Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2016 tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh là 15,5%, cao hơn cùng kỳ năm 2015 (14,3%) nhưng vẫn ở mức thấp, kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm khi vẫn còn nhiều trẻ không được tiêm vắc xin viêm gan B mũi sơ sinh.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế dự phòng Bộ Y tế lý giải: “Nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ tuyên truyền chưa tốt dẫn tới nhận thức của các thai phụ và người nhà chưa “thông”. Ngoài ra, sau khi xảy ra một số trường hợp tai biến nặng sau tiêm sơ sinh, đã ảnh hưởng tới tâm lý các bà mẹ và cán bộ y tế.”
Hiện nước ta có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B khá cao, chiếm khoảng 10 - 20% dân số. Do đó, nếu trẻ được tiêm vắc xin viêm gan B muộn sau khi sinh, việc phòng tránh lây truyền bệnh từ mẹ sang con sẽ bị giảm, khả năng cao dễ bị mắc viêm gan, ung thư gan.
GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết : “Tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất để ngăn ngừa lây nhiễm virus viêm gan B và phòng ung thư gan. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, mọi trẻ em cần được tiêm phòng vắc xin viêm gan B sơ sinh trong 24 giờ đầu sau sinh. Đến nay, đã có khoảng 100 quốc gia thực hiện lịch tiêm này.”
|
Bộ Y tế khẳng định tính an toàn của vắc xin viêm gan B tại Việt Nam. |
Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị 13 tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24h đầu sau sinh năm 2015 đạt thấp (dưới 50%) cần có biện pháp tăng tỉ lệ tiêm chủng, bảo vệ trẻ em khỏi bệnh viêm gan B nguy hiểm. Bộ Y tế cho biết, mục tiêu đặt ra đến năm 2017 sẽ giảm tỷ lệ mắc viêm gan B sơ sinh cho trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 1%.
Hồng Nhung