địa bàn.

Hà Nội đề xuất ban hành Hướng dẫn tạm thời cách ly F1 tại nhà
Mục đích của việc làm này là giảm tình trạng quá tải, nguy cơ lây nhiễm chéo tại các khu cách ly tập trung, đồng thời giảm chi phí, tạo tâm lý thoải mái cho người dân.
Theo hướng dẫn này, những người được áp dụng cách ly tại nhà gồm:
- F1 không cùng gia đình, phòng làm việc, bàn ăn với các ca bệnh xác định.
- F1 bắt buộc phải có người chăm sóc, hỗ trợ như trẻ dưới 12 tuổi, người tàn tật, phụ nữ sau sinh và cho con bú trong vòng 12 tháng.
- Người trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ F1 được cách ly cùng nhà với F1.
- Tất cả người sống trong một nhà đều là F1.
- Người đang cách ly tập trung đủ 7 ngày, có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR ngày thứ 7 âm tính với SARS-CoV-2.
- Cân nhắc điều kiện cách ly tại nhà và yếu tố nguy cơ với các F1 nguy cơ cao.
Neu Ha Noi cach ly F1 tai nha, nguoi than tu bao ve the nao?
Ảnh Internet 
Về thời gian thực hiện, các F1 đủ điều kiện sẽ cách ly y tế tại nhà trong 14 ngày liên tiếp kể từ thời điểm bắt đầu. Riêng người đã cách ly tập trung 7 ngày sẽ tiếp tục cách ly tại nhà thêm 7 ngày.
Sau thời gian này, các F1 sẽ theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày tiếp theo, đồng thời được lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 3 lần vào ngày 1, 7 và 14 và một lần ngày thứ 7 với F1 đã cách ly tập trung.
Nhận trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện sẽ là tổ COVID-19 cộng đồng, trạm y tế cấp xã/phường, UBND cấp xã/phường, trung tâm y tế quận/huyện/thị xã và CDC Hà Nội.
Đối với các F1 nguy cơ cao: F1 trong gia đình hoặc cùng phòng làm việc, cùng bàn ăn với trường hợp xác định thì Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cơ sở cân nhắc các điều kiện cách ly tại nhà và các yếu tố nguy cơ dịch bệnh để quyết định.
Theo thông tin từ Vietnamnet, Phó giám đốc CDC Hà Nội Lã Thị Lan nhấn mạnh, điểm lưu ý trong đề xuất của CDC là cụ thể hoá đối tượng F1 thuộc diện cách ly tại nhà. “Chúng tôi không gộp chung bởi chỉ cần có tiếp xúc qua cũng được xếp vào nhóm F1. Tuy nhiên, trong đó có những người có nguy cơ lây nhiễm cao, có người có nguy cơ lây nhiễm thấp. Vì thế chúng tôi phân loại kỹ, cụ thể đối tượng F1 nào có nguy cơ thấp thì cho cách ly tại nhà để giảm lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung, tạo tâm lý thoải mái cũng như giảm chi phí cho F1. Đồng thời sự phân loại rõ ràng này giúp cho các địa bàn không bị lúng túng khi thực hiện”, bà Lan nhấn mạnh.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội, cũng cho biết hiện nay, Hà Nội vẫn chưa cho F1 cách ly tại nhà. "Với vai trò là cơ quan chuyên môn, CDC Hà Nội đã xây dựng quy trình, hướng dẫn cách ly tại nhà sẽ được tổ chức thực hiện như thế nào. Khi UBND và Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo, CDC sẽ trình quy trình thí điểm cách ly F1 tại nhà”, đại diện CDC Hà Nội nói.
Neu Ha Noi cach ly F1 tai nha, nguoi than tu bao ve the nao?-Hinh-2
Người thân bảo vệ mình thế nào khi F1 cách ly tại nhà?
Trước đó, ngày 27/6, Bộ Y tế có văn bản cho biết Bộ đã xây dựng Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 cho các đối tượng thuộc diện F1 để UBND TP Hồ Chí Minh xem xét, áp dụng thí điểm trên địa bàn thành phố...
Theo đó, Bộ đã có hướng dẫn chi tiết về yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị; yêu cầu đối với người cách ly y tế tại nhà; yêu cầu đối với người ở cùng nhà; yêu cầu đối với cán bộ y tế; yêu cầu đối với UBND cấp xã, phường. Các yêu cầu này nhằm đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh lây lan, đảm bảo an toàn cho người cách ly y tế tại nhà cũng như người thân trong gia đình.
Cụ thể, đối với yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị:
Phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nếu nhà có nhiều tầng thì sử dụng một tầng riêng biệt để thực hiện cách ly y tế.
Cạnh phòng cách ly y tế phải có một phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện việc khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe (bố trí bàn, ghế, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn, thùng đựng chất thải lây nhiễm, thùng đựng chất thải sinh hoạt).
Phòng cách ly phải đáp ứng các yêu cầu: Phải đảm bảo khép kín, có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn (sau đây gọi tắt là dung dịch sát khuẩn tay). Có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng;
Trong phòng cách ly có thùng đựng chất thải, có màu vàng, có nắp đậy; mở bằng đạp chân, có lót túi màu vàng đựng chất thải lây nhiễm (khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng), có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”(còn được gọi tắt là thùng đựng chất thải lây nhiễm); thùng đựng chất thải sinh hoạt, có nắp đậy, mở bằng đạp chân và có lót túi màu xanh (sau đây được gọi tắt là thùng đựng chất thải sinh hoạt).
Hướng dẫn của Bộ Y tế lưu ý: Không được dùng điều hòa trung tâm. Có thể dùng điều hòa riêng. Đảm bảo thông thoáng khí, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ.
Trong phòng cách ly phải có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo để người cách ly tự giặt; Có chổi, cây lau nhà, giẻ lau, 02 xô và dung dịch khử khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường để người cách ly tự làm vệ sinh khử khuẩn phòng. Phòng cách ly phải được vệ sinh khử khuẩn hằng ngày.
Khu vực dành dành cho cách ly phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống lây nhiễm (khẩu trang y tế, găng tay y tế, giày, kính bảo hộ, quần, áo) để người nhà sử dụng khi bắt buộc phải tiếp xúc gần với người cách ly.
Bố trí bàn trước cửa phòng cách ly để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người cách ly. Nghiêm cấm không được mang đồ dùng, vật dụng của người cách ly ra khỏi nhà.

Mời quý độc giả theo dõi video: Phong tỏa Bệnh viện Phổi Hà Nội khi có 9 ca mắc COVID-19 mới | #COVID_19 #HÀ_Nội

Đối với người cách ly y tế tại nhà:
Bộ Y tế yêu cầu người cách ly tai nhà phải chấp hành nghiêm các quy định và thời gian cách ly y tế tại nhà; có cam kết với chính quyền địa phương: Không ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác. Không tiếp xúc với động vật nuôi...
Được bố trí suất ăn riêng;
Luôn thực hiện Thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định;
Cài đặt, bật và khai báo y tế hàng ngày trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone trong suốt thời gian cách ly;
Tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe và cập nhật hàng ngày trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone. Trường hợp không có điện thoại thông minh thì phải thông báo cho cán bộ y tế hàng ngày qua số điện thoại được cung cấp. Đặc biệt khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau rát họng, khó thở thì phải cập nhật ngay trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone và báo ngay cho cán bộ y tế. Trường hợp không thể tự đo thân nhiệt thì cán bộ y tế hoặc người chăm sóc, hỗ trợ (nếu có) sẽ đo cho người cách ly;
Không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt với người khác;
Tự thực hiện các biện pháp vệ sinh khử khuẩn nơi ở hàng ngày theo hướng dẫn: Hàng ngày bỏ khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng vào túi đựng chất thải, sau đó xịt cồn 70 độ để khử trùng và buộc chặt miệng túi, sau đó bỏ vào thùng đựng chất thải lây nhiễm ở trong phòng của người cách ly;
Các rác thải thông thường được bỏ vào thùng đựng rác thải sinh hoạt, buộc chặt miệng túi và đặt ra trước cửa phòng để thu gom hàng ngày;
Sau khi hết thời gian cách ly, phải thực hiện tiếp việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế người thuộc đối tượng F1 cách ly tại nhà phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 05 lần vào thời điểm ngày thứ nhất, ngày thứ 7, 14, 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách ly.
Đối với người ở cùng nhà:
Có cam kết với chính quyền địa phương và cùng ký cam kết với người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly; Không để người già, người có bệnh nền cần chăm sóc y tế ở cùng nhà với người cách ly;
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế nếu có điều kiện, tốt nhất là chuyển toàn bộ người ở cùng nhà không thuộc đối tượng phải cách ly sang ở nhà/khu vực riêng biệt khác. Nếu không chuyển sang ở nhà/khu vực riêng biệt khác thì người ở cùng nhà với người cách ly không được tiếp xúc với người xung quanh, không đi ra ngoài khi không cần thiết và phải ghi chép đầy đủ các mốc tiếp xúc trong thời gian có người cách ly tại nhà;
Nếu trường hợp F1 là trẻ em hoặc người già yếu, có bệnh nền cần người chăm sóc, hỗ trợ thì cho phép bố trí người chăm sóc, hỗ trợ cách ly cùng và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly phải có cam kết với chính quyền địa phương: Không tiếp xúc với người cách ly; Cung cấp suất ăn, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết riêng cho người cách ly hàng ngày;
Báo ngay cho cán bộ y tế khi người cách ly tự ý rời khỏi nhà hoặc có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như ho, sốt, đau rát họng, khó thở;
Thu gom rác thải sinh hoạt của người cách ly hàng ngày;
Không cho người khác vào nhà trong suốt thời gian thực hiện cách ly y tế (trừ người ở cùng nhà, nhân viên y tế và người có thẩm quyền giám sát cách ly y tế);
Tự theo dõi sức khỏe. Khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau rát họng, khó thở thì phải báo ngay cho cán bộ y tế. Hạn chế ra khỏi nhà, thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế;
Thực hiện vệ sinh khử khuẩn nhà ở hàng ngày.
Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 mẫu gộp cho tất cả người ở cùng nhà 05 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7, 14, 20, 28 kể từ khi người cách ly bắt đầu cách ly (trừ người ở cùng nhà đã chuyển đi ở nơi khác).
Trường hợp có người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly thì người chăm sóc, hỗ trợ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 theo thời gian và số lần xét nghiệm giống như người cách ly.
An Lê (TH)