Phát hiện kim loại nặng trong hạt hướng dương

Google News

(Kiến Thức) - Ngày 3/3, Cục an toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, kết quả kiểm tra bước đầu đã phát hiện trong hướng dương có chứa kim loại nặng.

Sau khi có thông tin về việc hạt hướng dương Trung Quốc có chất gây teo não, ngày 27/2/2013 Cục an toàn thục phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn số 306/ATTP-PC yêu cầu Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia tiến hành lấy mẫu và kiểm tra các loại hướng dương trên thị trường.

Sau 5 ngày tiến hành kiểm tra trên 10 mẫu hướng dương đang được bán trên thị trường, ngày 3/3/2013, Cục an toàn thực phẩm cho biết, kết quả kiểm tra do Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm quốc gia thực hiện đã bước đầu phát hiện trong hướng dương có chứa kim loại nặng (nhôm tổng hợp), nhưng hiện tại, dựa vào kết quả kiểm tra bước đầu thì vẫn chưa phát hiện có phèn nhôm và bột talc. 

Tuy chưa phát hiện ra phèn nhôm và bột talc trong kết quả kiểm tra 10 mẫu hướng dương mà Cục vừa mới công bố, nhưng để bảo vệ người tiêu dùng, Cục an toàn thực phẩm đã đề nghị các Viện kiểm nghiệm trên toàn quốc tiếp tục kiểm tra trên diện rộng và lưu ý lấy mẫu tại địa bàn vùng giáp biện giới. Vì, số lượng kiểm tra và kiểm nghiệm vừa rồi còn rất hạn chế (10 mẫu) nên chưa thể phản án được tình hình thực tế.
 Hạt hướng dương. Ảnh: Internet

Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế),  phèn nhôm gồm hai loại phèn đơn (nhôm sunfat) và phèn kép (nhôm kali, nhôm amon sunfat) hoặc dung dịch phèn nước (thông thường là dung dịch phèn nhôm sắt), được sử dụng để lắng trong nước sinh hoạt.

Theo Thông tư số 27/2012/TT-BYT về “Hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm” của Bộ Y tế, khi sản xuất và chế biến thực phẩm Bộ Y tế cho phép sử dụng 2 loại là Kali nhôm sunfat và Amoni nhôm. Phụ gia thực phẩm Kali nhôm sunfat có chỉ số quốc tế INS là: 522 và được sử dụng trong nhóm thực phẩm: rau đóng hộp, đóng chai (đã thanh trùng) hoặc đóng túi (bao gồm: nấm, rễ, thực vật thân củ và thân rễ, đậu, đỗ, lô hội) và tảo biển. Phụ gia thực phẩm Amoni nhôm sunfat có chỉ số quốc tế INS là: 523 và được dùng trong nhóm thực phẩm: cá và sản phẩm thủy sản rán và/hoặc nấu chín, kể cả nhuyễn thể, giáp xác, da gai.

Cũng theo Thông tư trên thì bột talc là phụ gia thực phẩm có chỉ số quốc tế INS: 553 (iii), được sử dụng trong nhiều nhóm thực phẩm như: sữa bột, cream bột (nguyên chất), các sản phẩm tương tự sữa bột và cream bột, pho mát ủ chín  hoàn toàn (kể cả bề mặt), sản phẩm whey và whey khô, không bao gồm pho mát whey, hỗn hợp cacao (bột) và bánh cacao.

Căn cứ vào thông tư số 27/2012/TT-BYT của Bộ Y tế thì hạt hướng dương không nằm trong danh mục các loại thực phẩm được dùng  Kali nhôm sunfat, Amoni nhôm và bột talc.

Kiến Thức sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc này đến độc giả.

Anh Đào

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Võ Thái Nguyên -

Phảnhồi
Tại sao Cục VSATTP đến bây giờ mới vào cuộc kiểm nghiệm? Qua một cái Tết người tiêu dùng đã tiêu thụ biết bao nhiêu là chất độc hại rồi? Đáng lẽ khi có một mặt hàng mới được nhập , nhất là hàng Trung Quốc , thì lại càng phải kiểm tra gắt gao chứ? Đúng là làm ăn tắc trách" sống chết mặc bay"

Hiển thị thêm bình luận