Phương pháp mới: Chụp xạ hình sinh thiết hạch ung thư vú

Google News

Phương pháp này sẽ giúp bệnh nhân xác định được hạch di căn, tránh được những biến chứng nặng nề do nạo vét hạch gây ra.

- Chụp xạ hình hệ bạch huyết và sử dụng đầu dò gamma trong phát hiện sinh thiết hạch gác trong phẫu thuật ung thư vú (UTV) sẽ giúp bệnh nhân xác định được hạch di căn, tránh được những biến chứng nặng nề do nạo vét hạch gây ra.

Xạ hình phóng xạ chụp các khối u.
Xạ hình phóng xạ chụp các khối u.

UTV là loại ung thư đứng đầu ở nữ giới tại Việt Nam. Trong UTV di căn hạch nách là yếu tố tiên lượng quan trọng. Trong trường hợp di căn hạch nách, tỷ lệ sống còn 5 năm sẽ giảm 28 - 40%.

Hiện nay, phẫu thuật cắt khối u hoặc toàn bộ vú có u và vét hạch nách là biện pháp cơ bản trong điều trị UTV, kể cả chưa di căn hạch nách.
 
Theo các nghiên cứu, khoảng 60 - 70% bệnh nhân UTV lâm sàng không sờ thấy hạch nách và xét nghiệm mô bệnh học âm tính vẫn phải chịu phẫu thuật vét hạch nách với nhiều biến chứng nặng nề như: phù bạch huyết (15 - 30%), đau do thần kinh (78%), tụ máu và huyết tương 10 - 52%... ảnh hưởng đến chất lượng sống và tâm lý bệnh nhân.
 
Câu hỏi luôn đặt ra với phẫu thuật viên và cả bệnh nhân là nên cắt toàn bộ tuyến vú và vét hạch nách hay chỉ cắt bỏ khối u.

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, lựa chọn chỉ định nên dựa vào tình trạng di căn tại hạch gác. Bởi hạch gác là những hạch lympho đầu tiên nhận dòng bạch mạch từ khối u nguyên phát và các tế bào ung thư thường di căn khối u đến các hạch gác trước rồi sau đó mới đến các hạch xa hơn.
 
Sinh thiết và xét nghiệm mô bệnh học hạch gác có thể tiên lượng sự di căn hạch nách. Bệnh nhân UTV chưa di căn hạch gác chỉ cần cắt bỏ khối u mà không cần vét hạch, từ đó tránh được các tai biến do vét hạch gây ra.

Ở nước ta, khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 là cơ sở đầu tiên ứng dụng phương pháp chụp xạ hình hệ bạch huyết và sử dụng đầu dò gamma trong phát hiện, định vị sinh thiết hạch gác trong phẫu thuật UTV.

Khi thực hiện, bệnh nhân được tiêm dược chất phóng xạ trong da qua 3 vị trí trên khối u. Sau đó bệnh nhân được chụp trên máy gamma ở các tư thế để xác định số lượng đường bạch mạch, số đếm hoạt tính phóng xạ và định vị hạch gác trên hình ảnh.
 
Đánh dấu vị trí hạch gác trên da bệnh nhân bằng bút không xóa. Tiếp tục, bệnh nhân được kiểm tra lại vị trí hạch gác bằng đầu dò. Vị trí hạch gác được xác định khi số đếm phóng xạ >_ 3 lần số đếm ở tổ chức xung quanh.
 
Dựa vào hai kết quả định vị hạch gác này, sáng hôm sau hạch gác được làm sinh thiết tức thì. Sau đó bệnh nhân được phẫu thuật cắt tuyến vú và vét hạch nách. Thời gian phát hiện hạch gác trung bình từ 2 - 15 phút.
 
PGS.TS Lê Ngọc Hà (Chủ nhiệm Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện  T.Ư Quân đội 108)
 
[links()]