Thực tế vấn đề cấp phép, quản lý các cơ sở thẩm mỹ vẫn còn khá nhập nhằng và lỏng lẻo. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng hám lợi thực hiện thẩm mỹ chui, bất chấp hậu quả gây ra cho sức khỏe của người dân.
Muôn kiểu thẩm mỹ “chui”
Giữa tháng 3/2021, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với Công an Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền địa phương kiểm tra đột xuất cơ sở “Kang Beauty Center” tại địa chỉ 96 Hồ Bá Kiện, Phường 15, Quận 10. Tại đây, bà Phạm Thị Kim Yến - chủ hộ kinh doanh đã xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký do UBND Quận 10 cấp với ngành nghề kinh doanh là “Bán lẻ mỹ phẩm, dịch vụ chăm sóc da (không bao gồm dịch vụ chăm sóc da gây chảy máu, tổn thương da, giải phẫu thẩm mỹ, không dùng kỹ thuật cao)".
Trên thực tế, Đoàn kiểm tra ghi nhận cơ sở này ngoài chăm sóc da còn có 3 phòng mổ trang bị bàn mổ, đèn phẫu thuật, bình oxy, máy monitor, các dụng cụ và trang thiết bị y tế khác. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn ghi nhận có 2 khách hàng đến đây để thực hiện phẫu thuật hút mỡ đùi, bụng, trong đó một khách hàng đang được hút mỡ đùi. Tại quầy lễ tân và khu vực phòng phẫu thuật, Đoàn phát hiện sổ ghi chép dịch vụ, hóa đơn, phiếu tư vấn… các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ.
|
Học viện phun xăm thẩm mỹ Diễm Nguyễn - Academy (phường Long Trường, thành phố Thủ Đức) hoạt động trá hình phun xăm;bên trong dạy tiêm filler,phẫu thuật cắt cánh mũi, quay trực tiếp tự cắt cánh mũi... Ảnh: SYT
|
Một cơ sở chăm sóc da khác cũng lấn sân sang lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ là “Viện Thẩm mỹ 792 C-R” thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Viện Thẩm mỹ CrLong tại 792 Trường Chinh, Phường 15, quận Tân Bình. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang mở cửa hoạt động, có nhiều khách hàng chờ ở quầy tiếp tân.
Đoàn kiểm tra phát hiện 2 cuốn sổ tại quầy tiếp tân và tại tầng 4 có ghi thông tin khách hàng thực hiện dịch vụ phun môi, phun lông mày, trị sẹo, tế bào gốc, lăn kim, tiêm sẹo lồi, cấy collagen, trị chàm… Đoàn cũng phát hiện 2 máy phun, xăm, thêu trên da có dấu hiệu hoạt động. Trên trang website của cơ sở này có quảng cáo các dịch vụ thẩm mỹ như: nâng mũi sline, cắt mí trên, độn cằm, căng da mặt…
Cơ sở thẩm mỹ thực hiện kỹ thuật vượt quá chuyên môn, nghiệp vụ chắc chắn sẽ để lại hậu quả cho sức khỏe, tính mạng của người dân. Như trường hợp của chị N (43 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) mới đây, sau khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực tại cơ sở thẩm mỹ không biển hiệu ở Quận 6, chị cảm thấy ngực sưng to, đau và một tháng sau xuất hiện một lỗ thủng trên ngực.
Chị tới khám ở một bệnh viện thẩm mỹ, các bác sỹ phát hiện túi ngực đặt trong ngực bệnh nhân là loại túi ngực được khuyến cáo không nên dùng. Đặc biệt, trong ngực bệnh nhân có một miếng gạc y tế bị “bỏ quên”. Các bác sỹ đã xử trí khẩn cấp, lấy túi ngực và phẫu thuật tạo hình lại cho người bệnh.
Từ thông tin này, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra ngôi nhà có địa chỉ số 45T Cư xá Phú Lâm D, Phường 10, Quận 6. Dù không có biển hiệu nhưng tại đây có trang bị phòng phẫu thuật với các dụng cụ phẫu thuật, vật tư y tế, giường mổ, máy hút dịch, máy đốt điện, trưng bày sản phẩm làm đầy, túi nâng ngực, thuốc chữa bệnh, bảng giá dịch vụ thẩm mỹ mũi, vùng kín, vóc dáng... “Với những bằng chứng, tang vật thu được đây là một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ chui, núp bóng trong nhà dân”, Thanh tra Sở Y tế kết luận.
Chỉ trong tháng 3/2021, Thanh tra Sở Y tế phối hợp Công an Thành phố Hồ Chí Minh, phòng Y tế quận, huyện đột xuất kiểm tra, phát hiện, xử lý 24 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không có giấy phép trên địa bàn các Quận 1, 3, 5, 6, 10, 11, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh…
Thanh tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, thực tiễn kiểm tra và thông qua ứng dụng “Y tế trực tuyến”, ngành y tế đã phát hiện nhiều trường hợp là các viện thẩm mỹ, trung tâm thẩm mỹ, cơ sở chăm sóc da, spa, dịch vụ cắt tóc, gội đầu, học viện đào tạo, cơ sở kinh doanh bán lẻ mỹ phẩm…đã lén lút hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ, thực hiện các loại phẫu thuật có xâm lấn trái phép, kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, đào tạo ngành nghề phẫu thuật thẩm mỹ trái phép…
Ai quản lý loại hình dịch vụ chăm sóc sắc đẹp?
Thống kê của Sở Y tế, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 19 bệnh viện thẩm mỹ, 10 bệnh viện đa khoa có đơn vị thẩm mỹ, 212 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và 21 cơ sở phun, xăm, thêu thẩm mỹ đã được công bố. Thành phố có khoảng 2.000 cơ sở chăm sóc da, cắt tóc, gội đầu, làm móng… Đây chính là những nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động thẩm mỹ trái phép.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo quy định của pháp luật, ngoại trừ các bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, cơ sở cung ứng dịch vụ làm đẹp được chia làm 3 nhóm khác nhau. Trong đó, có nhóm phụ thuộc hoàn toàn vào sự quản lý, cấp phép của ngành y tế nhưng cũng có nhóm không.
Cụ thể, với các cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp như cơ sở chăm sóc da (spa), làm móng, gội đầu… chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, không cần giấy phép hoạt động của Sở Y tế. Những cơ sở này tuyệt đối không được sử dụng thuốc gây tê.
Theo Báo Tin tức/ TTXVN