Tập “mở cửa hút” để giảm điều trị bằng thuốc

Google News

Các nghiên cứu cho thấy, việc "mở cửa hút" là phương pháp tập luyện để nâng cao sức khoẻ, giảm dần lượng thuốc điều trị.

- Theo các chuyên gia y tế, tâm năng dưỡng sinh (TNDS) không phải là thuốc để điều trị bệnh cho nên không được coi việc "mở cửa hút" là để chữa bệnh. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, việc "mở cửa hút" là phương pháp tập luyện để nâng cao sức khoẻ, giảm dần lượng thuốc điều trị.
[links()]
Hợp năng lượng cơ thể với năng lượng vũ trụ

TS.BS Đào Bội Hoàn, nguyên Trưởng ban Thực nghiệm, Khoa Nghiên cứu lâm sàng, Viện Sốt rét và Ký sinh trùng T.Ư, Chủ tịch Hội đồng Khoa học môn TNDS cho biết, con người tồn tại trong vũ trụ chịu sự tác động của môi trường và cũng tác động lại môi trường. Năng lượng vũ trụ có vô vàn các hạt vật chất chuyển động liên tục theo các bước sóng khác nhau trong không gian, thời gian vô tận.

Con người có khả năng thu nhận năng lượng vào cơ thể qua các vị trí mà theo Đông y là các huyệt đạo, môn TNDS gọi là cửa hút. Thu năng lượng là để nguồn năng lượng vũ trụ tương tác với dòng điện trong cơ thể, hợp thành trường năng lượng sinh học (bioplasma). Năng lượng sinh học này sẽ tập trung vào các vị trí cần thiết của cơ quan nội tạng đang bị bệnh giúp cơ thể điều chỉnh lại sự mất cân bằng (theo Đông y là sự mất cân bằng về vận hành khí và huyết trong cơ thể sẽ sinh ra bệnh "Thông (thì) bất thống, thống do bất thông").

Ngồi thu năng lượng đẩy lùi bệnh tật.
Ngồi thu năng lượng đẩy lùi bệnh tật.

Tập đều giúp giảm triệu chứng bệnh

Theo TS.BS Đào Bội Hoàn, cơ thể con người gồm nhiều cơ quan, trong đó tế bào là đơn vị nhỏ nhất cấu tạo nên toàn bộ cơ thể. Màng tế bào là nơi trao đổi chất. Phản ứng chuyển hóa này cần có oxy và phải đủ oxy. Vì vậy, nhu cầu oxy là rất lớn (nhất là đối với tế bào cơ mà khối lượng cơ vân chiếm tới 40% trọng lượng của cơ thể).

Hệ thần kinh có vai trò quan trọng nhất trong việc điều chỉnh hoạt động của các bộ phận một cách nhịp nhàng. Khi có sự cố ở một bộ phận nào đó, hệ thần kinh sẽ chỉ huy các bộ phận khác "cấp cứu" bộ phận đó và bao vây tiêu hủy mầm mống gây sự cố... Con người tồn tại được nhờ có khả năng kỳ diệu là tự điều chỉnh những mất cân bằng trong hoạt động của các bộ phận để tồn tại và thích nghi với môi trường bên ngoài.

Bệnh tật sinh ra khi cơ thể không tự điều chỉnh được sự mất cân bằng đó. Khi đó, tác nhân gây bệnh quá mạnh đối với khả năng chống đỡ của con người và phải nhờ tới các tác nhân bên ngoài giúp đỡ: điều trị bằng Đông y, Tây y, vật lý trị liệu...

Cũng theo TS.BS Đào Bội Hoàn, các môn dưỡng sinh nói chung và TNDS PHSK nói riêng không phải là một phương pháp chữa bệnh, các môn sinh của trường phái này cũng không được phép chữa bệnh cho người khác. Nhưng bằng việc học một phương pháp tập luyện đúng, các môn sinh tự tập luyện, tự điều chỉnh sự mất cân bằng trong cơ thể để nâng cao sức khoẻ về thể chất và tinh thần, từ đó có thể giảm thậm chí khỏi một số bệnh.

Thực tế phương pháp TNDS PHSK là một phương pháp khoa học, không có gì khó hiểu, bí hiểm. Bởi cốt lõi của phương pháp là "tĩnh tâm vô thức và luyện thân bất động". Hai yếu tố  này đã được sử dụng cả ngàn năm nay trong nhiều môn phái tập luyện - Thiền.

Các nhà khoa học của Nhật bản, Mỹ, Đức, Pháp đã sớm có nhiều công trình thực nghiệm y học sinh học tiến hành với các thiết bị hiện đại. Họ đã chứng minh được rằng, khi con người thường xuyên lặp lại hằng ngày bài tập "tĩnh tâm vô thức và luyện thân bất động" thì sau một thời gian sẽ có những biến chuyển có lợi trong cơ thể, điều chỉnh được những rối loạn chức phận của một số cơ quan. Vì vậy, sức khoẻ tăng lên rõ rệt, một số bệnh giảm dần các triệu chứng, thậm chí khỏi hẳn.

Khi tĩnh tâm vô thức sẽ tạo ra sự ức chế toàn bộ vỏ não, từ đó ức chế tới toàn bộ hệ thần kinh trung ương, ngoại biên, thần kinh giao cảm và phó giảm cảm... Khi đó các tế bào cũng bị ức chế không hoạt động hô hấp tế bào, do vậy nhu cầu tiêu thụ oxy và nhu cầu năng lượng cũng sẽ giảm. Nhờ vậy, các cơ quan không đòi hỏi năng lượng cho quá trình hô hấp tế bào, nên giảm được nhiều chất có hại do quá trình chuyển hóa các chất này gây ra. Nhờ đó, chống được lão hóa, nhất là lão hóa các  tế bào thần kinh.

Việc luyện thân bất động, cơ thể ở trạng thái giảm trương lực cơ một cách chủ động, toàn bộ cơ bắp ở trạng thái nghỉ, nhờ đó phục hồi được khả năng co duỗi, động tác tinh tế, dẻo dai... Việc luyện tâm, rèn ý chí cũng có ý nghĩ quyết định để người bệnh có lòng tin, hướng thiện... là liệu pháp tâm lý tốt cho việc tập luyện, nâng cao sức khoẻ.

Ai cũng có thể tập

GS.TS Nguyễn Ngọc Kha, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hồng Hà - người nghiên cứu về dưỡng sinh cho biết, tập trung vào tập luyện được chia làm hai cách: Tập dưỡng sinh (thiền, yoga, khí công...) theo nghĩa sinh học là ức chế toàn vỏ não (bao gồm cả giác quan và hệ thần kinh động vật (ý thức)) trên cơ sở giảm tần số các tế bào thần kinh ở vỏ não, còn khi tập thể thao, là tập trung hưng phấn các tế bào thần kinh. Tập TNDS là một dạng thiền định, tập trung tư duy vào luyện tập, gạt bỏ mọi ý nghĩ, điều khiển thư giãn cơ, chính việc thư giãn cơ có tác dụng trở lại hệ thần kinh dưới vỏ.

Khoa học đã chứng minh, khi tập luyện để rơi vào trạng thái vô thức, tức là ức chế hệ thần kinh động vật (tư duy vỏ não), ức chế đồng đều các vùng cảm nhận của vỏ não như thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác... Khi sự ức chế càng cao, thư giãn càng lớn dẫn đến giảm nhịp thở, đỉnh cao có thể chỉ thở 3 - đến 4 nhịp/phút.

Như vậy, hệ thần kinh não tủy làm ức chế toàn bộ hệ thần kinh động vật, thực vật dẫn đến ức chế từng tế bào trong cơ thể khiến cơ thể được nghỉ ngơi, lấy lại cân bằng nâng cao sức khoẻ và có thể khỏi bệnh.

Thực tế nghiên cứu cho thấy, vô thức có tác dụng chống mỏi cơ, chống mệt mỏi sau khi làm việc căng thẳng; tránh được các cơn nhức đầu không nguyên cớ, chống mất ngủ, ngủ không sâu, mộng mị, ác mộng... Đặc biệt, nó cũng có tác dụng trong một số bệnh chức năng như thổn thức tim, ngoại tâm thu, cao huyết áp mà không có nguyên cớ.

TNDS ai cũng có thể tập để năng cao sức khoẻ. Tuy nhiên, đối với các bệnh nhân có bệnh tiền tâm thần nếu không biết tập có thể gây tẩu hỏa nhập ma. Khi tập luyện cũng cần lưu ý TNDS không phải là phương thuốc để điều trị bệnh mà chỉ là phương pháp tập luyện để nâng cao sức khoẻ, giảm dần lượng thuốc.

Theo nghiên cứu của GS Kasamatsu, Đại học Tokyo (Nhật Bản): Khi chạy, cơ thể tiêu thụ lượng oxy 1.595ml/phút, đi bộ 668ml/phút; nghỉ ngơi 328ml/phút, thiền 211ml/phút. Đặc biệt, sau giờ ngủ oxy giảm 15%; sau 20 phút vô thức, oxy giảm 20%. Khi cơ thể hoạt động bình thường: lượng calo phải cung cấp là 2.000 calo/ngày. Khi lao động nặng cần lượng calo nhiều hơn tùy theo loại hình lao động. Khi vô thức chỉ cần 1.000 calo (ngay cả trong thời tiết lạnh giá, 1.000 calo/ngày đối với các thiền sư Tây Tạng cũng đủ để hoạt động bình thường).
Nhật Hà
 
Bài đọc nhiều: