Chiều muộn ngày 14/7/2016, người mẹ già của sản phụ bị ung thư di căn chỉ ngồi đó và lắc đầu khi được hỏi về tình hình sức khỏe của con gái mình. Bà lặng im, nắm chặt bàn tay gầy guộc của con gái. Đôi lúc bà lại cúi xuống thơm nhẹ lên mu bàn tay con như đã cảm nhận hơi ấm trên đó. Lúc khác bà chăm chú dõi theo từng hơi thở khó khăn, nhọc nhằn trên giường bệnh của con mình.
Chỉ 4 ngày trước thôi, bà đã vui mừng biết bao khi con và cháu trai đã trải qua ca mổ đẻ thành công. Nhưng niềm vui này làm sao có thể trọn khi mà con gái bà còn tiếp tục phải đau đớn, chiến đấu với những tế bào ung thư di căn trong người.
|
Sản phụ bị ung thư di căn vẫn đang phải thở máy và rất yếu sau mổ đẻ. Ảnh: Thu Nguyên. |
Năm ngày sau khi tiến hành ca mổ đẻ sinh con khi mới mang thai tuần thứ 29, sản phụ bị ung thư di căn Đậu Thị Huyền Trâm vẫn nằm li bì một chỗ trên giường bệnh. Hơi thở của chị yếu ớt, nặng nề. Chị đã mong ngóng và đặt biết bao hi vọng vào đứa con này của mình, nhưng từ khi con chào đời đến nay chị chưa một lần được chạm vào con, được cưng nựng con chứ đừng nói tới cho con bú như bao bà mẹ khác.
Giây phút gặp chị, trái tim tôi như thắt lại. Tôi đã muốn hỏi rất nhiều điều về quyết tâm của chị, về nỗi đau của chị... Nhưng nhìn chị đang gắng gượng chiến đấu trên giường bệnh, tôi biết mọi câu hỏi đều vô nghĩa. Tôi hiểu, ngay lúc đó, chỉ mỗi lần chỉ hít thở thôi chị cũng phải gắng sức và đau đớn rất nhiều. Và chị vẫn còn một chặng đường rất dài để tiếp tục chiến đấu với hàng tỉ tế bào ung thư vẫn đang cắn xé bên trong cơ thể từng giây phút.
Người mẹ trẻ này đã vô cùng dũng cảm, kiên cường, khi sẵn sàng chấp nhận bỏ qua thời điểm tốt nhất chữa trị bệnh ung thư để nuôi dưỡng đứa con trong bụng lớn thêm từng ngày, từng chút một. Sức khỏe yếu ớt, nhưng chị sẵn sàng chịu mọi đau đớn trong suốt 18 tuần ròng rã đến khi đón con chào đời an toàn.
|
Em bé con sản phụ Trâm đang được chăm sóc ở Bệnh viện phụ sản Trung ương. Ảnh: Vietnamnet. |
Trao đổi với Kiến Thức, Ths BS. Lê Thị Yến, Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện K cho biết:" Hiện tại, sức khỏe của sản phụ bị ung thư di căn Đậu Thị Huyền Trâm sau mổ đẻ ngồi để cứu con khi mang thai ở tuần 29 còn rất yếu. Bệnh nhân đang trong giai đoạn hậu sản và vẫn đang phải thở máy hoàn toàn.
Việc điều trị căn bệnh ung thư phổi di căn mà bệnh nhân Trâm đang mang trong người hiện chưa tiến hành được. Với những trường hợp sản phụ bị ung thư sinh con thì thường qua phải qua giai đoạn hậu sản 1-3 tháng mới bắt đầu có phác đồ điều trị hóa chất, hay xạ trị phù hợp.
Tuy nhiên, riêng với bệnh nhân Trâm vì bệnh phát hiện quá muộn, sức khỏe bệnh nhân rất yếu, tế bào ung thư vẫn đang di căn nên giai đoạn hậu phẫu này có thể sẽ được rút ngắn hơn so với bình thường. Có thể sau vài tuần hoặc một tháng hậu sản, Bệnh viện K sẽ trao đổi với gia đình về các phác đồ điều trị, điều trị hóa chất sớm để ngăn bệnh tiếp tục phát triển và di căn rộng hơn".
Cũng theo bác sĩ Yến, với những trường hợp thai phụ mang thai bị ung thư như bệnh nhân Trâm, thì việc giữ con và sinh con an toàn là hoàn toàn có thể thực hiện được. Trước đây, từng có những trường hợp bệnh nhân bị ung thư vú, ung thư hạch mang thai điều trị tại viện K và sinh con an toàn đủ ngày đủ tháng.
Tuy nhiên, việc điều trị bệnh ung thư trong quá trình mang thai cho nhưng bệnh nhân này khó khăn hơn so với người khác. Các bác sĩ phải rất cân nhắc và cẩn trọng trong việc sử dụng thuốc và lên phác đồ điều trị. Vì trong các loại thuốc điều trị ung thư có những loại thuốc có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
"Tôi ví dụ, nếu thai phụ mang thai ở gia đoạn đầu và cuối thai kỳ, đây là những giai đoạn nhạy cảm nên không thể điều trị hóa chất. Nhưng nếu thai phụ phát hiện bị ung thư ở giai đoạn 2 của thai kỳ, vẫn hoàn toàn có thể điều trị hóa chất được." Bác sĩ Yến cho biết.
Mời độc giả xem video: Thừa Thiên Huế triển khai thành công kỹ thuật "đẻ không đau":
Thu Nguyên