(Kienthuc.net.vn) - Sau khi đọc bài viết: “TP. HCM: Kiểm tra phòng khám, người Trung Quốc tháo chạy”, PGS. TS. Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ với Kienthuc.net.vn: “Khi tôi đọc báo tôi cũng thấy bức xúc. Không thể để người ta ngang nhiên hành nghề bất hợp pháp, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc như vậy được”.
Theo PGS. TS. Lê Văn Truyền, Bộ Y tế đã có những quy định về các phòng khám có yếu tố nước ngoài nên chỉ đặt vấn đề là thực hiện có nghiêm túc hay không. “Tôi khẳng định rằng hiện chúng ta có đủ khuôn khổ pháp lý để quản. Từ 10 năm trước Bộ Y tế đã lo khung pháp lý cho chuyện này rồi. Vấn đề ở đây là triển khai và giám sát. Ngay từ khâu cấp phép đã được làm tốt chưa, có kiểm tra bằng cấp, tay nghề trước khi cấp phép không, cấp phép có tràn lan vượt quá năng lực quản lý không và sau khi cấp phép thì kiểm tra thế nào?”.
|
Một thanh niên nói tiếng Trung Quốc tại phòng khám Trung Quốc (141 Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận) - ảnh TNO |
Cũng theo ông, chúng ta không thể cấm được người nước ngoài đến hành nghề y, dược tại Việt Nam. Từ khi chúng ta gia nhập WTO thì chúng ta phải tuân thủ theo những quy ước chung của quốc tế, chấp nhận những xu hướng mới trong ngành y: Các thầy thuốc có thể đến các nước khác hành nghề thoải mái; bệnh nhân cũng đi từ nước này đến nước khác chữa bệnh, các dịch vụ y tế được cung cấp xuyên biên giới…
“Để quản lý các bác sĩ nước ngoài cần cả chính quyền lẫn ngành y tế. Chính quyền địa phương phải quản lý về nhân thân, hộ tịch, hộ khẩu. Còn Bộ Y tế, các Sở Y tế quản lý về chuyên môn, bằng cấp, trình độ khám chữa bệnh”.
“Như hôm qua đi kiểm tra, nhiều người Trung Quốc hành nghề y không bằng cấp. Như thế rõ ràng là họ không hề quan tâm đến những quy định của nước ta. Chuyện này xảy ra là do các cơ quan quản lý “ông” nào làm việc của “ông” nấy, không hề có liên kết, hợp tác trong công việc”.
|
Phòng khám bệnh y học Trung Quốc (141 Phan Đăng Lưu, P.2, Q.Phú Nhuận) niêm yết giá rẻ nhưng thật ra là thu tiền với giá “cắt cổ” - ảnh TTO |
“Ở đây có cả câu chuyện kinh tế thị trường, người ta thấy làm được mà có lợi thì người ta cứ làm. Những người Trung Quốc này lợi dụng khe hở của pháp luật, làm ăn chụp giật thu lợi, có chuyện xảy ra thì họ bỏ chạy còn hậu quả để lại là người dân phải chịu”, PGS. TS. Lê Văn Truyền nhấn mạnh.
Về câu hỏi tại sao người dân vẫn tin tưởng vào những phòng khám có người Trung Quốc, PGS. TS. Lê Văn Truyền cho rằng: “Mọi quốc gia có nền y học dân tộc phát triển đều xảy ra chuyện này, không thể tránh được. Trung Quốc là nguồn gốc của đông dược. Tuy nhiên khi các bài thuốc, cách thức khám chữa bệnh vào Việt Nam đã được cải biến bởi nhiều đời lương y để phù hợp với khí hậu, cây cỏ... Khi nói đến y học cổ truyền thì người dân vẫn tin vào Trung Quốc và lối suy nghĩ này không thể thay đổi ngay lập tức được”.
“Hiện chúng ta khuyến khích phát triển y học cổ truyền nhưng cần rạch ròi: cái gì khám chữa được, cái gì không khám chữa được. Tức là phân định năng lực khám chữa bệnh cụ thể để có thể quản lý tốt hơn vấn đề này”.
Vũ Chương
[links()]