Tắc vòi trứng do nạo phá thai

Google News

Đối với BS Lê Thị Kim Dung thì đây là trường hợp không hiếm gặp, đặc biệt trong các cặp vô sinh.

- Tiền của làm ra đều dành vào việc thuốc thang, chạy chữa mong cho cái bụng "sưng" lên mà Chị Nguyễn Thị Loan (Ninh Bình) hết chữa thuốc Tây, rồi thuốc Nam, vẫn không đạt được ý nguyện. Ngồi tại Phòng khám Phụ sản Thái Hà, bác sĩ chỉ biết khuyên chị đi thụ tinh ống nghiệm.
 
Thèm cảm giác nhìn thấy que thử 2 vạch

Vợ chồng chị Loan yêu nhau từ thời đại học. “Góp gạo thổi cơm chung” được 3 tháng thì chị Loan mang bầu. Lần đầu chị phải bỏ trong nước mắt và sợ hãi nhưng cũng ngậm ngùi, bởi lúc này cả hai mới là sinh viên năm thứ 2. Lần thứ 2, chị phải phá thai khi đang ôn thi tốt nghiệp. Và lần thứ ba chị phá thai khi cả hai thất nghiệp. Sóng gió tưởng như đã qua khi cả hai xin được việc làm và gắn kết tình yêu dài lâu bằng một đám cưới viên mãn.

Tuy nhiên, sau ngày cưới, anh chị chờ đợi tin vui mãi mà không thấy gì. Chẳng giống ngày trước, cứ mỗi lần nhìn que thử thai 2 vạch, là tim chị nhói đau, nước mắt giàn giụa, lo lắng, bởi mình sẽ phải bỏ con một lần nữa. Giờ chị thèm cảm giác nhìn thấy que thử như vậy mà khó quá. Lần này, chị gõ cửa tư vấn tại Phòng khám Phụ sản Thái Hà. Sau khi chị được bơm chất cản quang vào tử cung qua đường âm đạo rồi chụp X-quang, BS Lê Thị Kim Dung chỉ biết lắc đầu xót xa kết luận: Cháu bị tắc vòi trứng.
 

Siêu âm khám thai là niềm hạnh phúc của nhiều phụ nữ.
Siêu âm khám thai là niềm hạnh phúc của nhiều phụ nữ.
 
Trứng vẫn rụng sao tắc?
 
Đã 29 tuổi, nhưng kiến thức sinh sản của chị Loan vẫn rất "hồn nhiên", chị đáp lại bác sĩ một cách vội vàng: "Sao thế được, cháu vẫn có thai mấy lần rồi và hiện tại trứng vẫn rụng bình thường sao gọi là tắc". Giải thích lời băn khoăn của chị Loan, BS Lê Thị Kim Dung nhẹ nhàng: Chính vì cháu có thai mấy lần mà không giữ nên mới tắc. Trứng vẫn rụng bình thường chỉ có điều trứng đã thụ tinh không đi vào tử cung để làm tổ được. Ngày trước chắc cháu nạo thai ở nơi vô trùng không tốt, dẫn đến viêm nhiễm, có sạn hoặc một vật lạ vào vòi trứng, khiến nó bị tắc. Nếu bệnh nhẹ và phát hiện sớm thì việc thông vòi trứng kèm uống thuốc có thể vẫn có con bình thường. Nhưng của cháu đã để lâu, giờ chỉ còn cách thụ tinh ống nghiệm.

Nước mắt vợ chồng chị Loan lại rơi và giờ thì anh chị đã hoang mang, sợ hãi hoàn toàn vì cái giá của mình phải trả thời trai trẻ. Cầm cuốn sổ y bạ trong tay, chị đang lo với thành công của thụ tinh trong ống nghiệm chỉ đạt 20% một lần, mà chi phí tốn kém khoảng 50 triệu đồng, liệu rằng anh chị có đủ tiền, đủ sức và đủ kiên trì để tìm kiếm đứa con cho mình không. Đối với BS Lê Thị Kim Dung thì đây là trường hợp không hiếm gặp, đặc biệt trong các cặp vô sinh. Cũng chính bởi xã hội quá "cởi mở" và sinh hoạt nam nữ trước hôn nhân đã trở thành chuyện thường.
 
Nếu ở các nước phát triển, việc dùng các biện phát phòng tránh thai được khuyến khích, còn việc nạo phá thai sẽ bị cấm đoán và ai sai phạm sẽ bị phạt nặng thì ở Việt Nam chưa có quy định như vậy. Đây chính là nguyên nhân để ngày càng có nhiều người vô sinh.
 
Phạm Hằng