- Bệnh tự kỷ đang gia tăng ở Việt Nam và người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Dưới đây là một vài cách giúp bạn nhận diện căn bệnh.
|
Ảnh minh họa. |
Dấu hiệu sớm của trẻ tự kỷ: TS Tâm lý Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu trẻ em và tâm lý bệnh trẻ em, người đã có nhiều công trình nghiên cứu về căn bệnh này chỉ ra những đặc điểm khác biệt giữa trẻ bình thường và trẻ tự kỷ.
Trẻ tự kỷ không giao tiếp bằng mắt giống trẻ bình thường. Trẻ không cười trong khi đáng lẽ phải thế. Trẻ không chạy tới chỗ bố mẹ mà chịu đau đớn một mình. Ngôn ngữ của trẻ không chỉ bị chậm mà còn bị biến thái, trẻ gọi bản thân mình bằng ngôi thứ ba hoặc sử dụng nhầm lẫn các đại từ... trong hoạt động vui chơi. Trẻ thường chơi một mình và các trò chơi thì vô nghĩa. Những trẻ này thường cứ xoay tròn, đập đập cánh tay và đi bằng đầu ngón chân.
Trẻ tự kỷ có thể có những biểu hiện từ rất sớm, nhiều bậc cha mẹ không để ý tới. Đơn giản là nụ cười của con trong những năm đầu đời, hoặc những biểu hiện trên khuôn mặt hay các cử chỉ phi ngôn ngữ, đó đều là những tín hiệu của trẻ kết nối với bố mẹ. Nếu con bạn mất đi những tương tác này thì bạn cần đưa con đến các bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ tâm lí để được tư vấn thêm.
Cân bằng chế độ ăn uống: Khi con mắc bệnh tự kỷ, nên có chế độ ăn sạch và giàu chất hữu cơ cho con như các loại cá hoặc các loại rau, củ, quả, nhưng khẩu phần ăn phải có giới hạn nhất định vì khả năng hấp thụ thức ăn của con không tốt, hay gặp các bệnh về tiêu hóa. Các thực phẩm chứa nhiều gluten như lúa mạch, lúa mỳ cùng tất cả các chế phẩm của chúng ở dạng bánh, bột không nên cho con dùng.
Tạo môi trường phù hợp cho con: Khó khăn ở trẻ tự kỷ là bộ não không thể xử lí chính xác những thông tin thu nhận được, những gì đang diễn ra xung quanh. Ví dụ, với trẻ có thính giác quá nhạy cảm, nếu ở chỗ đông người, trẻ la hét ầm ĩ. Vì thế, hãy hỏi vì sao con có hành vi như vậy để tránh hiểu nhầm rằng con quá hư, hay nhút nhát. Khi hiểu rõ điều đó, bạn hãy đưa con vào căn phòng yên tĩnh hơn, tránh những tiếng động không cần thiết.
ThS Đoàn Ngọc Hà (Viện Thông tin Y học T.Ư)