- Chín mé là do nhiễm khuẩn tạo nên. Chín mé có nhiều dạng, nhưng hay gặp là chín mé nông, tức là phát sinh ở lớp da của ngón ta, ngón chân. Tuy bệnh không gây ảnh hưởng nhiều tới sức khoẻ, nhưng lại phiền toái trong sinh hoạt, đặc biệt đối với người cao tuổi.
|
Ảnh minh họa. |
Trong chín mé nông thì thể tấy đỏ là hay gặp nhất, đây là thể nhẹ, ngón tay tấy đỏ, chưa có mủ. Trường hợp này không cần chích rạch, không cần dùng kháng sinh, chỉ cần bất động và trích novocain 0,25 vào gốc ngón, chấm các thuốc sát khuẩn tại chỗ.
Nếu ở thể mọng nước, phát sinh trong lớp biểu bì của da, giống như phỏng nước rồi chuyển dần thành màu vàng và cuối cùng chuyển thành mủ loãng thì ta cần xử lý bằng cách rạch tháo mủ ở chỗ thấp nhất rồi băng ép.
Nếu ở thể quanh móng, thoạt tiên mủ xuất hiện một góc của móng, rồi rìa chân móng và dần dần lan quanh móng. Trường hợp này cần rạch tháo mủ bằng đường rạch quanh móng, cắt hết tổ chức viêm, bất động cẳng tay và cánh tay, thay băng hằng ngày, dùng kháng sinh...
Để phòng ngừa chín mé, cần tránh các tác nhân gây ra như gai đâm, mảnh thủy tinh, dằm hoặc các nhiễm khuẩn xung quanh ngón tay, cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sát khuẩn.
PGS Trần Đình Chiến (Bệnh viện 103)
[links()]