Phát điên vì áp lực thi cử
Theo quan sát của Kiến Thức tại Viện Sức khỏe tâm thần và khoa tâm thần ở một số bệnh viện, thời điểm này lượng bệnh nhân là học sinh, sinh viên đến khám và điều trị ngày càng ra tăng. Thậm chí có nhiều trường hợp phát điên, bị hoang tưởng hoặc stress nặng phải nhập viện.
Đào Thị Thúy 19 tuổi, quê ở Hưng Yên, sinh viên một trường cao đẳng ở Hà Nội. Khi tới Viện sức khỏe tâm thần, Thúy không ngừng gào khóc cầu cứu những người xung quanh. Theo lời kể của mẹ Thúy, hiện cô gái này đang học tại trường Cao đẳng Sư phạm và học rất giỏi với thành tích tốt năm học vừa qua nhưng vì quyết tâm phải thi đỗ đại học và học 2 trường nên cả ngày cả đêm lao vào học.
Thời gian gần đây Thúy có những biểu hiện lạ, hay làm nhảm một mình, thi thoảng dùng tay cào rách mặt, rồi gào khóc và luôn miệng gào thét cầu cứu người xung quanh vì nghĩ rằng có người hại đời mình… Chính vì thế gia đình đã đưa Thúy vào bệnh viện để thăm khám.
|
Qúa tải mùa thi nhiều học sinh "phát điên". Ảnh minh họa |
Trường hợp của Bùi Hữu Cường ở Xuân Mai - Hòa Bình nhẹ hơn Thúy, nhưng em cũng đang bị mất ngủ triền miên do áp lực thi cử. Cường tâm sự: “Em đang ôn thi tốt nghiệp và luyện thi đại học. Nhưng thời gian gần đây em luôn cảm thấy lo lắng mỗi khi nghĩ đến kỳ thi, cứ lo lắng là mất ngủ, nhiều khi nhắm mắt lại là lại lo không ngủ được. Để ngủ được em phải uống thuốc ngủ, sau thuốc ngủ cũng không có tác dụng nữa. Em bị mất ngủ như vậy trong gần 2 tháng nay”.
Tại thời điểm này, trong số những người nhập Viện Sức khỏe tâm thần, có 10-20% là học sinh cấp 3 và một phần nhỏ là sinh viên đại học. Hầu hết các em đều bị stress, mất ngủ nhiều ngày, thậm chí có nhiều biểu hiện rối loạn tâm thần nặng, hoang tưởng …
Theo số liệu thống kê từ các bệnh viện tâm thần thì thời điểm trước mỗi mùa tuyển sinh, con số học sinh, sinh viên nhập viện, khám điều trị thường tăng đột biến. Không ít khoa trong bệnh viện trở nên quá tải. Do điều trị chứng rối loạn tâm thần cần có thời gian nên không ít sĩ tử không kịp dự kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng đã đăng ký trước đó.
Qúa nhiều áp lực học sinh giỏi cũng dễ tâm thần?
Trao đổi với Kiến Thức, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Viện sức khỏe tâm thần, cho biết: “Thời điểm mùa thi do những áp lực của việc học tập, đỗ đạt thi cử quá lớn, của gia đình và bản thân, lịch học liên tiếp dồn dập nên nhiều em không có thời gian nghỉ ngơi dẫn đến cơ thể suy kiệt. Hơn nữa cùng với việc thường xuyên thức khuya, sử dụng các chất kích thích để tỉnh táo về đêm nên có những ảnh hưởng rất lớn tới thần kinh".
Hầu hết những bệnh nhân là học sinh, sinh viên nhập viện do các vấn đề liên quan đến học tập, thi cử thường có biểu hiện chán an, mệt mỏi, lo lắng sợ hãi, mất ngủ dài ngày hoặc bị những rối loại về cảm xúc, stress nặng, thậm chí hoang tưởng. Nhiều em thường xuyên tự làm tổn thương bản thân.
Một nguyên nhân chủ quan liên quan đến bệnh rối loạn stress của hàng loạt học sinh, sinh viên là yếu tố cơ địa của từng em. Lượng hormon có tên khoa học serotonin trong cơ thể càng giảm, nguy cơ học sinh, sinh viên mắc rối loạn trầm cảm càng cao. Rối loạn trầm cảm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh tiến triển nặng rất khó điều trị, sẽ để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc, nhiều học sinh bị áp lực học tập, thi cử, đỗ đạt làm cho "phát điên" bác sĩ Nguyễn Văn Dũng khuyến cáo: "Với các em học sinh nên cân đối giữa thời gian ôn luyện và thư giãn. Tuyệt đối không nên sử dụng những chất kích thích trong thời gian ôn thi vì những thức uống có chất kích thích như trà, cà phê... sẽ có ảnh hưởng không tốt đến thần kinh. Không nên dùng thuốc bổ thần kinh, tăng cường trí nhớ bởi chỉ có một vài loại có tác dụng hỗ trợ học sinh trong thời gian ôn thi căng thẳng nhưng hiệu quả rất nhỏ.
Về phía gia đình nên theo sát con em mình không nên đặt quá nhiều trách nhiệm, áp lực phải thi được trường này, phải đỗ trường kia lên vai của các em. Nếu thấy các em có dấu hiệu bất thường, nói chuyện một mình, căng thẳng, mất ngủ, ăn không ngon thì nên đưa con em mình đi khám để điều trị kịp thời.
Bí quyết chống lại trầm cảm, rối loạn tâm thần cho sĩ tử.
Ăn uống
Luôn tuân thủ chế độ ăn uống đầy đủ (ngày 3 bữa) và hợp lý cũng là một cách tốt để giảm stress. Nên ăn nhiều thức ăn thô (gạo, ngũ cốc…), chất xơ, hoa quả, rau xanh, bổ sung các loại vitamin, uống nhiều nước mỗi ngày. Ăn uống đủ chất và điều độ sẽ giúp ta có được một tinh thần minh mẫn nhất cho các sĩ tử.
Tập luyện
Các sĩ tử dù bận rộn lo lắng tới đâu cũng nên dành thời gian để rèn luyện sức khỏe bằng các bài thể dục, chạy bộ, bơi lội hoặc một vài môn thể thao nhẹ nhàng khác để cơ thể được vận động.
Việc luyện tập không chỉ giúp tăng cường thể lực mà còn là phương pháp hữu hiệu trong việc giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực do stress gây ra. Khi ấy, ta cần tập trung cao độ, vận động toàn bộ cơ thể giúp tránh các bệnh về cơ bắp và chống lại triệu chứng rối loạn tập trung tư tưởng (một trong các triệu chứng của bệnh trầm cảm). Vì thế đừng ngại ngần bỏ ra từ 5-10 phút để tập thể dục vào buổi sáng và chiều để luôn giữ sức khỏe tốt nhất trước khi bước vào các kỳ thi quan trọng.
Nghỉ ngơi
Cơ thể con người không thể hoạt động như một cái máy, chúng rất cần được nghỉ ngơi sau những giờ phút căng thẳng mệt mỏi. Hãy tạm dừng mọi công việc, những căng thẳng của học hành, dành cho cơ thể những thời gian nghỉ ngơi trong không gian yên tĩnh, giúp cơ thể và tâm hồn được thả lỏng.
Sau giây phút đó khả năng tập trung, ôn bài sẽ hiệu quả hơn rất nhiều lần. |
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU
Thu Na