Nỗi ám ảnh tránh thai
Chị Cao Mỹ Hằng trú tại Lâm Đồng không may bị ung thư vú khi mới 36 tuổi. Chị Hằng kể lần đầu đi khám, bác sĩ thấy một u ở ngực nên bảo chị Hằng về theo dõi, tháng sau kiểm tra lại. Tháng sau đến khám lại, chị Hằng điếng người khi nghe bác sĩ chẩn đoán ung thư vú.
Chị kể lúc biết mình bị ung thư, đầu óc chị quay cuồng, chị quỳ sụp xuống, nước mắt chảy ròng ròng, mọi lời giải thích của bác sĩ không có ý nghĩa gì bởi chị không nhớ từ nào.
|
Ảnh minh họa. |
Nỗi ám ảnh mang tên cái chết cứ cào xé tâm can chị. Hai ngày sau, khi bình tĩnh hơn chị Hằng mới tìm đến bác sĩ để tư vấn và tìm hiểu kỹ hơn về bệnh ung thư vú. Chị Hằng giật mình khi bác sĩ hỏi về tiền sử sử dụng thuốc tránh thai. Từ khi sinh cu Bop chị không đặt vòng tránh thai vì có sẹo tử cung. Chị Hằng chọn tránh thai bằng thuốc uống hàng ngày.
Là người cẩn thận nên chị uống đều đặn suốt 9 năm qua. Khi sử dụng thuốc tránh thai, chị không thấy có tác dụng phụ nào nên nghĩ sống chung với nó mà không ngờ những tác dụng phụ tiềm ẩn sâu xa của thuốc tránh thai.
Gia đình không có ai hút thuốc, không có ai tiền sử ung thư vú và buồng trứng nên chị Hằng nghĩ có thể đó chính là thuốc tránh thai. Cứ nghĩ đến viên thuốc mình uống hàng ngày chính là sát thủ đưa chị đến cận kề với sinh tử là chị Hằng thấy “rùng mình, ám ảnh”.
Chị Quỳnh Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự, chị cũng phải sử dụng thuốc uống tránh thai hàng ngày để ngừa thai nhưng lúc nào chị cũng nơm nớp lo sợ thuốc tránh thai gây rối loạn nội tiết tố và có thể gây bệnh ung thư.
Cũng giống bao loại ung thư khác, ung thư vú hiện nay chưa rõ nguyên nhân mà chỉ dựa vào các yếu tố nguy cơ bao gồm nội sinh và ngoại sinh.
Yếu tố nội sinh như di truyền, nội tiết tố nữ, còn lại phần lớn do ngoại sinh như thuốc lá, bia rượu, thuốc tránh thai, nạo phá thai nhiều lần và do lối sống lười vận động.
Những yếu tố gây ung thư vú
PGS TS Phạm Duy Hiển – Nguyên PGĐ Bệnh viện K Trung ương cho biết, thuốc tránh thai đường uống là yếu tố có thể gây ung thư vú. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng dùng thuốc tránh thai đường uống kéo dài, thường xuyên trên 5 năm làm tăng khả năng mắc ung thư vú lên 1,5 lần, trên 10 năm tăng lên 2 lần so với người không dùng.
Nhưng nếu dừng không dùng sau 5 năm, nguy cơ mắc bệnh trở lại như người bình thường. Nạo phá thai dường như không làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Phụ nữ dùng nội tiết hỗ trợ ở tuổi tiền mãn kinh trên 5 năm (Estrogene+Prolactine) cũng có nguy cơ cao hơn.
Ngoài ra, bệnh ung thư vú có liên quan tới những yếu tố nội sinh. Phụ nữ có kinh nguyệt sớm (trước 13 tuổi với phụ nữ Việt Nam, trước 12 tuổi với phụ nữ Mỹ) và tắt kinh muộn (sau 50 sà sau 55 tuổi tương ứng) có khả năng mắc ung thư vú cao hơn người khác. Cũng như vậy với phụ nữ có con đầu lòng sau 30 tuổi và không sinh con lần nào hoặc không cho con bú có tỷ lệ ung thư vú cao hơn. Ung thư vú là loại ung thư có mối liên quan với di truyền khá cao.
Có đến 5-10% số bệnh nhân ung thư vú liên quan đến gen di truyền từ thế hệ này sang thế hệ sau. Từ thế hệ đầu tiên (thế hệ O) đến thế hệ thứ nhất rồi thế hệ thứ hai bị ung thư vú ở người trước 80 tuổi ở Mỹ người ta tính được lần lượt là 7,8%, 13,3% và 21,1%. Và tử vong lần lượt là 2,3%, 4,2 và 7,6%. Những người có mẹ bị ung thư vú thì khả năng bị ung thư vú cao gấp đôi người thường ở lứa tuổi 40-50.
Còn liên quan đến hội chứng di truyền ung thư vú - buồng trứng (Hereditary Breast-Ovarian cancer syndrome) PGS Hiển cũng cho biết thêm hội chứng này chủ yếu do đột biến gen BRCA1 và BRCA2. Đột biến này di truyền cho thế hệ sau gần như 100%, đặc biệt khi mẹ bị cả 2 ung thư.
Vì vậy có người khuyên nên cắt cả 2 tuyến vú dự phòng trước khi bị ung thư nếu rơi vào trường hợp này.
Ngoài ra đột biến các gen P53, PTEN (Cowden syndrome),STK( Peutz Jeghers syndrome)... điều này vẫn đang được nghiên cứu.
Mời quý độc giả xem video về bệnh ung thư (nguồn Youtube):
Theo Infonet