Rau muống, rau ngót dẫn đầu nguy cơ ngộ độc

Google News

Theo khuyến cáo, nhóm rau ăn lá có nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao nhất, trong đó dẫn đầu là rau cải, rau ngót, rau muống…

Theo khuyến cáo của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhóm rau ăn lá có nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao nhất, trong đó dẫn đầu là rau cải, rau ngót, rau muống…

 (ảnh minh họa: internet)
(ảnh minh họa: internet)

Việc sử dụng các loại rau có chứa dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng có thể khiến người tiêu dùng bị ngộ độc mãn tính, dãn thể miễn dịch, thậm chí ảnh hưởng đến hệ thần kinh…

Kiểm tra 50 mẫu rau sống gồm xà lách, rau diếp, rau húng và rau mùi tại Hà Nội và TP.HCM trong tháng qua, Cục BVTV cho biết, 58% mẫu có dư lượng thuốc BVTV và 40% mẫu có kim loại nặng, tuy nhiên đều đạt ngưỡng an toàn đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm. Đánh giá tại các địa phương, tỷ lệ mẫu giám sát có dư lượng vượt mức tối đa cho phép cao nhất ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội, tiếp theo là TP.HCM, Lâm Đồng và Tiền Giang.

Theo Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng, kết quả của chương trình giám sát quốc gia năm 2011 cho thấy, chỉ có từ 6 - 7% mẫu rau củ quả tươi có mức dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, ông Hồng khẳng định, mới chỉ có thể khẳng định 93% rau, củ, quả Việt Nam an toàn về mặt chỉ tiêu dư lượng chất BVTV chứ chưa an toàn về chỉ tiêu vi sinh vật.

Trong số 25 hoạt chất thuốc BVTV thường phát hiện vượt ngưỡng, tần suất cao nhất là cypermethrin, acephate, permethrin… Nhiều hoạt chất trong số này thuộc nhóm độc hại, có thể sử dụng đối với cây cao su, cà phê… nhưng nghiêm cấm sử dụng trên rau. Cụ thể như, cypermethrin là loại độc nhóm II, chứa 25% lượng thuốc trừ sâu. Loại hoạt chất này không gây ung thư, biến đổi gien song lại tác động tới hệ thần kinh, miễn dịch. Nếu sử dụng rau có chứa cypermethrin vượt ngưỡng cho phép có thể gây tích lũy, dẫn đến ngộ độc mạn tính.

Theo H. Uyên
PNO
 
BÀI ĐỌC NHIỀU:
[links()]