|
Ảnh minh họa. |
Vi khuẩn gây nhiễm trùng sinh mủ ở hệ thống các màng bao quanh não và tủy sống nên được gọi là bệnh viêm màng não mủ. Vi khuẩn còn có thể gây nhiễm khuẩn huyết, gây choáng dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các giọt nhỏ dịch tiết mũi họng có chứa vi khuẩn não mô cầu. Người bệnh và người lành mang trùng (người mang vi khuẩn não mô cầu ở họng mà không có biểu hiện bệnh) là nguồn chứa vi khuẩn gây bệnh. Người ta ước tính người lành mang trùng chiếm khoảng từ 10 - 20% dân số.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là trẻ dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên từ 14 - 20 tuổi, những người sống trong khu vực tập thể đông người (nhà trẻ, trường học, chung cư, doanh trại...) và các cơ địa suy giảm miễn dịch (cắt lách hoặc rối loạn chức năng lách, thiếu hụt bổ thể...).
Cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Thực hiện tốt vệ sinh, thông thoáng nơi ở và nơi làm việc, có thể tiêm văcxin phòng bệnh. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám tại các cơ sở khám chữa bệnh càng sớm càng tốt.
Hiện tại trên thế giới có nhiều loại văcxin ngừa não mô cầu nhưng tại Việt Nam, mới lưu hành văcxin "polysaccharide" chứa 2 tuýp huyết thanh A và C (có tên gọi là "Polysaccharide Meningococcal A+C Vaccine"). Cách chích ngừa văcxin "polysaccharide" chứa 2 tuýp huyết thanh A và C. Trẻ em > 2 tuổi và người lớn thì tiêm 1 liều, thời gian bảo vệ khoảng 3 năm (tiêm nhắc lại mỗi 3 năm).
TS BS Hồ Đặng Trung Nghĩa (Trưởng bộ môn Nhiễm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch)