|
Bệnh nhân đang điều trị hóa chất tại Bệnh viện K. |
Chỉ giết mình chứ không giết được khối u
Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức (nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam): Nhịn ăn hoặc không ăn chất đạm để giết khối u là một quan điểm phản khoa học và rất nguy hiểm đối với người bệnh. Tuy nhiên, nhiều người đã nghe theo và áp dụng. Việc nhịn đói hay không nhịn đói tế bào ung thư vẫn phát triển. Thậm chí, khi nhịn đói, ăn thiếu dinh dưỡng, sức đề kháng giảm sút, tế bào ung thư còn phát triển nhanh hơn.
Trên thực tế, tế bào ung thư có phát triển được hay không phụ thuộc vào sức đề kháng của cơ thể. Những người có sức đề kháng tốt, hệ thống miễn dịch tốt... sẽ kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư. Ngược lại, đối với những bệnh nhân đã suy kiệt cả tinh thần, thể lực và sức đề kháng thì ung thư phát triển nhanh hơn. Do đó, nếu "đói", bệnh nhân sẽ chết vì suy kiệt trước khi chết do bệnh ung thư.
Hơn nữa, có đến 50% bệnh nhân khi phát hiện ra ung thư đã có biểu hiện sụt cân, suy dinh dưỡng. Việc điều trị cũng cản trở hấp thu dưỡng chất, nếu nhịn ăn thì chắc chắn bệnh nhân ung thư sẽ chết do suy kiệt. Nếu một người bình thường một ngày cần 25 - 30kcal/kg cân nặng thì bệnh nhân ung thư cần từ 35 - 50kcalo/kg, tương tự protein ở người bình thường là 0,8g/kg thì bệnh nhân ung thư là 1,5 - 2g/kg. Do đó, khi điều trị ung thư, bệnh nhân tuyệt đối không thể nhịn ăn hoặc kiêng khem mà ngược lại, muốn khỏi bệnh bệnh nhân phải duy trì một chế độ dinh dưỡng tốt.
Chỉ thực hiện nhịn ăn giảm béo
BS Dư Quang Châu (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Dưỡng sinh Năng lượng) cho biết: Nhịn ăn là cách hữu hiệu nhất nhằm gột rửa các chất độc ra khỏi cơ thể, cân bằng âm dương, cải thiện sự tuần hoàn và hô hấp. Sinh lực đáng lẽ phải dồn vào trong công việc tiêu hoá thức ăn thì nay được dành để chữa trị, bù đắp các tạng phủ, cơ quan bị suy tổn. Thần kinh hệ được thư giãn, bắp thịt thoải mái, nghỉ ngơi, các nội tạng làm việc ít đi, sinh lực con người được cải tạo, nhờ đó mà ảnh hưởng tốt đến trí não và nhận thức. Bởi vậy, ai cũng có thể nhịn ăn, giảm béo, chữa bệnh, nhưng không thể nhịn tuỳ tiện, mà tuyệt đối tuân theo những hướng dẫn cụ thể.
Nhịn ăn chữa ung thư là theo nguyên tắc bỏ đói khối u nhưng không nên áp dụng bởi rất nguy hiểm. Nếu muốn thực hiện phải có một đội ngũ y tế chuyên nghiệp theo dõi chăm sóc nếu không rất dễ tử vong.Tốt nhất chỉ nên thực hiện nhịn ăn giảm béo nhưng phải theo dõi và đảm bảo theo đúng quy trình. Những người bị ốm, thân thể đang suy kiệt, người bị bệnh cấp tính, ác tính, người đang có thai, cho con bú... không được nhịn ăn.
Ăn các thực phẩm tạo môi trường kiềm
Chị Hoàng Thị Kim Hà (Gia Lâm, Hà Nội) kể: Tôi bị ung thư buồng trứng đã phẫu thuật 2 lần sau đó truyền hóa chất. Tôi không nhịn ăn bỏ đói khối u mà vẫn tiến hành điều trị và thực hiện theo chế độ ăn kiêng riêng cho ung thư. Tôi chỉ ăn những loại thực phẩm tạo môi trường kiềm như các loại hải sản, các loại thịt trắng chứ không ăn thịt đỏ và uống sữa. Tôi được biết ung thư phát triển là do môi trường axit phát triển mạnh chế ngự môi trường kiềm, vì vậy, ăn thực phẩm tạo môi trường kiềm là để chế ngự các tế bào ung thư không cho nó phát triển và dần dần bình phục.
Nghiên cứu cho thấy, 50 - 90% bệnh nhân ung thư có sụt cân, trên 90% bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối có suy kiệt. Hiện tượng giảm cân rồi suy mòn ở ung thư dạ dày (87%), ung thư tụy tạng (83%), ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (54%)... Đây là nguyên nhân khiến 20 - 30% bệnh nhân ung thư tử vong do suy kiệt trước khi tử vong do bệnh. |
Thúy Nga (Thực hiện)
[links()]