Những quan điểm sai lầm về chống nắng

Google News

Vô vàn các cách chống nắng được áp dụng nhưng cũng không ít cách làm chỉ mang tính cảm tính chứ không có tác dụng thực sự bảo vệ da.

- Cái nắng hè gay gắt chính là thủ phạm làm đen, cháy da, sạm da, và gây nguy cơ ung thư da, khiến chị em lo lắng. Vô vàn các cách chống nắng được áp dụng nhưng cũng không ít cách làm chỉ mang tính cảm tính chứ không có tác dụng thực sự bảo vệ da.

Trang phục không bảo vệ hoàn toàn

Suy nghĩ rằng trời nắng nóng thì nên chọn mặc các trang phục bằng vải mỏng, nhẹ cho mát, chị Nguyễn Thục Anh (73 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) thường chọn trang phục là các loại vải nhẹ, mát như linen, cotton mỏng, hay vải chất liệu thun lạnh. Thậm chí khi mua áo, váy trùm chống nắng chị cũng chỉ chọn vải thô mỏng cho mát.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Zurich (Thụy Sĩ), các chất liệu truyền thống được ưa chuộng trong mùa hè như vải cotton và linen thực tế lại rất ít tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các tia tử ngoại. Vì đa phần các tia có hại có thể xuyên qua chất liệu vải này dễ dàng. Trang phục có chất liệu giống như vải jean hoặc len được xem là có tác dụng chống nắng tốt nhất và mặc quần áo trùm, đội mũ rộng vành và không ra nắng sẽ giúp bảo vệ da tối đa khỏi các tia tử ngoại.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng khuyến cáo vùng đầu, mặt và cổ là nơi dễ phát triển ung thư da nhất. Vì vậy, bạn cần chú ý che chắn để bảo vệ được cả vùng da nhạy cảm này khỏi các tia tử ngoại.

ảnh minh họa
TS Nguyễn Viết Lượng, Viện Bỏng Quốc gia cũng cho rằng, tác dụng che chắn ánh nắng mặt trời phụ thuộc chủ yếu vào độ dày vải. Trang phục mùa hè tốt nhất nên chọn loại vải dày và có tỉ lệ cotton cao, vừa có tác dụng phòng chống tác hại của các tia tử ngoại, vừa là chất liệu thông thoáng, giúp hạn chế dịch tiết trên bề mặt da, giảm nguy cơ gây tổn thương tế bào da, hạn chế quá trình lão hóa và nguy cơ ung thư. Tuy nhiên,  theo TS Nguyễn Viết Lượng, không phải mọi trang phục đều có thể bảo vệ làn da khỏi các tia tử ngoại. Do vậy, cách tốt nhất để bảo vệ da là nên có thói quen sử dụng kem chống nắng, để hạn chế tối đa tác hại của các tia UV.

Chống nắng trong bóng râm

Nhiều người vẫn thường cho rằng chỉ khi ra ngoài nắng, cảm thấy nắng chiếu rát trên da mới là bị tác động của tia tử ngoại. Nhưng TS Nguyễn Viết Lượng cho rằng, tia tử ngoại có thể tấn công da chúng ta ngay cả trong bóng râm, ở dưới nước hay ngồi trong lớp kính bảo vệ của ô tô. Tất nhiên, các tia UV khi gặp vật cản như kính, nước, vải cũng bị hạn chế phần nào, nhưng các vật liệu này không thể che chắn, bảo vệ hoàn toàn khỏi tác hại của tia tử ngoại.

Tia cực tím có thể xuyên qua nước ít nhất là 1m, nên vẫn cần thoa kem chống nắng dù bạn ngâm mình dưới nước. Và các bề mặt phẳng, sáng đều phản xạ ánh nắng, do vậy, cho dù ngồi dưới ô che nắng, bạn vẫn phải thoa kem.

Trung tâm CDC Hoa Kỳ cũng khuyên rằng ngay cả những ngày có mây thì bạn hãy luôn đội mũ khi phải ở ngoài trời trong thời gian dài bởi da bạn vẫn phải tiếp xúc với tia tử ngoại.

Đừng "cậy" có kem chống nắng

Trong cả cuộc đời con người, da có khả năng chống chọi, tự bảo vệ khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời trong tổng thời gian là 5.000 tiếng. TS Lượng cho rằng nếu da được bảo vệ càng tốt thì tuổi thọ và sức khỏe của da càng được nâng cao, tránh các nguy cơ lão hóa và ung thư da.

Chuyên gia chăm sóc da Nguyễn Minh Hương tại Trung tâm thẩm mỹ và chăm sóc da Trúc Lâm khẳng định,  cách tốt nhất để bảo vệ da là nên có thói quen sử dụng kem chống nắng. Trong điều kiện nắng hè ở Việt Nam, các sản phẩm chống nắng có chỉ số SPF từ 30- 40 là phù hợp.
 
Hãy thoa kem chống nắng khoảng 30 - 45 phút trước khi ra nắng, nhất là những vùng tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Bạn cũng nên tránh tâm lý "cậy" đã thoa kem chống nắng có chỉ số SFP cao nên cứ "vô tư" phơi nắng trong một thời gian dài, đặc biệt là các giờ cao điểm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Bạn cũng nên lưu ý hạn chế dùng nước hoa, tinh dầu trước khi ra nắng sẽ làm da bạn "bắt" nắng nhiều hơn.
 
Mặc dù có nhiều việc bạn có thể làm để bảo vệ da, nhưng hãy biết chú ý đến cảm giác của làn da bạn. Hãy tránh nắng ngay khi bạn bắt đầu cảm thấy da mình nóng rát. Đừng cố để da tiếp xúc với ánh nắng quá lâu, dù bạn cho rằng đã che chắn kỹ.
An Khánh
[links()]