Sự kiện chàng cựu sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội Nguyễn Hà Đông kiếm được 50.000 USD mỗi ngày (ước tính) từ một trò chơi trên điện thoại di động có tên Flappy Bird, đã khiến dư luận dậy sóng trong suốt những ngày vừa qua. Nhưng cũng chính sự “quan tâm” quá mức của dư luận, truyền thông theo nhiều khía cạnh khác nhau đã khiến “cha đẻ” của trò chơi này là Nguyễn Hà Đông (Hà Đông - Hà Nội) chính thức “khai tử” trò chơi đang gây sốt.
Đây được coi là một quyết định dũng cảm của Nguyễn Hà Đông, chắc hẳn khi quyết định đóng trò chơi này, chàng cựu sinh viên ĐH Bách Khoa phải có những nguyên nhân của riêng mình. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ tâm lý thì việc Đông “khai tử đứa con” của mình là điều dể hiểu.
|
Nguyễn Hà Đông đã chính thức khai tử Flappy Bird |
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (GĐ Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn), việc Nguyễn Hà Đông quyết định “khai tử” trò chơi Flappy Bird một phần chính là do dư luận xã hội.
“Được biết, Nguyễn Hà Đông là một người sống nội tâm và khép kín, chắc chắn rằng khi sáng tác trò chơi game này, Hà Đông không bao giờ nghĩ đến chuyện mình sẽ được nổi tiếng, sẽ có nhiều người biết đến mình. Mà Đông chỉ sáng tạo ra một sản phẩm game nhằm mục đích phục vụ cộng đồng (người chơi game - p/v), nhằm thoả đam mê sáng tạo và làm bằng chính trí tuệ của mình…
Tuy nhiên, thông tin Nguyễn Hà Đông kiếm được bạc tỷ trong một ngày đã khiến dư luận ngạc nhiên và đẩy sự chú ý vào tác giả của trò chơ Flappy Bird. Từ đó, mỗi người khai thác một khía cạnh khác nhau, thậm chí có nhiều người còn đi quá sâu vào cuộc sống, đời tư và chính gia đình của Đông…Điều này khiến Đông bất ngờ, choáng váng với những thông tin không biết “họ lấy ở đâu ra”, thậm chí còn có nhiều người còn xoáy sâu, tri bức anh ấy đến cùng. Chính điều đó gây cho Đông một tâm lý bất an, không có sự chuẩn bị và dẫn đến stress về tâm lý.
Hơn nữa, sự “đào xới” quá sâu vào cuộc sống đời tư vào gia đình của Đông khiến cuộc sống không chỉ của Đông mà cả gia đình đông bị xáo trộn. Có lẽ vì thế, Đông đã đi đến quyết định đóng trò chơi Flappy Bird”, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho biết.
Theo ông Chất, việc làm trên của các ca nhân và cơ quan truyền thông đang gây áp lực lớn với Đông, bằng chứng là hiện tại Đông không muốn tiếp xúc với ai. Đông cũng đã đóng cửa “đứa con” tinh thần của mình và nếu các cá nhân, cơ quan truyền thông vẫn tiếp tục gây áp lực cho Đông thì sẽ dẫn đến những hệ luỵ tiêu cực.
|
Hà Đông, tác giả của Flappy Bird. |
Khi con người bị áp lực từ nhiều phía, quá sức chịu đựng của mình thì sẽ sinh ra các căn bệnh như stress, trầm cảm… “Đối với Đông lúc này điều cần thiết đó chính là sự động viên từ phía người thân. Nếu không cẩn thận chúng ta sẽ mất một nhân tài”, ông Chất nói.
Thiết nghĩ, đối với các cơ quan báo chí nói chung và phóng viên nói riêng, việc đưa thông tin nhanh, kịp thời là rất cần thiết, tuy nhiên, khi lấy thông tin cũng cần phải có sự chọn lọc và xác minh đối tượng. Nguyễn Hà Đông không giống những đối tượng khác là luôn tìm cách tạo ra scandal để được nổi tiếng. Nếu làm game vì mục đích để nổi tiếng thì Đông đã bám vào truyền thông ngay và coi truyền thông là đòn bẩy để mình bay cao, bay xa hơn nữa. Nhưng Đông hoàn toàn không làm vậy, vì làm game cũng là nghiên cứu khoa học, cũng là sự vận dụng tri thức mà những người làm khoa học thật sự thì không bao giờ cần nổi tiếng. Bởi các công trình của họ sẽ được đánh giá bàng chính giá trị và sự tiếp nhận của công chúng.
Có thể nói, từ trường hợp Nguyễn Hà Đông, chúng ta nên nghĩ hãy làm gì cho trí tuệ Việt bay xa, chứ đừng bóp chết vội vã như vậy!
Lê Phương