Gần đây cư dân mạng liên tục truyền tai nhau về một “Giáo trình dạy tự tử”(GTDTT) xuất hiện trên một số trang web. Nhiều người thực sự tỏ ra hoang mang trước sự lan truyền chóng mặt của giáo trình gây “sốc” này.
GTDTT đã liệt kê một số cách thức tự tử được cho là hiệu quả nhất, chỉ ra cả ưu điểm và khuyết điểm của từng cách thức. Điều này thể hiện sự bế tắc đến đỉnh điểm của một bộ phận giới trẻ hay cho thấy lỗ hổng của việc giáo dục trong gia đình và nhà trường?
“Vui” với thần chết!
GTDTT liệt kê các cách thức tự tử, hướng dẫn tỉ mỉ với những cái tên mang đậm phong cách “võ lâm” như: “Hỏa phụng bái thiên” (tự thiêu bằng xăng); “Sấm chớp vang trời” (tự tử bằng điện); “Đường lên thiên đàng” (Treo cổ); “Xuất đầu lộ diện” (dùng súng hoặc bom), “Chúc tửu long vương” (nhảy cầu xuống sông), và uống thuốc độc tự tử...
Điều đặc biệt là bên cạnh mỗi cách thức tự tử được hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết thì đều có hình vẽ rất cụ thể để minh họa cho những lý thuyết vừa nêu ra. Xin trích dẫn ra một phương pháp cụ thể mà kẻ viết giáo trình này đặt tên là “Sấm chớp vang trời” như sau: Chuẩn bị một cái bồn tắm, đổ nước vào đầy bồn. Dùng dây điện, một đầu nối vào ổ, đầu còn lại nhúng vào bồn nước (nhớ bật công tắc điện, sau đó diện đồ tắm vào rồi bước vào... thưởng thức).
|
Một số “chiêu” tự tử được hướng dẫn cụ thể trên internet. |
Nhảm nhí là vậy, song khá nhiều bạn trẻ tỏ ra đồng tình và đưa ra những lời bình luận khiến người xem dựng tóc gáy... Thời gian gần đây, thông tin về các vụ tự tử trong giới trẻ, trẻ vị thành niên khiến cộng đồng xã hội phải đau lòng và đặt ra nhiều câu hỏi. Không loại trừ thực trạng này có liên quan tới GTDTT.
Vụ 3 học sinh nữ lớp 7A2, Trường THCS Phan Chu Trinh, xã Đăk Săk, huyện Đăk Mil, Đăk Nông tử vong do uống thuốc độc tự tử vì sợ cô giáo mắng. Hay trường hợp, em L.T.D, học sinh lớp a11, Trường Dân tộc nội trú huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đã ăn lá ngón tự vẫn vì đã làm hỏng chiếc điện thoại di động bố cho. Hoặc vụ nữ sinh M.T. lớp 12 Anh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định đã thắt cổ tự tử trong ký túc xá do bị nghi ngờ lấy trộm đồ của bạn..., và còn nhiều vụ tử tử vì những lý do “lãng xẹt” khác.
Phải chặn tận gốc
Theo thầy Phan Lâm Hỷ, Hiệu trưởng Trường THCS Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội: “Nếu có GTDTT đang lan truyền trên mạng, phải tìm cách ngăn chặn tận gốc nếu không rất nguy hiểm. Nhưng điều cốt lõi nhất trong vấn đề định hướng cho các em vẫn là khía cạnh gia đình và nhà trường. Chúng ta phải kết hợp với nhau chặt chẽ hơn, sâu sát hơn. Và sợi dây ràng buộc giữa các em với gia đình và các em với nhà trường nhất thiết phải gần gũi hơn. Nếu chúng ta xa rời các em, các em chỉ có thể chia sẻ những bức xúc, những bí bách của mình cho bạn bè. Và vì thiếu kinh nghiệm sống, vì những câu nói rất hồn nhiên của bạn bè đại loại như: “Thế thì mày tự tử đi là xong hết”.
|
Ảnh minh hoạ |
Trong lúc đang bí bách có khi các em lại thấy lời khuyên của bạn là chí lí, và thế là sẽ có một hậu quả đau lòng xảy ra. Theo TS. Huỳnh Văn Sơn, chuyên gia tâm lý: “Kiểu thông tin thế này có nguy cơ hủy hoại đời sống của một con người, hay nói cách khác là không có tính nhân văn. Gia đình, các cơ quan truyền thông cần “chạy đến”, “chạy cùng”, “chạy trước” con mình để có những tác động mang tính tương hỗ trước những kiểu “dạy dỗ” khủng khiếp như GTDTT”.
Trước thực trạng trên, thiết nghĩ cộng đồng mạng và các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải sớm chung tay vào cuộc, có các biện pháp hữu hiệu, tích cực, sớm loại bỏ tận gốc và nghiêm trị hành động phát tán những “giáo trình đen” như trên, để góp phần làm lành mạnh thế giới mạng, đồng thời giáo dục các bạn trẻ hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
(Theo SKĐS)