Trong quá trình sinh nở những sản phụ rất dễ gặp phải những biến chứng khó có thể lường trước được. Những biến chứng này nếu không được phát hiện kiph thời và có biện pháp can thiệp sớm sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với cả sản phụ cùng với thai nhi.
Băng huyết khi sinh
Đây là một trong những biến chứng hay gặp nhất trong quá trình sinh nở. Có nhiều nguyên nhân gây chảy máu không ngừng khi sinh, và có thể ảnh hưởng tới tính mạng của cả thai phụ lẫn thai nhi. Theo số liệu thống kê biến chứng băng huyết sau sinh là một trong năm tai biến sản khoa thường gặp, băng huyết chiếm tỷ lệ từ 2%-10% trong số ca sản phụ sau sinh đẻ.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới - WHO, băng huyết sau sinh là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở các bà mẹ trên thế giới hằng năm. Còn theo khảo sát, nghiên cứu của Bộ Y tế về tử vong đối với bà mẹ khi sinh ở 7 vùng địa lý trong nước, trong số các nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho bà mẹ, thì có 3 nguyên nhân chiếm hàng đầu đó là: băng huyết sau sinh (chiếm tỷ lệ 41%), sản giật (chiếm 21,3%) và nhiễm khuẩn (chiếm 18,8%).
Băng huyết sau sinh là khi lượng máu mất trong vòng 24 giờ đầu sau sinh là từ 500 ml trở lên. Có hai nguyên nhân thường gặp nhất gây ra băng huyết tức thời ngay sau khi sinh đó là: tử cung bị đờ (giảm độ đàn hồi); và âm đạo, cổ tử cung bị rách. Bên cạnh đó còn có những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến băng huyết sau sinh là: con to (nguy cơ băng huyết tăng gấp 3 lần nếu thai từ 4 kg trở lên), đa sản (trên 3 lần), giục sinh...
Theo các bác sĩ, ở thời điểm trước và sau khi tróc nhau (giai đoạn ba của cuộc chuyển dạ sinh) là thời điểm thường xảy ra chảy máu, gây mất máu nặng cho bà mẹ, nếu bác sĩ không kịp thời xử lý. Vì thế mà Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra khuyến cáo đối với các bác sĩ chuyên ngành sản khoa là, cần phải xử trí tích cực ở giai đoạn 3 của cuộc chuyển dạ bằng cách chủ động làm tróc nhau để giảm sự mất máu, đề phòng xảy ra tình trạng đờ tử cung do mất máu quá nhiều.
Các bác sĩ khuyến cáo, nên tôn trọng quá trình chuyển dạ tự nhiên để giúp giảm tình trạng băng huyết sau sinh cho sản phụ. Chỉ can thiệp khi thật sự cần thiết, cũng như khi làm thủ thuật phải đúng kỹ thuật, vì nguy cơ băng huyết sau sinh sẽ tăng gấp 2,5 lần trong các trường hợp có tăng co giục sinh..
|
Ảnh chỉ mang tính minh họa. |
Tắc mạch ối
Đây là hội chứng nước ối tràn vào máu khi chuyển dạ đẻ, tai biến này thường gây tử vong cho sản phụ và thai nhi. Tai biến có thể xuất hiện ở bất cứ người nào, trong lần sinh con đầu hay con thứ. Và, thường xảy ra đột ngột, tiến triển nhanh và không thể chẩn đoán hay dự phòng. Hầu hết thai phụ rơi vào tình huống này đều nhanh chóng rơi vào tình trạng tắc mạch não, tắc mạch phổi, mất tuần hoàn, suy hô hấp rồi nhanh chóng tử vong.
Bình thường, nước ối hoàn toàn nằm trong buồng ối, không đi vào tuần hoàn của thai phụ. Tắc mạch ối có thể xảy ra khi có cơn co tử cung mạnh (khiến nước ối thấm vào khoang giữa tử cung và rau - màng ối) và việc các mạch máu ở thành tử cung mở ra. Khi cơ tử cung giãn, các mạch máu mở rộng có tác dụng như những ống hút, hút nước ối vào mạch. Khi cơ tử cung co lại, máu và nước ối được đẩy theo đường tĩnh mạch của tử cung vào tĩnh mạch chậu rồi về tim. Tim đẩy máu có lẫn nước ối lên phổi, làm tắc các động mạch ở phổi.
Những sản phụ có nguy cơ mắc phải tai biến này nhiều nhất là: sản phụ còn quá trẻ, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, máu chưa đủ, hay trên 35 tuổi - sức khỏe kém, nội tiết giảm... Những người có tiền sử bệnh tim mạch, bệnh về máu, phát hiện rau tiền đạo trung tâm trong quá trình thai nghén...
Theo bác sĩ Tạ Thanh Thủy, Phó phòng điều dưỡng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, để chuẩn bị tốt nhất cho một ca sinh an toàn, chị em cần lưu ý một số điều sau:
- Khám thai định kỳ: Điều này nghe có vẻ hiển nhiên nhưng thực tế nhiều chị em lại chưa chú ý đúng mức. Có những người tới lúc đi làm hồ sơ sinh vẫn chưa từng đi khám thai lần nào, mà chỉ thường xuyên siêu âm xem các chỉ số của con. Việc khám thai giúp đảm bảo sức khỏe của mẹ, có thể phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm như tiền sản giật, thiếu máu, tiểu đường thai kỳ, tim mạch... Phải đảm bảo sức khỏe của mẹ thì mới có thể sinh con an toàn, khỏe mạnh.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý: Ăn đa dạng, đủ chất. Kém ăn có thể gây suy dinh dưỡng thai nhi, khiến mẹ tụt huyết áp và gây chảy máu khi sinh. Tẩm bổ quá nhiều, không đúng cách là một phần nguyên nhân gây tiểu đường thai kỳ cũng có thể dẫn tới các biến chứng trong quá trình sinh nở.
- Tham gia các lớp trước sinh: để có được kiến thức về dinh dưỡng của mẹ khi mang thai, nhận biết các dấu hiện trước sinh, chuyển dạ, cách thể dục giữ gìn sức khỏe cũng như cách thở để giữ sức khi sinh, những nguy cơ của mổ đẻ và mổ thường cho mẹ và con...
Biến chứng sót nhau thai
Thông thường, sau khi 30 phút bé chào đời, nhau thai sẽ được đẩy hết ra ngoài và kết thúc quá trình sinh đẻ đấy vất vả của người mẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, một phần nhau thai không được đẩy hết ra ngoài mà vẫn còn sót lại trong tử cung, gây nên tình trạng nguy hiểm cho sản phụ.
Triệu chứng sót nhau thai: Chảy máu nhiều là dấu hiệu sớm nhất, đau âm ỉ hoặc từng cơn ở vùng bụng dưới; nhiễm khuẩn xuất hiện ngày thứ 3 và 4 sau khi sinh hoặc nạo thai.
Nguyên nhân: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất thường của nhau thai, trong đó có nhiều dự đoán cho rằng nguyên nhân chủ yếu là nhau thai có thể dính vào một vết sẹo do lần mổ đẻ trước để lại, hoặc một vết rạch nào đó ở tử cung. Nhau thai cũng có thể dính vào chỗ đã từng bị nạo thai, hoặc chỗ bị viêm nhiễm ở tử cung.
Cách xử trí: Những sản phụ bị xót nhau thai thường bị chảy máu rất nhiều nên nếu thấy hiện tượng bị chảy máu quá nhiều nghi ngờ đó là dấu hiệu bất thường (thông thường sau khi sinh sản phụ thường ra sản dịch trong vòng 6 tuần, ra nhiều nhất trong 3 ngày đầu, mỗi ngày trung bình khoảng 250ml máu, nhưng sản dịch có xu hưởng giảm dần trong những ngày tiếp theo nếu sản dịch ra quá nhiều hoặc không giảm dần thì đó là dấu hiệu bất thường) thì bạn cần kịp thời thông báo với bác sỹ để được khám và có phương án điều trị tốt nhất, nếu máu ra bất thường có thể cần phải tiến hành phẫu thuật để làm ngưng chảy máu. Ngoài ra, còn phải nạo hút nhau ra ngoài, dùng kháng sinh kháng viêm và làm co tử cung. Trường hợp nặng (nhiễm khuẩn, chảy máu nặng) có thể phải mổ cắt tử cung.
Động tác kiểm soát buồng tử cung có thể được nhân viên y tế thực hiện bằng tay có đeo găng, bằng dụng cụ hay siêu âm.... Sau khi sinh, tử cung, cổ tử cung, âm đạo nở rất rộng (tới 10 cm) nên việc dùng tay kiểm soát buồng tử cung rất dễ dàng.
|
Ảnh chỉ mang tính minh họa. |
Sản giật
Sản giật là một biến chứng có thể đe dọa mạng sống khi mang thai, xảy ra khi một thai phụ đã được chẩn đoán là tiền sản giật trước đó (tăng huyết áp và có protein trong nước tiểu) bị co giật hoặc hôn mê.
Trong một số trường hợp, co giật hoặc hôn mê là dấu hiệu đầu tiên nhận biết một phụ nữ đang mang thai bị tiền sản giật. Những dấu hiệu quan trọng báo động sự xuất hiện của cơn sản giật ở những phụ nữ đã được chẩn đoán là tiền sản giật có thể là nhức đầu dữ dội, nhìn mờ, nhìn đôi, hoa mắt. Nhiễm độc thai là từ thường dùng để miêu tả sản giật và tiền sản giật.
Tiền sản giật thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai lần đầu. Tuy nhiên, tiền sản giật có thể gặp ở phụ nữ song thai (hoặc đa thai), trên 35 tuổi, có tăng huyết áp trước khi mang thai, đái tháo đường và những phụ nữ có những bệnh lý khác (như bệnh lý của thận và bệnh mô liên kết).
Tiền sản giật cũng có liên quan đến những bất thường của nhau thai, như nhau quá lớn, nhau quá bé hoặc những cách nhau gắn vào thành tử cung. Tiền sản giật cũng liên quan đến thai trứng, khi mà nhau và thai nhi đều bất thường.
Nhiễm khuẩn sau sinh
Đây là loại tai biến hay gặp nhất trong sản khoa, thường do vi khuẩn ở bộ phận sinh dục gây nên. Trước đây, cứ 10 sản phụ gặp tai biến này thì một tử vong. Tỷ lệ này hiện đã giảm còn 0,3% nhờ phân lập được vi khuẩn gây bệnh và dùng kháng sinh.
Những yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn khác là sản phụ không giữ gìn vệ sinh thai nghén, sức khỏe yếu, thiếu máu, nhiễm độc thai nghén, bế sản dịch, sót rau...
Vi khuẩn từ không khí, dụng cụ đỡ đẻ, quần áo sản phụ hay ở tay người hộ sinh đưa vào bộ phận sinh dục của sản phụ khi thăm khám, đỡ đẻ hoặc bóc rau. Từ đó, chúng xâm nhập các tổn thương sây sát ở âm đạo, âm hộ hay vùng rau bám ở tử cung. Mức độ nhiễm khuẩn nặng nhẹ tùy vào sức khỏe bệnh nhân, loại vi khuẩn (tụ cầu vàng có độc tính cao hơn; vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm và khó điều trị hơn), thời điểm phát hiện, điều kiện chăm sóc và điều trị.
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU
Anh Đào