Gần đây, những thông tin về việc tẩy trắng gạo, biến gạo mốc thành gạo ngon... gây hoang mang cho người tiêu dùng Việt. Bởi lẽ, gạo vẫn là nguồn lương thực không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày.
Hiện nay, để tạo ra thành phẩm là hạt gạo, người ta không dùng các phương pháp xay xát thủ công mà chủ yếu sử dụng máy móc. Công đoạn tạo ra hạt gạo được rút ngắn nhưng chất lượng của hạt gạo không được đảm bảo an toàn.
Chủ một cơ sở xay xát gạo cho biết, để tạo mùi và làm trắng gạo, trước hết phải mua loại hóa chất tạo mùi thơm cho từng loại gạo cũng như hóa chất tạo màu cho từng loại gạo để biến gạo thành các màu khác nhau hoặc biến gạo thành màu trắng tinh đẹp mắt. Vì các cơ sở xay xát thường mua lúa về tích trữ một thời gian nên khi xay xát sẽ không giữ được mùi thơm của gạo như ban đầu. Các hóa chất tạo mùi thơm cho gạo được mua từ Trung Quốc, tuy nhiên không được bán nhiều trên thị trường, chủ các cơ sở xay xát phải đến tận công ty cung cấp hóa chất để mua.
|
Hóa chất làm trắng gạo |
Ngoài việc tẩy trắng, hóa chất này còn có thể làm nở cơm hết cỡ khi nấu. Ví dụ, 10kg gạo làm trắng bằng bột này thì khi nấu sẽ nở bằng 20kg gạo không dùng hóa chất.
Những cơ sở chế biến gạo cũng đảm nhận luôn công việc "phù phép" cho gạo từ gạo mốc, hỏng thành gạo trắng ngon như thường. Sau khi đổ gạo mốc có mùi hôi, mốc đen vào máy tách gạo, những hạt gạo bị mối mọt ăn gần hết sẽ bị loại bỏ chỉ giữ lại những hạt gạo còn nguyên vẹn. Những hạt gạo này sau đó được đưa vào máy đánh bóng để tạo màu và mùi cho gạo. Chỉ sau 10 phút, những hạt gạo thành phẩm trắng tinh, thơm mùi gạo mới ra lò chỉ đợi đóng bao, dán nhãn mác tung ra thị trường. Nếu bằng mắt thường thì rất khó phân biệt được đâu là gạo mới, đâu là gạo mốc được "phù phép".
Theo giám đốc một công ty chuyên kinh doanh các loại hóa chất, loại hóa chất dùng để tẩy trắng cho gạo là bezoyl peroxide và calcium peroxide chuyên để tẩy trắng gạo và mì mà Trung Quốc đã cấm lưu hành trong chế biến thực phẩm vì dùng quá liều sẽ gây ra hiện tượng rối loạn tiêu hóa, suy gan, thận, có thể bị ung thư và trường hợp xấu nhất là gây tử vong. Loại chất chống mốc là chất deltamethrin chuyên sử dụng diệt côn trùng và khử trùng. Chất tạo mùi là loại hóa chất chuyên dùng cho công nghiệp thực phẩm, còn bột tạo màu gạo thì chưa rõ, hầu như những loại màu đó có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trước đó, những thông tin về gạo Trung Quốc đang trà trộn bán trên thị trường Việt Nam cũng khiến người tiêu dùng lo lắng. Một số loại gạo Trung Quốc bán trên thị trường đã được phát hiện có hàm lượng chì vượt ngưỡng 20 lần cho phép. Nếu sử dụng loại gạo này sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan nội tạng về hệ thần kinh trung ương. Gạo bị nhiễm hóa chất là do được trồng trong môi trường cần tưới tiêu nhiều mà nước được lấy để tưới tiêu chủ yếu là nước từ các nhánh sống chứa chất thải sinh hoạt và công nghiệp chưa qua xử lý.
Còn nhớ vào năm 2011, dư luận xôn xao về một loại gạo lạ mang tên "gạo Thái Lan" xuất hiện tại TP.HCM. Gạo này có những dấu hiệu khác thường như hình dạng thon dài đến 10mm, đều tăm tắp, không có hạt gãy đôi, sứt mẻ, bụng không bạc. Khi nấu lên, cơm không có mùi thơm, hạt đàn hồi như cao su. Song, vụ việc này sau đó cũng chưa có kết luận vì không còn mẫu để phân tích, đối chứng.
Trước đó, một tờ báo tiếng Hàn Quốc tại đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc đã đưa tin về loại gạo giả, được bán tràn lan trên thị trường Trung Quốc. Những hạt gạo giả này là hỗn hợp của bột khoai tây, khoai lang và nhựa tổng hợp.
Đầu năm 2012, nghi vấn gạo nhựa cũng gây xôn xao ở Hà Nội khi nhiều người dân ở quận Hoàng Mai khẳng định đã mua gạo nhựa về nấu cơm và không thể ăn được. Cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra nhưng vẫn không thể tìm ra được loại gạo này. Gạo làm bằng nhựa vẫn là một nghi vấn chưa có câu trả lời cuối cùng.
Bữa cơm của gia đình Việt đang bị de dọa bởi nguồn lương thực bị nhiễm bẩn, nhiễm độc. Thật khó có thể phân biệt bằng mắt thường những loại gạo nhiễm hóa chất không đảm bảo an toàn chất lượng này. Người tiêu dùng nên tỉnh táo để lựa chọn nguồn gạo tốt nhất, tránh những tác hại không đáng có do gạo nhiễm hóa chất gây nên.
Diên Lệ (Tổng hợp)