TS. Lâm Quốc Hùng, Cục An toàn thực phẩm cho biết: "Sau khi có thông tin cảnh báo về một số màng bọc thực phẩm có chứa chất cấm DEHA (chất phá hủy hệ sinh dục và nội tiết - PV) Cục An toàn thực phẩm và Viện Vệ sinh y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh đã lấy 15 mẫu màng bọc thực phẩm để kiểm nghiệm phát hiện DEHA".
Kết quả: 13/13 mẫu màng bọc bảo quản thực phẩm polyvinyl chloride (PVC) có thôi nhiễm DEHA. Tuy nhiên không vượt ngưỡng cho phép theo quy định của EU tại văn bản số 10/2011 ngày 14/1/2011 (3mg/1dm2 tương đương 18mg/kg thực phẩm).
Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy có 2/2 mẫu màng bọc bảo quản thực phẩm polyetylen (PE): không gây thôi nhiễm DEHA.
TS. Lâm Quốc Hùng lưu ý thêm, trên thị trường hiện nay có nhiều loại màng bọc thực phẩm với các chất liệu nhựa chủ yếu từ PVC và PE. Các dấu hiệu chủ yếu để phân biệt một số loại màng bọc thực phẩm từ các vật liệu như sau:
- Màng PVC: có màu trắng ngà/hoặc vàng nhạt và ít dai khi kéo dãn; sờ có cảm giác dính tay, khó tách các lớp màng bọc khi chúng tiếp xúc trực tiếp với nhau; khó cháy, chỉ cháy khi đốt trực tiếp bằng lửa và có mùi hắc.
- Màng PE: có màu trắng, trong suốt, dai khi kéo dãn; khi sờ và sản phẩm ít dính tay, dễ dàng tách các lớp màng bọc khi chúng tiếp xúc trực tiếp với nhau; dễ bị đốt cháy bằng lửa và cháy rất nhanh, không tắt và hầu như không tạo ra mùi khi cháy. Do đó việc lựa chọn màng bọc thực phẩm và cách sử dụng đúng cách để bảo quản thực phẩm rất quan trọng trong bảo đảm an toàn thực phẩm.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, Cục khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng màng bọc thực phẩm ở nhiệt độ cao hơn 70 độ C; hạn chế sử dụng để chứa đựng thực phẩm giầu chất béo, dầu ăn, pho mát, thịt rán; không gia nhiệt bằng lò vi sóng khi thực phẩm còn bọc cả màng bọc PVC.
Thu Nguyên